Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân giám sát dự án đầu tư và phát triển rừng tại Yên Minh, Quản Bạ
HGĐT- Trong các ngày từ 5 - 9.10.2009, đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi giám sát dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng năm 2008-2009 trên địa bàn 2 huyện Yên Minh và Quản Bạ. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT, Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND-UBND tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân kiểm tra công tác trồng rừng tại xã Cán Tỷ (Quản Bạ). |
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của tỉnh và các ngành chức năng, trong 2 năm qua (2008-2009) Thường trực Huyện ủy các huyện Yên Minh, Quản Bạ đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đến các bí thư chi bộ, trưởng thôn bản và các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã nâng cao nhận thức được ý nghĩa cũng như trách nhiệm và quyền lợi của mình trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Công tác phổ biến tuyên truyền đã đến được người dân, người dân thực sự nhiệt tình tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng và biết rõ được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Việc cấp phát lương thực trên cơ sở diện tích rừng đã đảm bảo tính công bằng. Sau gần 2 năm thực hiện dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng của 2 huyện Yên Minh, Quản Bạ đã thu được những hiệu quả quan trọng: Nhân dân đã nhận thức được vai trò, lợi ích của rừng. Các khu rừng đã từng bước được quản lý và bảo vệ tốt hơn. Tình trạng đốt nương làm rẫy không còn nữa. Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng đã từng bước hạn chế được các đợt sạt lở, lũ quét. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước ngày càng tăng, người dân đã tích cực tham gia trồng rừng, các diện tích rừng trồng ở 2 huyện được mở rộng, đặc biệt là phong trào trồng rừng sản xuất. Hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước được nâng lên. Rừng và đất rừng đã dần phát huy được tiềm năng.
Qua các buổi đoàn đi giám sát thực địa tại xã Bạch Đích, Mậu Long (Yên Minh), Cán Tỷ, Mậu Long (Quản Bạ) cho thấy nhiều khu rừng tái sinh được người dân quan tâm bảo vệ phát triển tốt. Tuy nhiên công tác quy hoạch 3 loại rừng của 2 huyện đã hoàn thành song việc sử dụng bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tỷ lệ cao đã gặp rất nhiều khó khăn cho việc xác định danh giới trên thực địa. Việc triển khai công tác cắm mốc 3 loại rừng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng dự toán và thực hiện. Do mới được triển khai thực hiện công tác cấp phát gạo lần đầu nên một số Ban quản lý dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là việc giao nhận, kiểm tra chất lượng gạo. Năm 2009 thực hiện trồng rừng sản xuất theo Thông tư 02/2008 hộ nhận trồng rừng năm đầu được hỗ trợ tiền giống, phân bón, số tiền còn lại được hỗ trợ sau 31-34 tháng khi rừng trồng được nghiệm thu thành rừng. Tuy nhiên do đời sống nhân dân trong vùng dự án còn nhiều khó khăn, nhân dân đòi hỏi phải được thanh toán ngay số tiền công vì vậy làm ảnh hưởng tới công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện trồng rừng sản xuất...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 huyện Yên Minh, Quản Bạ đã kiến nghị với tỉnh và các ngành liên quan cần đẩy nhanh công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Triển khai đề án giao đất, giao rừng, cho thuê rừng và giao đất, giao rừng cụ thể cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý bảo vệ. Tỉnh xem xét bố trí biên chế cho Ban quản lý đầu tư bảo vệ và phát triển rừng huyện để cán bộ yên tâm công tác. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nhận khoán tham gia bảo vệ rừng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý trong thời gian tới và những năm tiếp theo. Bổ sung kinh phí cho công tác trồng rừng sản xuất (với mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiện nay 2 triệu đồng/ha là quá thấp, vì vậy không có kinh phí để mua cây giống trồng dặm) vv...
Phát biểu ý kiến với lãnh đạo 2 huyện Yên Minh và Quản Bạ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân đã biểu dương sự nỗ lực cố gắng của 2 huyện trong công tác triển khai thực hiện dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng năm 2008-2009 trên địa bàn. Các huyện đã có Nghị quyết chuyên đề về tổ chức thực hiện dự án bảo vệ và phát triển rừng. Củng cố và phát triển Ban quản lý 661. Các huyện đã rất quyết liệt trong việc phòng, chống cháy rừng, chặt phá rừng, đốt nương lấy củi. Thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ gạo của Chính phủ đến với các hộ nghèo. Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân yêu cầu lãnh đạo 2 huyện Yên Minh, Quản Bạ cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Đối với chương trình bảo vệ, phát triển rừng UBND các huyện phải ký ngay bìa đỏ giao đất giao rừng cho nhân dân.Trên cơ sở thực hiện các dự án, huyện phải linh hoạt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với tính chất rừng của từng thôn để đúng với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng. Ban quản lý rừng 661 phải phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban trong huyện phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả. Đối với các khu vực huyện đã giao cho các LLVT, huyện cần hỗ trợ cho lực lượng này để cấy trồng dặm thêm để làm gương cho nhân dân địa phương thực hiện. Triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, thực hiện có hiệu quả việc liên doanh liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để trồng rừng, phát triển rừng theo quy mô lớn. Hạn mức áp dụng theo quy định của Luật. Lưu ý với các huyện phải tổ chức thực hiện trồng rừng phải liền vùng, liền khoảng từ 3 ha trở lên. Mời lãnh đạo các xã lên thảo luận khắc phục làm sao để 100% hộ nghèo phải có đất để trồng rừng. Đồng thời, quan tâm đặc biệt tới công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thực sự quan tâm đến công tác trồng, nhận khoán khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu lãnh đạo 2 huyện cùng với tỉnh thực hiện ngay ở những xã có những bất cập việc quy hoạch 3 loại rừng để chỉnh sửa cho đúng. Rà soát lại quỹ đất của từng thôn, triển khai việc bàn giao ranh giới ngoài thực địa và đóng cọc mốc theo kết quả phân chia 3 loại rừng và thực hiện cắm mốc và thực hiện giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Ý kiến bạn đọc