118 năm - Hà Giang đồng hành cùng đất nước
HGĐT- Tháng Tám, mùa thu đã về với vùng đất biên cương đỉnh đầu cực Bắc. Trong niềm vui lớn cùng với toàn dân tộc kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1945-2009), người dân Hà Giang còn vô cùng xúc động, tự hào với niềm vui truyền thống của mình: Kỷ niệm 118 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang (20.8.1891 - 20.8.2009).
Một góc thị xã Hà Giang hôm nay. Ảnh: Lê Như Lâm |
Kể từ khi vùng đất nơi đỉnh đầu của Tổ quốc Việt Nam, chính thức được ghi nhận và khẳng định với tư cách là tỉnh Hà Giang của nước Việt Nam. Chặng đường 118 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển của tỉnh nhà luôn gắn liền với những trang sử hào hùng của đất nước, dân tộc. Đó là sự gắn kết để đứng vững trước sự tác động, tàn phá của thiên nhiên với cuộc sống của con người! Là các cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lấn, đe dọa của các thế lực ngoại xâm phương Bắc; các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Trong điều kiện, hoàn cảnh là tỉnh vùng cao đất rộng, người thưa, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế nghèo nàn, dân trí thấp, nhiều dân tộc quần tụ, chung sống; thế nhưng lại có một sứ mệnh cao cả và thiêng liêng: Giữ gìn phên dậu của Tổ quốc suốt một dải dài biên cương cực Bắc! Nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn thể hiện và khẳng định ý thức đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược và những thử thách khốc liệt của thiên nhiên, để trụ vững và hoàn thành nhiệm vụ của mình trước Tổ quốc và dân tộc.
Từ ngày có Đảng, có Bác Hồ, người dân Hà Giang đã một lòng theo Đảng, làm cách mạng để cứu nước, cứu nhà, cứu mình thoát khỏi cảnh nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng đã được nhen nhóm, khơi dậy từ lòng yêu nước của người dân nơi đây! Đó là tổ chức Việt Minh đầu tiên ở thôn Khuổi Nghè, xã Vĩnh Hảo gắn liền với đội hoạt động vũ trang tuyên truyền Khuổi Nghè - là lực lượng vũ trang cách mạng được hình thành đầu tiên ở Hà Giang vào tháng 2 năm 1943. Từ cơ sở cách mạng và lực lượng vũ trang đầu tiên này, hoạt động của Việt Minh và phong trào cách mạng ngày càng lan rộng ra toàn tỉnh như Yên Phú (Bắc Mê) Ngọc Long, Đường Thượng (Yên Minh), Hùng An, Tiên Kiều, Đồng Tâm (Bắc Quang) và nhiều nơi khác trong tỉnh. Ngày 19.8.1945 cách mạng thành công ở thủ đô Hà Nội, thì tại Hà Giang ngày 10.9 giải phóng Yên Minh; ngày 4.11 cách mạng thành công ở Bắc Quang; 13.11 cướp chính quyền ở Hoàng Su Phì; ngày 21.11 Quản Bạ được giải phóng và ngày 8.12 cách mạng thành công ở thị xã Hà Giang; ngày 25.12.1945 Đảng bộ tỉnh Hà Giang được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng tại tỉnh Hà Giang.
Đã tròn 118 năm kể từ ngày Hà Giang chính thức trở thành một tỉnh trong hệ thống hành chính của nước ta; trụ vững nơi biên cương cực Bắc của đất nước biết bao thế hệ người dân Hà Giang đã kế tiếp nhau lao động, bảo vệ, dựng xây cho vùng đất này. Trong công cuộc đổi mới đất nước của Đảng hiện nay. Bằng sự nỗ lực của chính mình và sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương - Hà Giang đã thực sự chuyển mình từ một tỉnh miền núi, dân trí thấp, kinh tế nghèo nàn, tự cung tự cấp... Đã có những bước tiến vượt bậc trong nhiệm vụ vượt khó thoát nghèo. Đến Hà Giang hôm nay, đường giao thông đã trải dài đến 100% các xã và hơn 70% thôn bản trong tỉnh, các xã đều có trụ sở, trạm xá, trường học, xây dựng khang trang, hơn 70% nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đã được sử dụng điện lưới Quốc gia, 100% các thôn bản đều có trường học, thu nhập bình quân của người dân đạt 5,4 triệu đồng. Đặc biệt khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, xa được xác định là vùng trọng tâm cho nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, từ năm 2006 đến nay, đã có 569 công trình CSHT nông thôn được hoàn thành đưa vào sử dụng, mở mới 163 tuyến đường dân sinh, hoàn thành 731 km đường giao thông nông thôn, 8.663 hộ được hỗ trợ xây bể nước, 16.989 hộ được xóa nhà tạm, 54.183 lượt hộ nghèo được vay vốn để XĐGN, 337.421 lượt học sinh được miễn giảm học phí, gần 1,5 triệu lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí; toàn tỉnh đã có hơn 21.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 51,05% đầu năm 2006 xuống còn 27,64% vào cuối năm 2008... Những kết quả trên đã khẳng định: Đi theo con đường của Đảng và Bác kính yêu, Hà Giang đã thực sự chuyển mình, vượt qua gian khó và đói nghèo để từng bước đi vững chắc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho 22 dân tộc anh em nơi đây.
“Ăn quả nhớ người trồng cây”! Người dân Hà Giang hôm nay thấm thía rằng: Đó là công lao trời biển mà Đảng, Bác Hồ đã đem lại cho mọi người dân. Nhớ Bác, Biết ơn Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Giang hôm nay đang thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Vì người Hà Giang hiểu rằng: Học tập và làm theo Bác chính là học tập và làm việc theo con đường đúng, con đường của áo ấm, cơm no cho mỗi con người.
Chúng ta kỷ niệm 118 năm Ngày thành lập tỉnh nhà trong niềm vui hòa quyện cùng cả nước kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9! Niềm vui hòa quyện đó như một nguồn động lực lớn lao cho người Hà Giang hôm nay lao động và học tập, rèn luyện và cống hiến cho quê hương của mình ngày càng giàu mạnh.
Ý kiến bạn đọc