Tổng kết công tác phát triển chè giai đoạn 2006-2009

17:13, 10/08/2009

HGĐT- Nhằm đánh giá thực trạngcây chè giai đoạn 2006 đến nay và định hướng phát triển những năm tiếp theo; ngày 7.8, tại Hội trường các Ban Đảng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết về phát triển chè giai đoạn 2006-2009.


Dự hội nghị có các đồng chí: Vương Mý Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bàn Đức Vinh, Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các Hội liên quan; Thường trực UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị; các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn toàn tỉnh. Về phía cơ quan Trung ương có đồng chí Trần Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển chè, Hiệp hội chè Việt Nam; ông Paul Weijers, Cố vấn trưởng Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV). Đồng chí Trịnh Duy Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.


Báo cáo về kết quả phát triển sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2009 tại Hội nghị đánh giá: Trong những năm qua, thực hiện mục tiêu trồng mới 500 ha chè mỗi năm để đưa diện tích chè toàn tỉnh lên 17.500 ha vào năm 2010, đưa sản lượng chè búp tươi đạt trên 100.000 tấn/năm và sản lượng chè khô xuất khẩu đạt trên 4.000 tấn/năm… tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và có những giải pháp, chính sách phù hợp khuyến khích phát triển sản xuất chè nên diện tích chè tăng nhanh, diện tích trồng mới hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch, đã hình thành vùng sản xuất chè hàng hoá tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, vị thế cây chè ngày càng được khẳng định. Tính đến tháng 6 năm nay, toàn tỉnh có 17.332,2 ha, so với năm 2005, diện tích chè tăng trên 2.884 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh năm 2009 đạt trên 13.800 ha. Diện tích cây chè chủ yếu tập trung tại các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, chiếm 90% tổng diện tích chè toàn tỉnh. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát cho thấy, diện tích chè tỉnh ta tuy lớn nhưng mật độ cây chè hầu hết không đảm bảo, diện tích chè trồng tập trung có mật độ đạt từ 10.000 cây/ha chỉ có 3.779 ha, chiếm 21,8% tổng diện tích, diện tích chè không đảm bảo mật độ (mật độ dưới 10.000 cây/ha) là trên 13.553 ha, chiếm 78,2% tổng diện tích. Đặc biệt, hầu hết diện tích chè trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay được trồng bằng phương pháp trồng hạt trực tiếp (hiện có tới 16.529,2 ha/17.533,2 ha) nên thường cho năng suất thấp, chất lượng vườn chè không đồng đều. Từ năm 2006, tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng giống chè bầu bằng phương pháp giâm cành đưa vào sản xuất, đến nay đã có hơn 238 ha diện tích được trồng, bước đầu đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong việc đưa khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Theo kết quả điều tra, rà soát, năng suất chè bình quân của tỉnh đều tăng qua các năm. Năm 2006 đạt 31,6 tạ/ha, năm 2007 đạt 33,2 tạ/ha, năm 2009 đạt 35,4 tạ/ha, đạt 50,5% năng suất theo Nghị quyết XIV đề ra. Tuy nhiên, năng suất chè búp tươi của Hà Giang hiện đang ở mức thấp, đạt khoảng 54,46 % so với năng suất trung bình của cả nước (năng suất bình quân cả nước hiện đạt trên 6,5 tấn/ha). Song, nếu quy đổi diện tích chè kinh doanh về mật độ trung bình 10.000 cây/ha trở lên, thì năng suất chè búp tươi của Hà Giang hiện nay đạt mức bình quân 4,56 tấn/ha, bằng 70,1% năng suất bình quân của cả nước và đạt 65,1% năng suất theo mục tiêu Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Sản lượng chè búp tươi cũng được tăng đều qua các năm, dự kiến năm 2009, sản lượng đạt trên 47.000 tấn, tăng hơn 13.000 tấn so với năm 2005 và 554,8 tấn so với năm 2008; so với mục tiêu Nghị quyết XIV, sản lượng chè búp tươi đến năm 2009 mới đạt 47,1%. Nguyên nhân cơ bản đạt thấp ngoài do trồng bằng hạt, còn do người dân chưa chú trọng đến thâm canh tăng năng suất; nhiều diện tích chè trồng lâu già cỗi; việc thu hái chè vẫn còn thực hiện theo tập quán cũ, chưa đúng quy trình kỹ thuật; thị trường tiêu thụ, giá sản phẩm chè không ổn định, dẫn đến không khuyến khích được người dân đầu tư thâm canh; mật độ trồng chè chưa đảm bảo (quá thưa, bình quân chỉ đạt 8.000-9000 cây/ha), dẫn đến năng suất thấp… Trong chế biến và tiêu thụ, hiện toàn tỉnh có 1 Công ty Cổ phần, 7 doanh nghiệp, 23 HTX và 536 cơ sở, hộ kinh doanh và chế biến chè, công tác chế biến chè đã có chuyển biến tích cực, thông qua một số dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị hiện đại, công suất lớn đã tạo ra được các sản phẩm chè có chất lượng cao được thị trường chấp nhận. Đặc biệt chè của Hà Giang đã xuất khẩu đi trên 20 nước với nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó có một số thị trường “khó tính” như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan…


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ ghi nhận những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua trên lĩnh vực phát triển diện tích; nhận thức của người dân về thay đổi tập quán canh tác từ quảng canh sang đầu tư thâm canh; hình thành được các vùng sản xuất chè tập trung và bước đầu ổn định; thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân tập trung đầu tư vào công nghệ tiên tiến; các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước chiếm lĩnh được thị phần tiêu thụ, tăng thu nhập từ xuất khẩu chè cho ngân sách tỉnh; các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác đầu tư phát triển ngành chè Hà Giang… Tuy nhiên cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Chất lượng chè còn thấp, việc chuyển đổi thâm canh chè trong nhân dân chưa chú trọng; chưa xác định rõ chè là cây kinh tế mũi nhọn, cây xoá đói giảm nghèo và là cây làm giàu để có kế hoạch phát triển mạnh trong những năm tới; diện tích trồng còn phân tán, mật độ của các vườn chè chưa đảm bảo, dẫn đến năng suất đạt thấp; đầu tư cơ sở chế biến chưa đồng bộ… Trong thời gian tới, cần tiếp tục xác định rõ vị thế của cây chè trong phát triển kinh tế; đẩy mạnh diện tích trồng chè, đầu tư thâm canh tăng năng suất; khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến và xây dựng thương hiệu; các cơ quan chuyên môn cần quan tâm đến giống, phân bón, KHKT; tiếp tục chú ý đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại; tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh…


Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, hội nghị đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, đưa ra những ý kiến, kiến nghị, đề xuất và những giải pháp cụ thể cho từng vùng, từng địa phương, nhằm khắc phục những hạn chế, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cây chè của tỉnh trong tương lai.


Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Duy Quyền khẳng định. Cây chè đã trở thành cây gắn bó và đi sâu vào đời sống của người dân, giúp nhiều hộ gia đình xoá được đói nghèo và vươn tới làm giàu. Theo đó trong 4 năm qua, diện tích chè đã tăng lên đáng kể, đó là sự nỗ lực cố gắng chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân… Tuy nhiên trên thực tế, năng suất, chất lượng chè của tỉnh ta còn thấp và những nguyên nhân đó đã được Hội nghị chỉ ra, đồng thời có những giải pháp khắc phục. Sau Hội nghị này, các huyện trọng điểm cần rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch, gắn sản xuất với chế biến; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất; tập trung mở các lớp tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền; các đơn vị chuyên môn tiếp tục tham mưu cho tỉnh về cơ chế, chính sách, định hướng để có chiến lược phát triển cây chè trong những năm tới…


Hữu Thụy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thăm, làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Từ 27 – 30.7, đoàn giảng viên khoa Tuyên truyền của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do đồng chí Tiến sỹ Phạm Huy Kỳ, Trưởng khoa dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Báo Hà Giang và các huyện Bắc Quang, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cùng đi có các Tiến sỹ, Thạc sỹ khoa Tuyên truyền của Học viện.
31/07/2009
Tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS xã, phường giai đoạn 2005-2008
HGĐT- Sáng ngày 29.7, tại Hội trường UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS xã, phường giai đoạn 2005 – 2008.
31/07/2009
Công tác dân vận trong tình hình mới
HGĐT- Trong những năm qua, công tác dân vận các cấp trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng kể. Ban Dân vận Tỉnh ủy và cấp Huyện, Thị ủy đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, huyện về phát triển KT-XH, AN-QP trên địa bàn; tham mưu kịp thời trong việc theo dõi triển khai và sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị
10/08/2009
Huyện ủy Quang Bình tăng cường công tác kiểm tra của Đảng
HGĐT- Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14 - NQ/TW, ngày 30/7/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” và các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và đảng viên.
07/08/2009