Bão số 9 đang tàn phá miền Trung

07:59, 30/09/2009

Nhà sập, người chết, cây đổ ngổn ngang, hệ thống điện chiếu sáng, điện thoại bị đứt, sinh hoạt bị đình trệ… là những gì mà người dân các tỉnh miền trung đang phải gánh chịu. Dự báo của TTDBKTTV TƯ cho biết, chiều 29.9 bão số 9 sẽ đổ bộ vào đất liền với sức gió giật đến cấp 13.


Phóng viên, cộng tác viên báo Nhân Dân điện tử tại các điểm nóng đang cố gắng cập nhật thông tin từ vùng tâm bão chuyển đến bạn đọc.

Trung tâm
TP Đà Nẵng ngập sâu trong nước

Theo Ban phòng chống lụt bão thành phố, bão số 9 đã làm 9 tàu thuyền bị chìm trên sông Hàn. Lúc 6 giờ sáng ngày 29-9, Hải đội 2 bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã cứu sống một ngư dân trên tàu DNA- 30863, bị đứt neo trôi dạt trên cửa biển Đà Nẵng.

Từ ngày 28- 9, mặc dù bão số 9 chưa đổ bộ trực tiếp vào thành phố Đà Nẵng, nhưng ở đây đã có mưa rất to và gió lớn. Ngành điện lực Đà Nẵng đã phải cắt điện toàn thành phố từ đêm 28-9.

Đến sáng nay (29- 9), Đà Nẵng đã ghi nhận một trường hợp bị chết do điện giật khi đang chằng chống phòng chống bão trên mái nhà; đồng thời cũng ghi nhận một người dân khác ở Tiên Sa, quận Sơn Trà bị thương nặng do trong bão ra đường bị tôn bay cứa ngang cổ, 3 người gãy chân do trượt ngã khi leo lên nhà chằng chống bão.

Hiện các tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng như Đống Đa, Lê Duẩn, Lê Lợi, Trần Phú, Bạch Đằng… nhiều đoạn ngập sâu trong nước, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Mặt nước sông Hàn đã tràn qua đường Bạch Đằng ngấp nghé trước trụ sở UBND thành phố và Trung tâm truyền hình tại Đà Nẵng.

Trên đường Nguyễn Tất Thành chạy ven theo vịnh Đà Nẵng, sóng biển dâng cao tràn qua mặt đường làm sạt lở nhiều đoạn bờ kè bê-tông. Trên đoạn đường này hiện nay có ba tàu hàng trọng tải lớn trên 10 nghìn tấn là tàu Thành An 27, tàu Thái Sơn và tàu LUKS-VN09 bị sóng biển cuốn trôi vào mắc cạn trên bờ.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội, dân phòng và các lực lượng tại chỗ kịp thời sơ tán 7000 hộ với hơn 33 nghìn dân ở các vùng trũng, thấp xung yếu thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang về các nhà tránh lũ đa năng … Hiện nay ngoài các nhà tránh lũ đa năng ở các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, chính quyền các địa phương đã chủ động bố trí hàng chục điểm trụ sở, trường học khác để đưa dân về tránh bão an toàn và cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.

Ngay trong sáng ngày 29-9, đoàn công tác phòng chống bão lụt tiền phương, do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã trực tiếp làm việc với Ban phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng và Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Phó thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung trung bộ bám sát diễn biến hướng đi của cơn bão số 9, kịp thời thông báo cho các địa phương chủ động phòng tránh. Chỉ đạo các địa phương phải rà sóat những người dân còn lại ở những vùng trũng thấp để kịp thời di dời, không để xảy ra thiệt hại về người. Phó Thủ tướng đã đi thăm các khu dân cư bị ngập sâu.

Diễn biến cơn bão số 9 vẫn rất phức tạp, đến 16 giờ ngày 29-9, Đà Nẵng trời vẫn mưa rất to, gió vần vũ, lãnh đạo TP Đà Nẵng dùng xe bọc thép lội nước về các vùng ngập lụt kiểm tra việc di dời và đôn đốc các lực lượng tiếp tục giúp dân chằng chống nhà cửa nhân dân.


Hàng lọat cây xanh ngã đổ trên các trục đường trung tâm TP Đà Nẵng


Nhà dân bị tốc mái trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu


Nhiều nhà dân bị tốc mái ở quận Liên Chiểu


Các lực lượng cứu hộ dùng xe bọc thép đưa người dân về nơi trú bão an toàn
                                      Bài và ảnh: Danh Lân, Thanh Lộc,
                                         Bá Tích, Anh Đào

Quảng Ngãi: Sóng biển dân cao 5 - 7m, gió giật cấp 10

Sáng sớm ngày 29-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu gió mạnh dần lên kèm theo mưa rất to. Đến khoảng 12 giờ, đường phố không một chiếc xe, bóng người đi lại, cây cối gãy ngã ngổn ngang. Dây điện thoại, điện sinh hoạt và đường dây truyền thanh trong thành phố Quảng Ngãi bị đứt, vắt ngang qua những ngã đường.

Hiện trên 1.000 hộ dân ở các xã ven biển từ huyện Bình Sơn đến huyện Đức Phổ đã được chính quyền địa phương di dời vào tạm trú ở những nơi an toàn. Từ sáng ngày 29-9, tỉnh đã quyết định cho các cơ quan nghỉ làm việc để tập trung công tác phòng, chống bão, lũ. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học từ chiều hôm qua…

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ Huy PCLB &TKCN tỉnh Quảng Ngãi, sáng 29-9 trên huyện đảo Lý Sơn - nơi tâm bão đi qua có gió giật cấp 12, 13 đã làm cây cối gãy đổ, hoa màu bị thiệt hại nặng. Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, chính quyền đã phải di dời khẩn cấp dân tới trường học, trụ sở Ủy ban các xã để trú bão. Hiện thiệt hại chưa thể thống kê được, do phương tiên liên lạc giữa Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão của tỉnh và huyện đảo Lý Sơn chỉ duy nhất qua máy bộ đàm, nhưng có lúc cũng không liên lạc được.

Tại khu vực nhà máy lọc dầu Dung Quất, trưa nay đã có gió mạnh cấp 10, cấp 11, sóng biển cao từ 5 – 7 m. Đã có hàng trăm tàu cá nằm ở các bãi ngang ven biển Quãng Ngãi bị đánh chìm.

Trên địa bàn TP Quãng Ngãi, gió mạnh cấp 9, giật trên cấp 10. Giao thông một số tuyến đường bị ách tắc do cột điện, cây cối ngã đổ đang nằm ngổn ngang trên một số đường phố. Toàn tỉnh mất điện từ tối 28-8, phương tiện liên lạc với bên ngoài chủ yếu qua điện thoại di động, vì nhiều xã, phường đã bị mất điện và đường truyền Internet cũng đã bị gián đoạn, không thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Tại các xã ven biển của tỉnh Quảng Ngãi, trưa nay đã có gió mạnh cấp cấp 9, có nơi giật trên cấp 11 đã khiến một số trường học, trạm y tế và nhà dân bị tốc mái, xiêu vẹo. Tuyến đường quốc lộ 24B xuống các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) cây cối bị ngã rạp, nước lũ dâng cao khiến các địa phương này bị cô lập hoàn toàn. Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Phạm Tiến Dũng cho biết: Hiện nay mưa rất to kèm theo gió rất mạnh đã làm cho khoảng 500 nhà dân trên địa bàn bị tốc mái, hàng trăm tàu đánh cá neo đậu trú bão va chạm đã chìm và hư hỏng nặng. Hầu hết người dân đóng cửa ở trong nhà tránh bão, chỉ có lực lượng cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ thường xuyên có mặt ở những nơi xung yếu để sẳn sàng giúp dân vừa tránh bão, vừa chống lũ…

Nước sông Trà Khúc, Trà Bồng và Sông Vệ đang lên rất nhanh. Đến 12 giờ sáng nay (29-9) mực nước trên sông Trà Bồng, Trà Khúc và Sông Vệ đã lên mức báo động 3. Lũ lên cao bất ngờ ngoài dự đoán khiến người dân bị động, vừa phải đối phó với bão, vừa đối phó với mưa lũ. Nhiều xã ven sông bị ngập chìm trong nước. Một số vùng đang bị cô lập và bị sạt lở bờ sông đã cuốn trôi nhiều cây cối, hoa màu. Ngay trung tâm TP Quảng Ngãi nước dâng cao đột ngột đã làm hàng trăm hộ dân bị nước tràn vào nhà. Tại xã Bình Chánh, Bình Dương (huyện Bình Sơn) đã có khoảng 2 nghìn hộ dân bị ngập chìm trong nước, có thôn bị cô lập hoàn toàn. Hiện chính quyền địa phương các xã này đang tìm cách đưa thuyền sơ tán dân tới các điểm tránh lũ an toàn.

Chiều nay (29-9), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đoàn công tác và Ban chỉ huy PCLB&TKCN các cấp khẩn trương đến ngay các vùng bão đi qua và những nơi bị ngập nước để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Trước mắt giúp nhân dân vùng bị thiệt hại do lũ gây ra sớm ổn định sinh hoạt cuộc sống; đồng thời có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự và tài sản của nhà nước, nhân dân trên địa bàn…  


Bão làm ngã cây xanh đường phố Quảng Ngãi.


Nước lũ sông Trà Khúc đang tràn vào TP Quảng Ngãi.

                                                                                      Chi San

Mưa lớn gây thiệt hại nặng ở Tây Nguyên

Mưa lớn kéo dài làm nước trên sông Sê rê pốc tại huyện Buôn Đôn (Đác Lắc) đã lên mức báo động II. Thống kê chưa đầy đủ mưa lũ đã làm ngập hơn 500 ha diện tích hoa màu, lúa tại huyện Lắc và Chư M’gar, Krông Bông... Ở huyện Ma Đ’rắc nhiều ngôi nhà dân bị tốc mái.

Do thời tiết xấu, trong hai ngày qua, sân bay Buôn Ma Thuột đã hoãn 7 chuyến bay của 385 khách đi TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Được biết, sớm nhất phải đến 17 giờ ngày 30 - 9, các chuyến bay mới có thể hoạt động trở lại.

Tương tự Đác Lắc, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hai ngày qua đã có mưa to và rất to, lượng mưa cao nhất là tại thị xã An Khê (hơn 150 mm). Mưa lớn đã gây lũ, làm chia cắt giao thông ở một số nơi. Tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, nước lũ làm trôi cầu tạm từ làng Đăk Lá đi vào làng A Lao, làm giao thông nội vùng bị tê liệt.

Tại cầu tràn Đe Gơ thuộc địa bàn xã Lơ Pang, nước lớn tràn qua làm việc lưu thông, đi lại từ thị trấn Kon Dỡng (huyện Mang Yang) đi các xã Đê Ar, Kon Thụp, Đăk Trôi (huyện Mang Yang) bị ách tắc hoàn toàn.

Tại xã Ayun, huyện Mang Yang, nước lũ làm sạt lở đoạn cầu 20 với chiều dài 500 mét. Còn tại huyện Krông Pa, mưa lớn trong hai ngày qua làm nước lũ dâng cao trên suối Ia Rsai. Toàn bộ học sinh của 7 thôn, buôn trong xã Ia Rsai phải nghỉ học trong sáng nay (29-9) vì không thể về khu trung tâm.

Nước từ thượng nguồn sông Ba đổ về gây lũ lớn, nước chảy xiết nên tại khu vực cầu Bung, phà và ca nô tạm dừng hoạt động từ sáng nay. 11 bến đò ngang khác trên sông Ba tại các xã Ia Rmok, Krông Năng, chính quyền địa phương đã có lệnh cấm hoạt động từ sáng 29-9. Tuyến đường liên xã phía Tây Nam huyện Krông Pa bị ngập tại cầu tràn suối Uar, toàn bộ việc đi lại của nhân dân từ xã Chư Đrăng đến các xã Ia Rmok, Ia Dreh bị cắt đứt hoàn toàn.

Sáng nay (29-9) mực nước trên các sông, suối ở Gia Lai tiếp tục tăng. Tại trạm Pmơrê (trên sông Ayun), nước đang ở mức 676 mét, vượt báo động III là 1 mét; tại trạm Ayun Pa (trên sông Ba), nước đang ở mức 156 mét, vượt báo động III là 0,25 mét. Nguy cơ lũ quét ở Gia Lai là rất lớn.

                                                                                 Nguyễn Hồng

Quảng Nam: Sơ tán 60 nghìn dân

Từ sáng sáng 29-9, mưa rất to và gió giật mạnh trên địa bàn cả tỉnh. Nước lũ các sông lên nhanh trên báo động 3. Mực nước hồ chứa nhà máy thuỷ điện A Vương tại huyện núi Đông Giang đã vượt tràn, Nhà máy đã xin UBND tỉnh cho xả lũ nhưng tỉnh chưa đồng ý bời nếu xả lũ thì vùng hạ lưu đặc biệt là huyện Đại Lộc sẽ bị ngập lụt nguy hiểm.  

Nhiều vùng suốt từ các huyện ven biển Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành đến các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn đều bị chia cắt cục bộ. Toàn bộ hệ thống giao thông, liên lạc, điện cả tỉnh đều bị tê liệt. Riêng TP Tam Kỳ đã bị nước gần như dâng ngập toàn bộ, vô số cây cối bị ngã đổ ngổn ngang trên khắp các tuyến đường nội thành hàng trăm ngôi nhà tốc mái, đổ sập...

Tại các huyện ven biển và miền núi, mỗi huyện có hàng trăm nhà tốc mái, sập đổ, hàng nghìn nhà bị lũ nhấn chìm. Đến trưa 29-9, đã có ba người chết do bão gồm: Nguyễn Văn Tám (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên), Huỳnh Văn Cơ, Bùi Thị Thủy (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành).

Công tác sơ tán khẩn cấp nhân dân vùng nguy hiểm được triển khai thực hiện gấp gáp ngay trong bão lũ từ đêm 28 đến sáng 29-9. Tại huyện Đại Lộc, hơn 8.000 dân được sơ tán đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “Toàn bộ các xã ven biển đều bị cô lập, một số tàu thuyền của dân ở xã Duy Hải, Duy Nghĩa đang neo đậu trú bão bị gió xô đẩy, va đập, hư hỏng. Hơn 4.000 dân ở vùng này đã được di dời đến các nhà cao ráo vững chắc hoặc các địa điểm trờng học, công sở an toàn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đinh văn Thu trực tiếp đóng chốt chống bão ở xã Duy Hải trưa 29-9 cho biết: “Tình hình vùng đón bão rất nguy hiểm. Lực lượng bộ đội và xung kích vừa cõng hơn 100 người dân ở khu tái định cư Hông Triều, xã Duy Nghĩa bị lũ dâng ngập nhà cửa, vượt lũ đến hội trường UBND xã trú bão”.

Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình-ông Phan Thăng An cho biết khoảng 7.900 người dân đã được di dời “từ thấp lên cao, từ tạm bợ đến vững chãi”. Việc sơ tán dân ở các vùng này chủ yếu theo phương án xen ghép cục bộ ngay tại địa phưong. Riêng tại TP Tam Kỳ, ông Hoàng Xuân Việt, Chủ tịch UBND TP cho biết: “Từ 4 giờ sáng 29-9, khoảng 4.000 dân ở các xã ven biển đã được khẩn trương sơ tán đến đồn biên phòng, trụ sở xã và trường học, vừa kịp tránh bão đổ bộ”. 

Khoảng gần 11 giờ trưa 29-9, Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thăm hỏi tình hình và chỉ đạo tỉnh phải tập trung mọi lực lượng chống bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải báo cáo Thủ tướng: Cả tỉnh đã huy động toàn bộ con người, phương tiện để giúp dân chống bão. Khoảng 44 nghìn dân đã được sơ tán đến nơi an toàn. Con số dân sơ tán có thể lên đến gần 60 nghìn người để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho dân vùng nguy hiểm.
TT-Huế: Bão chưa vào, lũ đã chìm ngập


Người dân vạn đò sông Hương neo thuyền vào bờ
để tránh lũ, phòng bão.

Sáng 29-9, tâm bão vẫn chưa vào đến TT- Huế, nhưng nước trên các sông đã vượt mức báo động 3, gây ngập lũ và chia cắt nhiều nơi trên toàn tỉnh.

Tại thành phố Huế, nhiều tuyến đường trong thành phố và các khu dân cư vùng thấp trũng ở nội thành, các phường Phú Bình, Phú Hiệp, Xuân Phú ...đã ngập từ 0,5 - 0,8m; có nơi ngập sâu hơn 1m. Lũ làm chia cắt giao thông, người dân phải đi lại bằng thuyền.

Tại các huyện, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhiều nơi bị ngập sâu từ 0,5 -1m, gây chia cắt giao thông và cô lập các khu dân cư. Đặc biệt QL49A nối từ thành phố Huế về các xã ven biển thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, thủy triều đã tràn dâng cao gần 1m,  gây sạt lở và đe dọa nhiều khu dân cư sống ven biển.  

Ông Cái Vĩnh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, nhiều đọan QL1A qua huyện Phú Lộc, nhiều tỉnh lộ...nước đã ngập sâu hơn 1m, gây chia cắt và cô lập hoàn toàn các xã Vinh Hiền, Vinh Giang, Vinh Thái...

Chiều tối  28 và rạng sáng 29-9, gió lớn đã làm hàng chục nhà dân ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc bị tốc mái. Ở thành phố Huế và các huyện, nhiều cây xanh bị gió quật ngã. Hệ thống điện và điện thọai nhiều nơi bị hư hỏng gây mất điện và mất liên lạc cục bộ.

Khuya 28-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác Chính phủ đã có mặt tại Huế và đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phòng chống bão lũ của địa phương.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh TT-Huế, đến đêm 28-9, tỉnh TT-Huế đã kêu gọi toàn bộ 1.736 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, có 17 phương tiện với 88 lao động ngọai tỉnh cũng đã vào neo đậu an toàn tại cảng Thuận An.

Trong ngày 28-9, Ban chỉ huy PCBL&TKCN tỉnh đã phối hợp với lực lượng biên phòng cứu hộ thành công một xà lan với 6 người bị trôi dạt ở bờ biển cảng Chân Mây; tàu Hợp Thành với 9 thuyền viên bị mất bánh lái, trôi dạt ở bờ biển Thuận An.


Một người dân ở thành phố Huế tranh thủ bão chưa vào để đi mua gạo.


Bão chưa vào, nhưng thành phố Huế đã ngập trong lũ.


Gió lớn làm nhiều cây xanh trong thành phố Huế bị ngã đổ.

Đặc biệt, đến 20giờ ngày 28-9, toàn tỉnh TT-Huế đã di dời xong 12.531 hộ với 50.506 khẩu nằm trong vùng nguy hiểm ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà đến nơi an toàn.
Hai người chết, hơn 1.000 hành khách mắc kẹt tại các ga

Theo cập nhật mới nhất của Ban Chỉ huy PCBL&TKCN tỉnh TT-Huế, đến 12 giờ ngày 29-9, lũ dâng cao cộng với gió lớn đã làm hai người chết (một ở huyện A Lưới, một ở huyện Hương Thủy), ba người bị thương. Tất cả đều do bị tai nạn trong khi giằng chống nhà cửa. Toàn tỉnh có hơn 20 căn nhà ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang bị sập; hơn 300 nhà bị tốc mái; hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu từ 0, 5 – 1m. 

Hiện tại khu vực TT-Huế có 3 đoàn tàu với hơn 1000 hành khách bị mắc kẹt ở các ga Huế, Lăng Cô và Cầu Hai thuộc huyện Phú Lộc. Đến thời điểm này, tại TT-Huế vẫn đang có mưa và gió rất lớn. Nước ở các sông Hương, sông Bồ, các vùng thấp trũng …vẫn tiếp tục dâng cao; hệ thống cây xanh ở thành phố và các huyện tiếp tục bị gãy đổ…

Ngoài hàng hóa dự trữ ở các địa phương và trong dân, tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo Sở Công thương dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã báo cáo với Bộ Tư lệnh và Sư đoàn 372 để hợp đồng một phi đội bay túc trực tại sân bay Phú Bài để sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong tình huống xấu đối với các địa bàn bị chia cắt giao thông. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị và di dời dân của tỉnh TT-Huế. Đồng thời nhấn mạnh, song song với việc di dời, lãnh đạo tỉnh và các địa phương phải có cơ chế giám sát để người dân không chủ quan, tự ý quay về nhà.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cố gắng hết sức để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Yêu cầu tỉnh TT-Huế kịp thời thông báo về các địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ai không có việc khẩn cấp thì không nên ra đường trong thời điểm này.  

Sáng 29-9, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra tình hình bão, lũ ở khu vực bờ biển huyện Phú Vang. Tuy nhiên do lũ dâng cao, đường bị chia cắt nên Phó Thủ tướng đã không về đến huyện Phú Vang.

Kon Tum: Nhiều xã vùng sâu vùng xa bị chia cắt

Do ảnh hưởng của bão số 9, trong suốt hai ngày đêm vừa qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được ở thành phố Kon Tum lúc 7 giờ sáng ngày 27-9 là 167,3mm; tại huyện Đác Tô là 203.4 mm; tại  huyện ĐácGlei đo được là 263mm...

Theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum, đến 10 giờ sáng nay, mưa lớn kéo dài đã làm cho nhiều tuyến phố Kon Tum ngập chìm trong nước. Mực nước các sông suối trên địa bàn đều dâng cao trên báo động 2, sông như Pô Kô, trên báo động 3 là 252 cm. Mưa lớn đã làm cho một số tuyến đường liên huyện bị ngập và sạt lở. Mưa lũ đã làm chia cắt hoàn toàn các xã vùng sâu, vùng xa ở các huyện Đắc Hà, Tu Mơ Rông, ĐắcG Lei, KonP long. Mưa lũ đã cuốn trôi cầu vào thôn 12 xã Đắc Ma, hai phòng học trường thôn và nhiều hộ dân thôn 12 nhà bị tốc mái.  Một số tuyến đường giao thông đi vào các xã Ngọc Yêu, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ rông) bị sạt lở không đi lại được. Đèo Măng Đen (Quốc lộ 24) bị sạt lở, hàng trăm khối đất đá đổ xuống đường khiến cho giao thông nối giữa huyện KonPlông với thành phố Kon Tum bị chia cắt.

Tại làng Mô Bành huyện Tu Mơ Rông, mưa lớn đã làm cho một ngôi nhà dân bị sập làm hai người dân bị thiệt mạng, một người bị mất tích.

Đến 10 giờ trưa nay, 29-9, các huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện di dời 20 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ban Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum đã trực tiếp xuống các địa bàn huyện Đắc Hà, Ngọc Hồi, ĐăcGlei, theo dọc tuyến đường Hồ Chí Minh để chỉ đạo trực tiếp các địa phương có phương án giúp dân phòng chống bão lũ. Đồng thời đã có Công điện gửi Ban Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai và chính quyền các địa phương cử người trực 24/24; sẵn sàng điều động lực lượng Công an, Bộ đội , dân phòng...hỗ trợ, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn;  chuẩn bị lương thực, thuốc men, sẵn sàng nhân lực, vật lực để cứu hộ người dân trong vũng mưa lũ và ứng cứu các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn.

(tiếp tục cập nhật)


Nhan dan

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai mạc Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 24, khóa XIV (mở rộng)
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất phát biểu khai mạc Hội nghị.HGĐT- Ngày 28.9, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV tổ chức Hội nghị lần thứ 24 (mở rộng) để thông qua báo cáo sơ kết 9 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trong quý IV; thông qua Đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 và một số nhiệm vụ
29/09/2009
Đảng bộ huyện Mèo Vạc: Làm tốt công tác phát triển Đảng và công tác kiểm tra Đảng
HGĐT- Từ đầu năm đến nay, Đảng bộ huyện Mèo Vạc kết nạp được 111 đảng viên mới (trong đó Đảng bộ ở nông thôn là 50 đồng chí, ngành Giáo dục - Đào tạo 36 chiếm 2/3 tổng số đảng viên kết nạp, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ huyện lên 2.062 đồng chí, tăng 71 đảng viên so cùng kỳ năm 2008, đạt gần 80% kế hoạch tỉnh giao năm 2009.
28/09/2009
Phát huy nội lực, Đảng bộ Mèo Vạc vượt khó quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra
Sùng Minh Sính (Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc)Là huyện có thể nói khó khăn nhất của tỉnh, nhưng trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc đã không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Cho đến nay, gần hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (2005 2010), các chỉ tiêu phát triển
28/09/2009
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô làm việc tại huyện Quản Bạ
HGĐT- Vừa qua, đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chuyến công tác tại huyện Quản Bạ, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và kết quả hỗ trợ của các sở, ban, ngành; các công ty, doanh nghiệp giúp huyện Quản Bạ thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đồng thời triển khai cuộc vận động quyên góp, ủng hộ
28/09/2009