Hội thảo Quốc tế xây dựng Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn

07:27, 15/09/2009

 

 Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất phát biểu tại Hội thảo.

HGĐT- Ngày 11.9, tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo Quốc tế về xây dựng Công viên Địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn.


Tham dự có các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng trong tỉnh... Hội thảo được đón tiếp các đại biểu Đại sứ quán của Vương quốc Bỉ, Đức, Trung Quốc, Italy, Malaysia, Ủy ban châu Âu tại Việt Nam…; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh ái; các bộ, ngành, viện liên quan, đại biểu các tỉnh và một số Công ty du lịch Lữ hành. Đông đảo phóng viên báo chí trong nước và Quốc tế cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến Hội thảo này…


Với những kiến tạo độc đáo của tự nhiên, CNĐ Đồng Văn gồm 4 huyện (Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc và Yên Minh) đang sở hữu các di sản kiến tạo địa mạo, địa chất, được tạo thành qua quá trình hàng trăm triệu năm. Từ đó, đã để lại cho khu vực này những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có giá trị khoa học và du lịch. Các di sản cổ sinh, địa tầng cổ sinh môi trường, các di sản đá cũng rất phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, các giá trị về lịch sử, nhân văn còn được bảo lưu khá tốt, với nhiều nét nguyên sơ và hấp dẫn…


Để nhận diện một cách toàn diện các mặt giá trị của khu vực CNĐ Đồng Văn, tại Hội thảo này, các nhà khoa học đã công bố một số kết quả nghiên cứu mới về đặc điểm và giá trị địa chất, địa mạo trên CNĐ; một số kết quả bước đầu tìm hiểu kiến thức bản địa về các điều kiện tự nhiên Hà Giang; giới thiệu một số tua du lịch địa chất, du lịch sinh thái triển vọng; đề xuất quy hoạch, định hướng phát triển CVĐC CNĐ Đồng Văn. Và một trong những nội dung quan trọng là: Các bước đi cần thiết tiếp theo trong việc xây dựng CVĐC, một số kinh nghiệm quốc tế và đề xuất thực hiện ở Việt Nam do các Giáo sư Michel Dusar và Giáo sư Danny Wildermerch đến từ Vương quốc Bỉ, một đối tác quan trọng trong việc xây dựng CVĐC CNĐ.


Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Mính Nhất khẳng định, Hà Giang luôn và sẵn sàng làm hết sức mình để hợp tác và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học đến khám phá, nghiên cứu về CNĐ. Cam kết giữ gìn sự nguyên vẹn tự nhiên của khu vực này… Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh ái cùng các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều khu vực có tiềm năng xây dựng CVĐC, CNĐ Đồng Văn, là khu vực có triển vọng và xứng đáp lập hồ sơ để đề nghị Unesco công nhận. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mới của Việt Nam, do đó, để có thể hướng tới việc trở thành một CVĐC quốc tế, thì cần phải có nhiều sự hợp tác, ủng hộ của các nhà khoa học, các nhà ngoại giao cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng và người dân… Việc xây dựng CVĐC cần phải đảm bảo phát huy, bảo tồn các di sản văn hoá, gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái nhằm tạo ra sự phát triển bền vững. Do đó, cần xây dựng kế hoạch quản lí, thành lập Ban quản lí vận hành CVĐC. Về phía Bộ VHTT&DL sẽ cùng với Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm hoàn thiện hồ sơ về CNĐ Đồng Văn để bước đầu công nhận ở cấp quốc gia, sau đó sẽ trình lên Unesco xem xét, công nhận.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô khẳng định, việc xây dựng CVĐC là yêu cầu cấp thiết, khách quan, có tính hiện thực cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của Hà Giang cũng như cả nước. Để CNĐ Đồng Văn trở thành CVĐC thế giới vào năm 2010 còn rất nhiều việc phải làm. Sau Hội thảo, BTV Tỉnh uỷ sẽ bàn chuyên đề về xây dựng những nội dung cụ thể của dự án như: Về quy mô, lấy 4 huyện vùng cao phía Bắc để xây dựng CVĐC. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh bổ sung chiến lược phát triểnKT – XH của các huyện có tính đến 2020, gắn với việc xây dựng CVĐC. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng CVĐC. Bảo vệ giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hoá, gắn con người với thiên nhiên. Sớm thành lập Ban quản lí CVĐC. Trên tinh thần đó, tỉnh Hà Giang mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, báo chí tiếp tục quan tâm, chia sẻ để có thể hoàn thành sớm nhất Dự án CVĐC CNĐ Đồng Văn ở cấp quốc gia sau đó sẽ trình Unesco công nhận vào tháng 4.2010.

                                                                                    Huy Toán 


Cùng nỗ lực để sớm đưa Cao nguyên đá đồng Văn trở thành Công viên Địa chất đầu tiên của Việt Nam

(Lược ghi bài phát biểu bế mạc Hội thảo của đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh)

 

Hội thảo Quốc tế về xây dựng Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn diễn ra trong bầu không khí phấn khởi, đồng thuận, nhất trí cao và đã thành công tốt đẹp. Tại Hội thảo, tỉnh Hà Giang đã thể hiện quyết tâm và tinh thần cầu thị, tôn trọng các ý kiến đóng góp xây dựng Công viên Địa chất của các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức và cá nhân quan tâm đến vấn đề này.

 

Công viên Địa chất là một sản phẩm của tự nhiên, của con người và ở đó mối quan hệ con người và thiên nhiên gắn quyện với nhau một cách thân thiện, bền vững. Bảo tồn thiên nhiên và hoạt động sáng tạo của con người nhằm mang đến sức sống mới cho Cao nguyên đá. Qua đó, nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị to lớn của Cao nguyên đá về địa chất, văn hoá, về khoa học, giáo dục... Xây dựng công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là yêu cầu nội sinh, có ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc của Hà Giang, từ đó để thúc đẩy phát triển KT – XH và sự phồn thịnh của vùng một cách hiệu quả, bền vững. Trên cơ sở đó, tinh thần lớn nhất của Hội thảo chính là xây dựng công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là một yêu cầu cấp thiết, khách quan và có tính hiện thực cao…

Tuy nhiên, để Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất quốc gia và quốc tế, chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm. Đối với tỉnh Hà Giang, ngay sau Hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ bàn chuyên đề về xây dựng những nội dung cụ thể của dự án như:

 

- Về quy mô xây dựng, lấy cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Điều này sẽ đảm bảo cho các yếu tố quản lí, phát huy hiệu quả cũng như phù hợp với lịch sử của vùng đất này.

 

- Rà soát quy hoạch, điều chỉnh bổ sung chiến lược phát triển kinh tế cho phù hợp với việc bảo vệ và phát huy di sản công viên địa chất.

 

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển KT – XH, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng với việc xây dựng công viên địa chất.

 

- Bảo vệ, tôn tạo, phát huy những giá trị kiến trúc, những phong tục, tập quán mang giá trị bản sắc văn hoá của các dân tộc trong vùng…

 

- Thành lập công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và thành lập Ban quản lí của dự án này.


Để có thể hoàn thành dự án xây dựng công viên địa chất Cao nguyên đá, tỉnh Hà Giang mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ của các cơ quan, các đơn vị, các tổ chức và cá nhân, các chuyên gia, các nhà khoa học như: Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, Uỷ ban Quốc gia Unesco Việt Nam, Bộ VHTT&DL, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Ngoại giao cũng như vài trò các chính khách… Từ đó, nỗ lực để sớm hoàn thành dự án, trình các cơ quan có thẩm quyền trong tháng 10.2009 và hy vọng tại Hội nghị quốc tế của Unesco tổ chức tại Kualalumpur (Malaysia) tháng 4.2010, công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ được công nhận, trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam.
                                                                        Giao Thư (Lược ghi)

Tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Cao nguyên đá Đồng Văn

Khẳng định các mặt giá trị

 
 Huỳnh Vĩnh ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo điều tra bước đầu của các nhà khoa học, tiềm năng về di sản địa chất có thể xây dựng các Công viên Địa chất ở nước ta gồm nhiều khu vực từ Bắc tới Nam, trong đó Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một địa điểm có nhiều triển vọng để trở thành Công viên Địa chất Quốc tế do UNESCO công nhận.


Khu bảo tồn địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cần được tiếp cận từ góc độ một thành tố cấu thành môi trường tự nhiên, đồng thời cũng là một bộ phận tạo nên tiềm năng và tài nguyên du lịch hấp dẫn. Thực tế cho thấy, việc xây dựng các khu bảo tồn địa chất có ý nghĩa quan trọng cho việc bảo vệ môi trường sống của con người, tạo lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, chống ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, làm cơ sở cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững.

Hy vọng, Hội nghị của chúng ta, trên cơ sở khoa học sẽ khẳng định các mặt giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa, xã hội, lịch sử tiêu biểu của Cao nguyên đá Đồng Văn, đề xuất định hướng về quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị, xây dựng các tour du lịch địa chất, du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử phù hợp, làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất quốc tế đầu tiên ở nước ta, hướng tới hình thành mạng lưới Công viên Địa chất ở Việt Nam.

                                                                   Yến Khanh (Lược ghi)

 

Các yếu tố để phát triển Công viên Địa chất đầu tiên của Việt Nam

 
 Nguyễn Linh Ngọc, Viện trưởng Viện KH địa chất và KS

 

Hà Giang là một trong các tỉnh có rất nhiều đặc điểm lý thú về địa chất, đó là: Cảnh quan địa mạo đặc thù, vẻ đẹp hùng vĩ, đẹp đến mê lòng; những ranh giới địa chất hiếm có trên thế giới, nơi đó ghi lại những biến cố địa chất trong quá khứ; những hang động đẹp và sẽ là sâu nhất thế giới, dài nhất thế giới mà chưa được khám phá; sự đa dạng cổ sinh vật… Kết hợp với các di sản lịch sử, di sản văn hóa, Hà Giang sẽ là nơi thu hút nhiều khách du lịch. Khách du lịch đến với Hà Giang sẽ đông hơn, đa dạng hơn về thành phần tầng lớp. Sẽ có người du lịch khám phá về văn hóa, lịch sử, về vẻ đẹp thiên nhiên, có những đối tượng du lịch mạo hiểm… và chắc chắn sẽ có rất nhiều các nhà khoa học địa chất trên thế giới đến với Hà Giang để tiếp tục nghiên cứu, khám phá các hiện tượng địa chất được lưu giữ lại trong đất đá ở đây. Đây là nguồn thu phát triển kinh tế của tỉnh rất bền vững.

Tuy nhiên, để đưa một sản phẩm mới đi vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, cần phải hội đủ 3 yếu tố: Quyết tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý; hội đủ các yếu tố khoa học, giải pháp công nghệ và thực tiễn; phải có nhà đầu tư…


Trong hội thảo này chúng ta đã thấy được sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự khẳng định tính đúng đắn của các nhà khoa học, nhưng chúng ta còn thiếu các nhà đầu tư. Chúng ta cũng mong rằng sau hội thảo này, các nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng to lớn về du lịch của tỉnh Hà Giang và cùng chung sức với tỉnh để phát triển Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam.

                                                                           H.H (Lược ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất kiểm tra tiến độ thi công Nhà máy Thuỷ điện Thái An
Ngày 13.9, đồng chí Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra tiến độ thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thái An tại xã Thái An (Quản Bạ). Cùng đi có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm…
14/09/2009
Gặp mặt các đại biểu Quốc tế và Ngoại giao đoàn nhân dịp Hội thảo xây dựng Công viên Địa chất
HGĐT- Ngày 12.9, tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt các đại biểu Quốc tế và Ngoại giao đoàn, gồm các sứ quán: Vương quốc Bỉ, Đức, Uỷ ban châu Âu, Malaysia, Italy, Trung Quốc; các đại biểu của Uỷ ban Unesco Việt Nam, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, đến thăm và làm việc tại Hà Giang nhân dịp Hội thảo Quốc
14/09/2009
Lãnh đạo tỉnh làm việc với Đoàn công tác Bộ Ngoại giao
HGĐT- Ngày 14.9, tại phòng họp 301 Hội trường Văn phòng UBND tỉnh, các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 7 huyện vùng cao biên giới của tỉnh, đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn,
14/09/2009
Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Thế Trung thăm và làm việc tại tỉnh ta
Trong các ngày từ 11-13.9.2009, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư, đã lên thăm và làm việc tại tỉnh ta. Cùng đi có lãnh đạo Vụ Dân tộc - Ban Dân vận T.Ư và Vụ Tin lành - Ban Tôn giáo Chính phủ.
14/09/2009