Vị Xuyên phát huy thế mạnh để xác định hướng đi đúng
HGĐT- Vị Xuyên là huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, toàn huyện có 1.500km2, với 9,5 vạn dân sinh sống tại 24 xã, thị trấn. Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng của tỉnh, đây cũng là nơi hội tụ nhiều tài nguyên khoáng sản, động, thực vật phong phú. Nơi hội tụ nhiều tộc người sinh sống lâu đời, trong đó có dân tộc Tày chiếm 36,97%.
Nguyễn Tiến Lợi (Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên) |
Cơ sở hạ tầng, đường xá, đã được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, điều kiện làm việc được cải thiện tốt hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Hầu hết các xã đều có đường ô tô đến thôn bản; thuỷ lợi được đầu tư, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho 80% diện tích lúa. Huyện đã bắt đầu khởi động được các dự án thủy điện và khu công nghiệp như: Thuỷ điện sông Miện 5, thuỷ điện Nậm Ngần,…khu công nghiệp Bình Vàng; quy hoạch được 14 trung tâm xã; cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc được đầu tư nâng cấp, phát triển đến vùng sâu, vùng xa phục vụ đời sống của đồng bào dân tộc. Đến nay, 95% thôn, bản của huyện được sử dụng điện lưới quốc gia, 24/24 xã, thị trấn có điện thoại.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội được huyện đặc biệt quan tâm, nhất là giáo dục và đào tạo, đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện đã xây dựng và thực hiện đề án lớp chất lượng cao ở hai hệ THCS và THPT, đầu tư trang bị cơ sở vật chất và thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục; chỉ đạo hoàn thiện đề án và quyết định xây dựng các lớp nội trú miền xã Thanh Thuỷ, Đề án thành lập trường chất lượng cao, thành lập mới 15 trung tâm học tập cộng đồng tại 15 xã, thị trấn... Với nỗ lực này thì lộ trình phổ cập Trung học phổ thông trong tương lai gần đối với huyện Vị Xuyên là hoàn toàn có thể.
Cùng với đó là các chương trình dự án đầu tư hỗ trợ cho hộ nghèo, bằng các chương trình hành động cụ thể như: Ngày thứ 7 hướng về cơ sở, mỗi người làm việc bằng hai để giúp đỡ người nghèo, đến nay huyện đã xoá xong nhà tạm. Các ban, ngành đoàn thể, bằng tấm lòng hảo tâm, đã giúp đỡ gần 400 con gia súc cho 203 hộ nghèo nuôi rẽ. Đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 24,83 %. An ninh biên giới, nội địa được giữ vững, tạo thế và lực để phát triển toàn diện và bền vững. Đảng bộ có 84 chi, Đảng bộ với 5.571 đảng viên, trong đó có 76,8 % chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Đến nay, huyện đã có 16/23 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.
Tuy nhiên, Vị Xuyên vẫn chưa phát huy tốt lợi thế của mình, sản xuất nông, lâm nghiệp còn nhỏ lẻ, thiếu tính cạnh tranh, giá trị sản xuất công nghiệp thấp, các dự án đầu tư công nghiệp quy mô còn nhỏ, tiến độ đầu tư chậm. Hoạt động dịch vụ, thương mại yếu, tư duy sản xuất hàng hoá của đại bộ phận nhân dân còn chậm đổi mới. Hiện nay, toàn huyện có đến 12 xã khó khăn đang nằm trong chương trình 135 của Chính phủ. Những rào cản đó đang được Đảng bộ, chính quyền dốc tâm dốc sức, một mặt kêu gọi đầu tư, giúp đỡ của T.Ư và của tỉnh, một mặt bứt phá đi lên bằng chính nội lực của địa phương. Tập trung đột phá ở 3 khâu: Giáo dục là then chốt, hạ tầng làm đòn bẩy, hợp tác đầu tư với phương châm “mở rộng liên kết, hợp tác chiều sâu, tranh thủ thời cơ, để phát triển bền vững”. Phấn đấu đưa Vị Xuyên trở thành huyện có công nghiệp và dịch vụ phát triển.
Để làm được điều này Vị Xuyên đang xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, coi thương mại và dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng và tiếp tục phát triển vững chắc nông – lâm nghiệp. Phát huy những lợi thế sẵn có, Vị Xuyên chủ trương phát triển công nghiệp đa dạng, với thứ tự ưu tiên: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản, khai thác vật liệu xây dựng, thủy điện và công nghiệp khai khoáng. Phát triển 2 loại hình du lịch: du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, đảm bảo duy trì an ninh lương thực, phấn đấu năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 triệu đồng/người/năm, tổng sản lượng lương thực đạt trên 60.000 tấn, thu ngân sách trên 200 tỷ đồng.
Một trong những giải pháp quan trọng được huyện xác định là tạo cơ chế chính sách để phát triển mạnh tiềm lực nội sinh, lực lượng sản xuất ở trong huyện đó là đầu tư phát triển giáo dục. Mặt khác, phát triển mạnh doanh nghiệp, phong phú hoá dân doanh, tạo điều kiện tối đa để kinh tế hộ phát triển, khuyến khích phát triển trang trại, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện để các hộ dân hợp tác, liên kết phát triển kinh tế, đào tạo nghề, phát triển các dịch vụ nông thôn miền núi tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện đến năm 2015, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết. Nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chi tiết các khu chức năng: Khu kinh tế Nà La, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ, khu hành chính của huyện; quy hoạch chi tiết các vùng tái định cư phục vụ triển khai các công trình, dự án trọng điểm; xây dựng toàn bộ hệ thống trung tâm các xã trở thành thị tứ, thị trấn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp thâm canh mới trong nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm và các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn như: Thực hiện Chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện thâm canh, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng chè, lạc, thảo quả, vùng cây cao su; vùng lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao ở các xã Đạo Đức, Trung Thành, Việt Lâm; tiếp tục cứng hóa trường lớp học, tiến tới xây dựng trường nội trú miền xã Thanh Thủy, trường chất lượng cao ở các cấp học; bằng ngân sách của huyện hỗ trợ thêm cho ngành y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian từ nay đến Đại hội Đảng các cấp đang đến gần, càng đặt ra nhiều nhiệm vụ và trọng trách lớn lao đối với từng ngành, từng cấp, trong đó những công việc tập trung nhất đều dồn vào cuối năm 2009 và năm 2010. Đây là thời gian cuối thực hiện những nhiệm vụ của Đại hội XXI, là năm chuẩn bị đầy đủ nội dung và điều kiện để tổ chức thành công éại hội éảng các cấp nhiệm kỳ 2010 – 2015, các cấp, các ngành của huyện đang dồn sức hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, trước mắt là hoàn thành kế hoạch KT-XH 3 tháng cuốinăm 2009, chuẩn bị bước vào kế hoạch KT-XH năm 2010, năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội. Vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển ở Vị Xuyên hiện nay và đặt ra trong tương lai là không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và cơ quan tham mưu các cấp, nhất là các ngành kinh tế tổng hợp, xây dựng, tài chính và đội ngũ cán bộ cơ sở tận tâm, tận lực với công việc. Bởi nhân tố con người mới chính là động lực quan trọng giúp Vị Xuyên tiến nhanh hơn nữa trên con đường XĐGN, bắt nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước.
Ý kiến bạn đọc