Đánh giá tình hình và chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Hà Giang
HGĐT- Ngày 5.8, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình và chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Hà Giang năm 2009.
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong những năm gần đây có sự tăng trưởng khá, không ngừng phát triển cả về quy mô và số lượng, tập trung chủ yếu vào việc khai thác các loại khoáng sản như: ăng-ti-mon, Măng gan, sắt, chì, kẽm. Đến hết tháng 6.2009, tỉnh đã cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản tại 36 điểm mỏ khoáng sản kim loại và 3 dự án chế biến sâu khoáng sản Ăng ti mon đang hoạt động. Công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cải tiến, nâng cao hiệu quả, công tác quản lý nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 1996đến hết năm 2008, tổng khối lượng các loại khoáng sản đã khai thác chế biến được là trên 441 nghìn tấn, trong đó quặng sắt 105.366; quặng Măng gan 129.382 tấn; quặng chì kẽm là 83.540 tấn quặng nguyên khai và trên 3 nghìn tấn tinh quặng. Quặng Ăng ti mon là 102.603 tấn. Sản lượng các loại quặng được khai thác, chế biến khoáng sản chưa được nhiều so với cơ sở trữ lượng, tài nguyên đã đánh giá. Vốn đầu tư cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các tổ chức, cá nhân lên đến hàng trăm tỷ đồng. Doanh thu trong năm 2007 đã đạt hơn 100 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng. Năm 2008 doanh thu đạt 90 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 6 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương ở các xã vùng sâu, vùng xa, người lao động có thu nhập bình quân đạt từ 800 ngàn đồng đến 3,2 triệu đồng/ người/tháng. Trong khu vực có điểm mỏ đường giao thông được mở mới, nâng cấp mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hoá của nhân dân trong vùng. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, tài nguyên nước, pháp luật đầu tư.
Vấn đề được quan tâm nhất tại hội nghị lần này là: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, vẫn còn một số ít doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ theo quy định như: Không có thiết kế mỏ; không đăng ký thời gian xây dựng cơ bản mỏ, chưa có hệ thống xử lý chất thải nước thải đạt tiêu chuẩn, không có đủ năng lực về tài chính để đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản. Thiếu kinh nghiệm, không có chuyên gia, cán bộ có kỹ thuật chuyên sâu. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn mang tính phân tán, chưa phát huy được sức mạnh của hợp tác liên doanh, liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường. Các doanh nghiệp chưa chú trọng chế biến chuyên sâu nhằm nâng cao giá trị khoáng sản, chủ yếu chỉ dừng lại ở khâu sơ tuyển. Thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản còn lạc hậu, công suất khai thác thực tế luôn thấp hơn công suất thiết kế, chất lượng sản phẩm thấp. Cùng với đó việc khai thác khoáng sản trái pháp luật ở một số địa phương trong thời gian qua đã gây tác động xấu đến môi trường, lãng phí tài nguyên, gây mất trật tự xã hội.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô nêu rõ: Trong thời gian tới, để công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện đúng quy định của pháp luật, khắc phục tốt những khó khăn tồn tại trong hoạt động khoáng sản, các ngành chức năng của tỉnh cần triển khai đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo quy định nhằm đảm bảo tiến độ dự án trên nguyên tắc. Đối với các đơn vị đã được cấp phép và đi vào hoạt động, nhưng còn thiếu thủ tục, cùng những đơn vị đã được cấp phép, chưa đi vào hoạt động khoáng sản phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và hoàn thiện các thủ tục trước ngày 30.9.2009… Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để tiến tới chấm dứt tình trạng xuất khẩu tinh quặng, từ thời điểm này đến hết quý II.2010 UBND tỉnh sẽ không xem xét, kiến nghị Bộ Công thương giải quyết việc xuất khẩu tinh quặng của bất kỳ doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp phép tăng cường công tác thăm dò và nâng cấp tài nguyên khoáng sản tại hầu hết các mỏ, điểm mỏ để đảm bảo độ tin cậy cho việc khai thác; chú trọng đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào khâu khai thác, tuyển luyện khoáng sản, khai thác triệt để và tiết kiệm tài nguyên kết hợp với chế biến sâu để tăng giá trị khoáng sản, đưa ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc