Nghị quyết 30a sau một năm thực hiện

09:46, 31/12/2009

HGĐT- Nghị quyết 30a/2008/NQCP ngày 27.12.2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước được chính thức triển khai tại địa bàn Hà Giang từ đầu năm 2009. Đây là một nghị quyết lớn, quan trọng của Chính phủ, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện XĐGN cho nhân dân các vùng còn đói nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.


Tiêu chí đặt ra của nghị quyết là tập trung nguồn lực của T.Ư, địa phương giúp đỡ cho 797 xã của 62 huyện thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Nhằm tạo sự chuyển biến nhanh, vững chắc đời sống vật chất tinh thần của các hộ nghèo – tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ sản xuất nông – lâm nghệp; xây dựng kết cấu hạ tầng KT – XH phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; quy hoạch xây dựng xã hội nông thôn mới gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc QP – AN.

 

Mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn là: Đến năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40%; đến năm 2015, giảm xuống ngang mức hộ nghèo trung bình của tỉnh; và đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo hạ xuống ngang bằng mức trung bình của khu vực, giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập của các hộ nghèo để từ đó nâng mức sống dân cư ở các huyện nghèo gấp 5 – 6 lần so với hiện nay.

 

Đối chiếu với tiêu chí của Nghị quyết, Hà Giang là tỉnh trọng điểm với 6/11 huyện, thị nằm trong vùng triển khai đề án của Nghị quyết là: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết có tác động quyết định đến kết quả XĐGN nên Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền, các ngành và đoàn thể của tỉnh các huyện, các xã phải khẩn trương, cụ thể và kiên quyết vào cuộc. Với lộ trình, năm 2009 triển khai bước một của Nghị quyết gồm các phần việc: Kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh; xây dựng đề án, bảo vệ và phê duyệt đề án của mỗi huyện; kêu gọi, cam kết sự giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư với từng huyện; điều tra, lên kế hoạch và triển khai xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở từng xã của mỗi huyện; phân công các đồng chí ủy viên BTV, BCH Tỉnh ủy và các cơ quan của tỉnh, của huyện trực tiếp phụ trách và giúp đỡ XĐGN cho từng xã, từng thôn bản.

 

Đến nay, thời điểm 31.12.2009, sau đúng một năm thực hiện, rất nhiều phần việc đã được triển khai kịp thời và sát đúng kế hoạch. Đầu tháng 2.2009, một loạt công việc đã được triển khai, đó là: Tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết; thành lập 6 tổ công tác của tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ 6 huyện điều tra, xây dựng đề án; kiện toàn ban chỉ đạo XĐGN của tỉnh để trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết; Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định 694-QĐ/TU ngày 24.2 phân công các ủy viên BTV, BCH Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh phụ trách các huyện và 35 xã nghèo; UBND tỉnh ra quyết định phân công 88 doanh nghiệp của tỉnh hỗ trợ giúp đỡ cho từng xã.

 

Việc điều tra xây dựng và phê duyệt đề án chi tiết cho từng huyện cũng được tiến hành rất khẩn trương, đúng hướng dẫn quy định. Từ ngày 16 – 18.3, 6 huyện đã lần lượt thông qua dự thảo đề án: “Phát triểu KT – XH, để giảm nghèo nhanh và bền vững” trước đoàn công tác của Chính phủ và Ban chỉ đạo, các ngành liên quan của tỉnh. Tiếp thu ý kiến tham gia, bổ sung và hoàn thiện; ngày 30.3, đề án của 6 huyện đã được trình lên để Bộ KHĐT cùng các bộ, ngành khác đánh giá thẩm định. Và đến ngày 31.7, đề án của từng huyện tiếp tục được các ngành chức năng của tỉnh thẩm định, bổ sung; để đến ngày 1.9 UBND tỉnh chính thức phê duyệt đề án của 6 huyện với tổng mức kinh phí: 17.661,2 tỷ đồng và 27.000 tấn gạo. Trong đó Mèo Vạc 2.851,6 tỷ đồng và 5.613 tấn gạo; Đồng Văn 2.501,3 tỷ đồng và 13.758 tấn gạo; Yên Minh 2.862,5 tỷ đồng và 3.134 tấn gạo; Quản Bạ: 1.822,8 tỷ đồng; Hoàng Su Phì 3.517,3 tỷ đồng và 2.281 tấn gạo; Xín Mần 3.781 tỷ đồng và 2.304 tấn gạo. Cùng với việc phê duyệt đề án chính thức cho từng huyện; tỉnh Hà Giang đã vận động kêu gọi sự giúp đỡ của các Tổng Công ty lớn của nhà nước, được Chính phủ chính thức phân công giao nhiệm vụ giúp đỡ tài trợ cho huyện nghèo của Hà Giang. Đó là các đơn vị: Ngân hàng Công thương 50,4 tỷ đồng (huyện Yên Minh 29,6 tỷ đồng, huyện Quản Bạ 20,8 tỷ đồng); Tổng Công ty Xăng-dầu 50 tỷ đồng cho huyện Đồng Văn; Tổng Công ty Than và khoáng sản 3 tỷ đồng cho huyện Mèo Vạc; Tổng Công ty Giấy 3,393 tỷ đồng cho huyện Hoàng Su Phì; Ngân hàng Liên Việt 21,45 tỷ đồng, Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước 800 triệu đồng, Tổng Công ty hàng hải 11,5 tỷ đồng cho huyện Xín Mần.

 

Ngay sau khi đề án của 6 huyện nghèo tỉnh Hà Giang được phê duyệt, Chính phủ đã quyết định ngay việc tạm ứng vốn cho thực hiện 2 nội dung chính của đề án là vốn cho chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (150 tỷ đồng) và vốn cho hoạt động sự nghiệp phục vụ đề án (29,22 tỷ đồng). Nguồn vốn trên được đầu tư vào 36 công trình giao thông, 4 công trình trung tâm dạy nghề, 11 công trình cấp điện và đầu tư khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc giải ngân thực hiện từng nội dung quá chậm (đến ngày 15.10.2009 vốn đầu tư giảm nghèo đạt 27/150 tỷ đồng = 18%, vốn sự nghiệp đạt 6,4/29,2 tỷ đồng = 18%). Đồng thời, với việc thực hiện Nghị quyết 30a, việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ cũng được triển khai quyết liệt. Hơn 136 tỷ đồng đã được phê duyệt cho dự án hỗ trợ xóa nhà tạm cho 6.287 hộ nghèo (có 6.252 hộ đồng bào thiểu số). Đến ngày 30.9.2009, kế hoạch bước một, toàn tỉnh đã giải ngân cho 4.699 hộ với số tiền là 32 tỷ đồng, giúp cho 2.892 hộ xóa xong nhà tạm, số còn lại quyết tâm sẽ hoàn thành xong trước Tết Nguyên đán 2010; cũng trong 9 tháng đầu năm 2009, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh đã ủng hộ, giúp đỡ cho chương trình xóa nhà tạm trên 4 tỷ đồng, tạo nên một phong trào giúp đỡ hộ nghèo rộng khắp toàn tỉnh.

 

Cùng với kết quả bước đầu của Nghị quyết, một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các nội dung của Nghị quyết đã lộ rõ, đòi hỏi cần nhanh chóng xử lý, khắc phục ngay đó là: Văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư ra chậm và chồng chéo, không rõ ràng, khó vận dụng, nhất là việc sử dụng vốn, lồng ghép vốn (một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm); tỉnh được giao phê duyệt đề án cho các huyện, nhưng vốn lại do T.Ư cấp và cấp quá chậm nên cả tỉnh, huyện đều không chủ động được nguồn lực và tiến độ thi công; đội ngũ cán bộ thực hiện đề án của Nghị quyết chủ yếu là kiêm nghiệm, kinh phí quản lý, điều hành có nhưng chưa được phê duyệt, còn ách tắc… Đến nay đã tròn một năm thực hiện bước đầu các Quyết định 30a và 167 của Chính phủ; tính đúng đắn, hiệu quả, hợp lòng dân của Nghị quyết và các đề án thực hiện cụ thể đã được khẳng định; cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong trình đã xắn tay vào cuộc để thực hiện cuộc cách mạng về chất lượng cuộc sống của chính mình. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đã được chỉ rõ và khẳng định ở từng mốc thời gian, lộ trình thực hiện sẽ diễn ra đến năm 2020. Bởi vậy cả thuận lợi và khó khăn của việc thực hiện Nghị quyết trong năm 2009 mới chỉ là bước đi đầu tiên của chặng đường 10 năm còn rất nhiều thử thách; tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công vì Nghị quyết 30a chính là thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững cho các hộ nghèo. Đó cũng chính là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Hà Giang.


Lê Trọng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đánh giá mô hình xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Ngày 26.12, tại huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá mô hình xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang); triển khai kế hoạch phát triển cây cao su; sơ kết mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trên cây trồng.
28/12/2009
UBND tỉnh họp phiên tháng 12.2009
HGĐT- Ngày 28.12, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ tháng 12.2009 đã được tổ chức. Tham dự phiên họp có các đồng chí thành viên UBND tỉnh và lãnh đạo 17 sở, ban, ngành của tỉnh.
28/12/2009
Trao tặng máy tính của Bộ Thông tin và Truyền thông
HGĐT- Ngày 26.12, tại phòng họp 301 Hội trường Văn phòng HĐND - UBND tỉnh, Lễ trao tặng máy tính của Bộ Thông tin và Truyền thông trong khuôn khổ Chương trình “PCs for Life – Máy tính cho cộng đồng” tại tỉnh Hà Giang đã được tổ chức với sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trọng Lập, Tổng Biên tập Báo Hà Giang; Tô Tuyên,
28/12/2009
Hội nghị BCH Đảng bộ các huyện Yên Minh, Đồng Văn
HGĐT- Ngày 25.12,BCH Đảng bộ huyện Yên Minh tổ chức Hội nghị lần thứ 23, khoá XV (Mở rộng) nhằm đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2009, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2010.
28/12/2009