Đánh giá mô hình xây dựng nông thôn mới
HGĐT- Ngày 26.12, tại huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá mô hình xây dựng nông thôn mới xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang); triển khai kế hoạch phát triển cây cao su; sơ kết mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trên cây trồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất cùng các đại biểu tham quan thôn Vĩnh Ban - điểm xây dựng nông thôn mới của xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). |
Đồng chí Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XII đơn vị tỉnh Hà Giang, dự, chỉ đạo. Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng; Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện BCĐ Tây Bắc; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị.
Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, huyện Bắc Quang chọn thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc làm điểm xây dựng nông thôn mới. Mấy năm gần đây, người dân thôn Vĩnh Ban đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Hiện tại, lương thực bình quân của người dân Vĩnh Ban đạt 860 kg/người/năm, thu nhập ước đạt 11,3 triệu đồng/người/năm. Từ đầu tháng 10.2009 đến nay, người dân Vĩnh Ban đã đóng góp nhiều ngày công mở rộng hành lang 2 tuyến đường theo cụm dân cư với chiều dài 1.340 m, mặt đường rộng từ 4-7m. Có 39 hộ tự nguyện hiến 1.647 m2 đất làm đường, mỗi hộ dân đóng góp 15 ngày công giải phóng hành lang và tu sửa, nâng cấp nền đường; thi công trên 2,2 nghìn mét đường bê tông; xây dựng, chỉnh trang khuôn viên trụ sở nhà văn hoá thôn. Tổng kinh phí đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới tại thôn Vĩnh Ban gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư 550 triệu đồng, nhân dân đóng góp 840 triệu đồng. Qua đánh giá, việc xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Ban cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chủ trương trồng 1 vạn ha cao su trên địa bàn tỉnh, Công ty tư vấn của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã tiến hành quy hoạch trên địa bàn 24 xã của 3 huyện là Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và xác định: Trong số 20.605 ha diện tích tự nhiên vùng quy hoạch, quỹ đất có khả năng phát triển cao su 18.885,8 ha, quỹ đất dự kiến quy hoạch cao su 10 nghìn ha. Đến nay, có 598 hộ góp 1.230 ha đất cho Công ty Cao su Hà Giang, diện tích đã khai hoang 550 ha, trồng được 300 ha, tỷ lệ cây sống đạt 98%. Năm 2010, Công ty Cao su Hà Giang phấn đấu trồng 2.200 ha, trong đó 1.500 ha kế hoạch 2010 và 700 ha của năm 2009.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thử nghiệm ứng dụng phân bón hoá sinh trên cây cam, quýt, Sở NN-PTNT đã chọn vườn cam của gia đình ông Đỗ Duy Hàn, thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) làm điểm thực nghiệm. Qua theo dõi đối chứng cho thấy: Vườn cam phun chế phẩm được trẻ hoá, tỷ lệ đậu quả cao, phát triển nhanh, quả đồng đều và to hơn, mẫu quả bóng đẹp hơn, lợi nhuận cao hơn so với vườn cam không dùng chế phẩm. Trên cơ sở đó, năm 2010 tỉnh chủ trương mở rộng ứng dụng chế phẩm phân bón hoá sinh trên 60 ha cây cam, quýt; 100 ha lúa; 10 ha xoài tại 24 xã của 7 huyện.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đời sống nông dân, nông thôn. Quan điểm xây dựng nông thôn mới là mọi người cùng có trách nhiệm, có quá trình thực hiện, phù hợp với thực tiễn, phong tục, tập quán của mỗi vùng, mỗi địa phương. Xây dựng nông thôn mới phải thể hiện tính toàn diện từ cơ sở hạ tầng đến kinh tế, văn hoá, xã hội, đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền phải nắm chắc tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tổ chức quán triệt để mọi người cùng hiểu, cùng làm. Trên cơ sở tiêu chí phải xây dựng quy hoạch tổng thể, công khai, dân chủ, có lộ trình thực hiện, các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm, tổ chức triển khai quyết liệt với khẩu hiệu “Cùng đoàn kết phấn đấu, cùng phồn vinh phát triển, cùng tiến bộ vươn lên”; các thôn, bản thực hiện “Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, phong tục văn minh, ăn ở sạch sẽ, đi lại đàng hoàng, bộ máy dân chủ”; các gia đình “Vệ sinh tốt, tiết kiệm tốt, nhà ở tốt, đồ dùng tốt, sản xuất tốt, việc làm tốt, sức khoẻ tốt, học tập tốt”. Sau Hội nghị, mỗi huyện phải triển khai ít nhất 2 mô hình xây dựng nông thôn mới làm cơ sở nhân rộng để nhiệm kỳ tới có 50-70% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Đối với chương trình trồng cao su, năm 2010 phải làm cả phần việc còn lại của năm 2009. Vì vậy, các ngành chuyên môn, Công ty Cao su Hà Giang, huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện. Việc đầu tiên phải đẩy nhanh tiến độ giao đất, thiết kế cơ sở, giống, phân bón phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ. UBND tỉnh cần phát động chiến dịch trồng cao su với quyết tâm hoàn thành diện tích theo đúng kế hoạch. Bí thư Tỉnh ủy giao Tỉnh đoàn huy động 1 nghìn thanh niên từ các huyện phối hợp với Công ty Cao su Hà Giang, tổ chức lực lượng khai hoang, làm đất trồng cao su. Ngay tháng 1.2010, các huyện phải bàn giao đủ đất trồng cao su.
Việc ứng dụng chế phẩm phân bón hoá sinh trên cây trồng là cách làm mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản. Các ngành, các huyện cần nghiên cứu kỹ quy trình ứng dụng chế phẩm để triển khai nhân rộng trên các loại cây trồng. Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm cung ứng đủ chế phẩm cho các hộ gia đình, các huyện, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn giúp đỡ người dân thực hiện.
Trước khi tiến hành Hội nghị, các đại biểu đã tham quan thực tế mô hình nông thôn mới tại thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc.
Ý kiến bạn đọc