Hội nghị phát triển cây cải dầu 4 huyện vùng cao phía Bắc
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất phát biểu tại Hội nghị. |
Dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XII tỉnh Hà Giang; Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo 4 huyện vùng cao phía Bắc; doanh nghiệp thu mua cải dầu...
Vụ Đông 2008, tổng diện tích cải dầu gieo trồng được 13,47/16,2 ha kế hoạch tại 4 xã Phố Là, Phố Cáo, Lũng Cú, Sủng Là (Đồng Văn) với 154 hộ tham gia. Có 5 giống cải dầu thuần được đưa vào gieo trồng gồm Hoa dầu số 3, 7, N08007, N080017, N080039 do Công ty giống Kim Thuỵ (Vân Nam - Trung Quốc) cung ứng. Năng suất bình quân đạt thấp, 500 kg/ha, sản lượng thu được gần 4 nghìn kg. Kết quả chế biến cho thấy bình quân 5,9 kg hạt cải cho 1 lít dầu tinh chế và 2,6 kg khô dầu. Số sản phẩm cải dầu thu mua, chế biến được 284 lít dầu thô, 652 kg khô dầu, 250 lít dầu tinh chế. Tuy nhiên, việc sản xuất cải dầu vụ Đông vừa qua có nhiều bất lợi về thời tiết nên ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, thời vụ gieo trồng dẫn đến diện tích, năng suất không đạt kế hoạch. Chủ trương của tỉnh từ nay đến năm 2015 phấn đấu diện tích trồng cải dầu đạt 11.660 ha, quy hoạch thành vùng trồng tập trung tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Vụ Đông năm 2009 sẽ trồng 200 ha với 2 giống cải Miên và Hyola61. Công ty TNHH Đông Thành thu mua toàn bộ hạt cải dầu, đồng thời chịu trách nhiệm chế biến, tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm “Dầu cải Đồng Văn Hà Giang”. Tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua dây chuyền thiết bị, chuyển giao công nghệ, cho thuê đất xây dựng nhà xưởng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, các đồng chí Hoàng Minh Nhất, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp còn rất lớn, chưa phát huy hết khả năng, chưa khai thác hiệu quả lợi thế. Đối với các huyện vùng cao núi đá, việc sản xuất luân canh, thâm canh của người nông dân rất tốt, khi trồng cải dầu sẽ mở ra triển vọng trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cao. Muốn phát triển tốt cây cải dầu, việc cần làm là chọn được giống thích hợp, áp dụng quy trình công nghệ trong sản xuất, chế biến và phải quy hoạch vùng thâm canh tập trung. Thời vụ gieo trồng phải được tính toán hợp lý để cây cải dầu sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trồng cải dầu phải gắn với đầu ra, công nghệ chế biến nhằm tạo được sản phẩm có giá trị cao, mang tính bền vững, gắn chặt lợi ích của các bên liên quan dựa trên cơ sở pháp lý của Nhà nước. Việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, quản lý nhà máy phải dựa trên cơ sở hợp đồng trách nhiệm giữa các bên nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài. Trước mắt trồng cải dầu ở 4 huyện vùng cao phía Bắc trên đất 1 vụ lúa, từng bước mở rộng diện tích vào những năm tiếp theo. Vừa trồng vừa nghiên cứu chọn giống thích hợp để nâng cao năng suất, sản lượng. Từ nay đến hết năm phải chọn được giống phù hợp để đưa vào trồng cả ở những diện tích đất trồng ngô, trồng thành vùng hàng hoá tập trung. Giá thu mua cần được tính toán kỹ, có giá sàn, có sự bình ổn của Nhà nước, việc quản lý thu mua phải theo đúng hợp đồng trách nhiệm. Các cấp, các ngành, đoàn thể, mỗi người dân cần làm tốt công tác tuyên truyền để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển cây cải dầu.
Ý kiến bạn đọc