Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
HGĐT- Cùng với sự phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong cả nước, Công đoàn tỉnh Hà Giang được thành lập tháng 1/1951 với 12 CĐCS và 713 đoàn viên trên tổng số 916 CNVC-LĐ.
Năm 1976, công đoàn Hà Giang được sáp nhập với công đoàn Tuyên Quang thành Liên hiệp công đoàn Hà Tuyên. Đến năm 1991, LĐLĐ tỉnh Hà Giang được tái thành lập, với 14 công đoàn cấp trên cơ sở, 198 CĐCS và 12.300 đoàn viên. Đến nay, Công đoàn Hà giang đã có 11 LĐLĐ huyện, thị; 7 công đoàn ngành; 1.178 công đoàn cơ sở và 30.950 đoàn viên trên tổng số 42.000 cán bộ, CNVC-LĐ. Trong những năm qua, Công đoàn Hà Giang luôn được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự tạo điều kiện và phối hợp có hiệu quả các cấp chính quyền, các đoàn thể. Do vậy, công đoàn đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; tổ chức có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đội ngũ CNVC-LĐ Hà Giang chủ yếu xuất thân từ nông dân thuộc nhiều dân tộc khác nhau; tuy ra đời muộn, số lượng ít, trình độ hạn chế nhưng sớm được giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo của Đảng, có sự tổ chức của Công đoàn, trải qua các thời kỳ cách mạng luôn thể hiện vai trò nòng cốt trong khối liên minh công – nông – trí thức và trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó mật thiết với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và phong trào công nhân cả nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang. Trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương; cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh; đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển, cùng với đó là sự phát triển của đội ngũ công nhân lao động. Đến nay, công nhân lao động Hà Giang có trên 16.000 người, chiếm 2,4% dân số và 4,5% lực lượng lao động xã hội của tỉnh, nhưng đang có mặt ở các ngành sản xuất then chốt của tỉnh như: Giao thông, Xây dựng, Điện, Viễn thông, Khai khoáng, chế biến nông sản... góp sức mình đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,05%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 27,64%.
Tuy nhiên, hoạt động công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Hà Giang còn bộc lộ những hạn chế. Về hoạt động công đoàn: Công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chậm đổi mới về nội dung và phương pháp; vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cho CNVC-LĐ còn hạn chế, tỷ lệ CĐCS ở doanh nghiệp ký thoả ước lao động tập thể chưa cao, nội dung của thoả ước còn mang tính hình thức; trình độ, năng lực của cán bộ công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở còn nhiều bất cập... Về công nhân lao động: Chất lượng của đội ngũ công nhân lao động chưa cao, cònthiếu những cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn hạn chế; trình độ giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều, chưa tích cực tham gia hoạt động của các đoàn thể chính trị – xã hội; việc làm và đời sống còn nhiều khó khăn.
Trong những năm tới, để xây dựng đội ngũ công nhân lao động Hà Giang phát triển đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp công đoàn sẽ tập trung triển khai một số nội dung cụ thể sau:
- Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và cụ thể hoá chương trình số: 35-CTr/TU ngày 1/4/2008 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và chương trình số: 399/ CTr-TLĐ ngày 7/3/2008 của Tổng Liên đoàn về thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khoá X về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào trong mục tiêu, phương hướng hoạt động công đoàn hàng năm.
- Các cấp công đoàn chủ động hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động và những đòi hỏi bức xúc của cơ sở, giải đáp trúng những vấn đề thực tiễn đặt ra; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và phát huy tối đa tài năng, sức sáng tạo của công nhân lao động, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để nhân rộng phong trào; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật và chế độ, chính sách, thực sự chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền của công đoàn các cấp, tập trung vào giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề; đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ” trong CNVC-LĐ; làm tốt công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
- Nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn trong các doanh nghiệp, phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp có đủ điều kiện; chủ động xây dựng quy chế phối hợp công tác với người sử dụng lao động, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên; xây dựng quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp, trọng tâm là thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thoả ước lao động tập thể, kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động khi xảy ra.
Ý kiến bạn đọc