Đảng bộ Quản bạ tập trung cao độ thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT - XH Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI
HGĐT- Nằm ở cửa ngõ của 4 huyện vùng cao phía Bắc, Quản Bạ có điều kiện tự nhiên, khí hậu khá thuận lợi. Trong gần một nhiệm kỳ qua (2005 - 2010), Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT - XH, AN- QP. Cho đến nay, các chỉ tiêu đã thực hiện cơ bản đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Đây là tiền đề để Đảng bộ và nhân dân Quản Bạ tiếp tục thực hiện trong những năm tới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XVI đã xác định 16 mục tiêu chủ yếu, thuộc các lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng. Trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp được coi là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, hướng dẫn nhân dân thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Kết quả nổi bất nhất đó là trong trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc, đưa giống lúa lai, lúa chất lượng cao, ngô lai năng suất cao vào sản xuất. Tính đến nay tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đát trên 15 nghìn ha, tăng hơn 400ha so với đầu nhiệm kỳ, vượt so với Nghị quyết. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 18 nghìn tấn, tăng gần 3000 tấn so với đầu nhiệm kỳ, vượt so với Nghị quyết đề ra. Bình quân lương thực đầu người đạt gần 400kg/người/năm, tăng hơn 20 kg so với đầu nhiệm kỳ, vượt so với Nghị quyết. Bên cạnh đó, các loại cây trồng khác như ngô thâm canh, cây thảo quả, cây hồng không hạt, cây chè, cây đậu tương đạt và vượt cả diện tích, năng suất, sản lượng. Trong phát triển chăn nuôi, Nghị quyết Đại hội đề ra tăng đàn gia súc lên gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, huyện đã quan tâm thực hiện chủ trương tăng trưởng mạnh đàn gia súc, gia cầm, với chính sách cho nhân dân vay vốn phát triển chăn nuôi, hỗ trợ lãi suất vay vốn mua trâu, bò, hỗ trợ nông dân trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác lâm nghiệp ngày càng được chú trọng, nhất là công tác tuyên truyền luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục tổ chức duy trì tốt khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đến nay độ che phủ rừng đã được nâng cao. Công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao KHKT được thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức, lồng ghép với các chương trình, dự án, xây dựng mô hình sản xuất trồng lúa, ngô mới, ngô lai, đậu tương, thảo quả, rau, hoa trái vụ, khảo nghiệm và nhân rộng các mô hình trồng cỏ gắn với chăn nuôi, mô hình nuôi lợn sinh sản, nuôi gà đen…nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức của nhân dân trong sản xuất, tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển.
Cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện cũng từng bước phát triển, chủ yếu với quy mô nhỏ. Toàn huyện có 27 cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ như sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng, cơ khí, dệt lanh, đóng đồ gỗ…hoạt động của sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển. Công tác phát triển lưới điện, hiện nay 13/13 xã, thị trấn đều có điện lưới, với gần 6000 hộ sử dụng điện, tăng gần 800 hộ so với đầu nhiệm kỳ. Công tác bưu chính – viễn thông luôn bảo đảm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của đại phương. Đến nay 13/13 xã, thị trấn có điện thoại cố định và được phủ sóng điện thoại di động, số máy điện thoại phát triển nhanh, đến nay toàn huyện có gần 4 nghìn thuê bao máy điện thoại cố định, bình quân 13 máy/100 người dân. 12/13 xã, thị trấn có nhà bưu điện văn hoá xã.Trong hoạt động thương mại – dịch vụ – du lịch, do thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển thương mại – dịch vụ và chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh chợ nông thôn, đã thúc đẩy dịch vụ cung ứng hàng hoá phát triển mạnh, đáp ứng nhucầu tiêu dùng, sản xuất của nhân dân đến tận vùng sâu, vùng xa, đảm bảo phục vụ nhân dân các mặt hàng trợ cước chợ giá của Nhà nước. Đến nay, 100% số xã trong huyện đã khai trương mở chợ, nhiều chợ duy trì phát triển tốt. Lĩnh vực du lịch đã từng bước khởi sắc, lượng khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn ngày càng tăng. Hoạt động của các thành phần kinh tế như kinh tế Quốc doanh, Doanh nghiệp tư nhân từng bước phát triển. Đến nay, toàn huyện có 3 doanh nghiệp Nhà nước theo hình thức Cổ phần, hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ, 5 doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Hoạt động của các doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và khai thác phát huy nguồn lực của đại phương. Đối với kinh tế HTX, hiện nay toàn huyện có 29 HTX hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ, chế biến nông sản, kinh doanh, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng…nhiều HTX hoạt động đạt được hiệu quả cao, hoạt động của các HTX đã góp phần giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho bà con. Trong lĩnh vưc giao thông xây dựng, từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, huyện đã tập trung đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn miền núi, góp phần giảm bớt rất nhiều những khó khăncho đồng bào trong huyện.
Sự nghiệp văn hoá - xã hội cũng đã được Đảng bộ huyện rất quan tâm, vì thế đã phát triển mạnh. Công tác giáo dục được đẩy mạnh theo hướng xã hội hoá, đặc biệt là xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, 100% thôn bản đều có lớp học mẫu giáo và tiểu học, tất cả các xã, thị trấn đều có trường mầm non, tiểu học, THCS hoặc PTCS. Toàn huyện có 38 trường học, tăng so với đầu nhiệm kỳ là 8 trường, đội ngũ cán bộ giáo viên cơ bản bảo đảm về số lượng, chất lượng được nâng lên. Công tác văn hoá, thông tin, thể thao được quan tâm đẩy mạnh, nâng cao về chất lượng cũng như số lượng. Phong trào VH- VN - TDTT từ huyện đến cơ sở được củng cố và đẩy mạnh, các xã, thị trấn đều có đội văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư tiếp tục đạt kết quả tốt, vì vậy các tệ nạn xã hội ít xảy ra, phong tục tập quán lạc hậu được đẩy lùi. Hoạt động truyền thanh truyền hình có nhiều tiến bộ, chất lượng tin, bài từng bước được nâng lên, phản ánh kịp thời hoạt động chính trị, kinh tế của địa phương. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, KHHGĐ từng bước được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.
Công tác QP - AN thường xuyên được quan tâm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định, chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền MTTQ và các đoàn thể thường xuyên được quan tâm, công tác đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm được thực hiện nghiêm túc, đã nâng cao được sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Công tác cán bộ luôn được chú trọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, thực hiện khá tốt công tác quy hoạch gắn với đánh giá, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Đã tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ kế cận các vị trí lãnh đạo chủ chốt của huyện và cơ sở đến năm 2015. Công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ được thực hiện khá tốt và mang lại hiệu quả rõ nét.
Có thể khẳng định rằng, trong gần một nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Quản Bạ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT – XH, ANQP. Cho đến nay, gần hết một nhiệm kỳ (2005 – 2010), các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển KT – XH đã đạt và vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra. Những kết quả đạt được như hôm nay là động lực để Quản Bạ phát triển những năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc