Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thăm, làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Sau khi đi khảo sát thực tế tình hình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và các dự án liên quan đến XĐGN tại 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. Chiều 20.1, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII do đồng chí Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện XĐGN qua Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) và việc quản lý lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án liên quan trực tiếp đến XĐGN trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. |
Dự buổi làm việc về phía tỉnh ta có các đồng chí: Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Báo cáo của UBND tỉnh với Đoàn giám sát nêu rõ: Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc. Toàn tỉnh có 195 xã, phường và thị trấn, 1.986 thôn bản và tổ dân phố. Năm 2006, toàn tỉnh có 112 xã được thụ hưởng Chương trình 135; năm 2007 có 114 xã; năm 2008-2009 có 123 xã vùng III và 93 thôn vùng III thuộc xã vùng II. Tính đến 31.12.2009, toàn tỉnh có 148.391 hộ và 714.346 người của 22 dân tộc anh em. Hộ nghèo theo tiêu chí hiện hành có 31.931 hộ, chiếm 21,52%; hộ cận nghèo 16.406 hộ chiếm 11,06%, trong đó hộ nghèo là dân tộc thiểu số 31.679 hộ chiếm 21,35% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tổng vốn đã giải ngân trong 4 năm, tính đến hết năm 2009 đạt 524.081,57 triệu đồng, bằng 88,56% kế hoạch. Qua 4 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ hộ nghèo của 123 xã đặc biệt khó khăn giảm từ 70,34% đầu năm 2006 xuống còn 34,21% năm 2009. Chương trình đã góp phần thay đổi bộ mặt của các xã đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả, chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển biến của các cấp, các ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh phân cấp cho xã làm chủ đầu tư. Tính đến nay 123/123 xã được làm chủ đầu tư, trong đó 110/123 xã được phân cấp làm chủ đầu tư toàn bộ các hợp phần của chương trình đạt 89,43%. Cùng đó, thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án XĐGN trên địa bàn các xã 135, qua 4 năm thực hiện tỉnh ta đã đạt được những kết quả to lớn. Toàn tỉnh đã có 1.346 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng; mở mới 288 tuyến đường dân sinh, hoàn thành 836 km đường giao thông nông thôn; 8.663 hộ được hỗ trợ xây bể nước; 23.304 hộ được xóa nhà tạm; 1.298 ha đất được khai hoang nương xếp đá, chuyển nương thành ruộng; 105.425 lượt hộ nghèo được vay vốn XĐGN; 500.920 lượt học sinh được miễn giảm học phí, cấp sách giáo khoa, vở viết miễn phí; 36.925 lao động được đào tạo nghề... Các chính sách, dự án giảm nghèo đã giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng động, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và các thành tựu phát triển KT-XH. Kết quả toàn tỉnh có 46.711 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 51,05% đầu năm 2006 xuống còn 21,52% cuối năm 2009, vượt 140% kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Mã Điền Cư khẳng định: Qua khảo sát, giám sát thực tế tại tỉnh Hà Giang, Đoàn giám sát nhận thấy Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án XĐGN được Hà Giang triển khai khẩn trương, nghiêm túc với quyết tâm cao. Chương trình được thực hiện góp phần thay đổi bộ mặt của các xã đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của Hà Giang như: Địa bàn triển khai thực hiện chương trình chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, địa hình đi lại hiểm trở và đối tượng hỗ trợ là các hộ nghèo, trình độ dân trí thấp nên khả năng tiếp thu tiến bộ KHKT còn hạn chế, khả năng tiếp cận của cán bộ cơ sở còn gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức triển khai ở một số huyện còn lúng túng, tiến độ giải ngân chậm; công tác phân cấp cho xã làm chủ đầu tư đã được thực hiện tốt, tuy nhiên sự phân cấp chưa đồng đều, phân cấp nhưng chưa phân quyền; tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng còn thiếu tính bền vững... Để triển khai các chương trình, dự án có hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư cho rằng, năm 2010 Hà Giang cần tăng cường nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố: Giao thông, thủy lợi, điện, tạo điều kiện để đồng bào phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm cho bà con các dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn. Tích cực chuyển đổi sản xuất từ trồng cây lương thực sang trồng và bảo vệ rừng gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có để làm du lịch sinh thái đối với diện tích đất xấu, đất dốc, nương xếp đá; xây dựng chính sách thu hút thỏa đáng đối với cán bộ có trình độ lên công tác tại các huyện nghèo trong thời gian từ 10-15 năm; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; làm tốt công tác quy hoạch đào tạo cán bộ là người địa phương để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy ban Dân tộc của Quốc hội đã dành cho Hà Giang. Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang nguyện tiếp tục đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng Hà Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Ý kiến bạn đọc