Phong trào “Đền ơn - đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả
HGĐT- Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác thương binh, liệt sỹ và người có công ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả to lớn.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển cả bề rộng, lẫn chiều sâu đã trở thành nghĩa cử cao đẹp trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, tạo động lực mới cho sự ổn định và phát triển của tỉnh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với 4 Anh hùng LLVT nhân dân, 33 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước truy tặng, phong tặng (hiện 5 mẹ còn sống),168 cán bộ được công nhận cán bộ hoạt động trước cách mạng tháng 8.1945 (đang hưởng trợ cấp 76 người), trong đó có 74 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.956 liệt sỹ (thân nhân đang hưởng trợ cấp 1.478 định suất), 1.257 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 505 bệnh binh, 22.919 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 38 người có công giúp đỡ cách mạng đã được cấp bằng có công với nước, 5 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy hưởng trợ cấp 1 lần, 719 người tham gia kháng chiến và 218 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng...
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh ta đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Sở Lao động-TBXH tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với nước, giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng, đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn chế độ, đúng đối tượng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Giải quyết chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã về phục viên, giải ngũ, thôi việc từ ngày 31.12.1960 trở về trước. Thực hiện tốt công tác chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng luôn được ngành thực hiện chi trả đảm bảo, kịp thời, đúng đối tượng. Hàng năm từ nguồn ngân sách Trung ương cấp, kết hợp với nguồn vốn của địa phương, ngành Lao động-TBXH đã hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị và cơ sở tiến hành tu sửa, nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ trong tỉnh đảm bảo khang trang, sạch đẹp.
Công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” từng bước được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Trách nhiệm và tình cảm đối với người có công đã trở thành nội dung quan trọng trên các diễn đàn và truyền thông đại chúng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo được những phong trào thiết thực, hiệu quả. Tỉnh ta luôn được Bộ Lao động-TBXH đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố tiêu biểu của cả nước thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 95% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công (tăng 3% so với năm 2005), nâng mức sống của gia đình người có công bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” từng bước đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực sâu sắc về 5 nội dung, qua 5 chương trình tình nghĩa như: Phong trào nhận phụng dưỡng các đối tượng chính sách đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia hưởng ứng. Toàn tỉnh có 7 cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng hết đời 7 Bà mẹ VNAH. Ngoài việc thăm hỏi nhân dịp lễ, tết, các cơ quan, đơn vị còn hỗ trợ số tiền từ 200 - 400.000 đ/người/tháng. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được xây dựng ở cả 3 cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Chỉ tính từ năm 2005-2008, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và các tổ chức kinh tế được trên 2 tỷ đồng. Từ việc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác, tỉnh ta đã trích quỹ tổ chức xây dựng, sửa chữa hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, người có công trong toàn tỉnh. Hàng ngàn thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ chức đoàn thể ở các địa phương trong tỉnh phân công hội viên đến giúp đỡ, chăm sóc khi ốm đau. Hàng trăm con liệt sỹ, con thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn đều được các nhà trường, thầy, cô giáo quan tâm chăm sóc, giúp đỡ. Hàng ngàn gia đình chính sách thuộc diện nghèo được ưu tiên giúp đỡ về vay vốn phát triển kinh tế, XĐGN, được hỗ trợ về giống vật nuôi, cây trồng...
Từ sự quan tâm thiết thực đó, nhiều gia đình chính sách đã đẩy mạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, đã có nhiều tấm gương thương bệnh binh vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng đó, mỗi năm tỉnh dành một phần kinh phí lớn để thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp cho các gia đình chính sách. Vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công. Đặc biệt, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và những tấm lòng hảo tâm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, quyên góp xây dựng và tu bổ lại các nghĩa trang, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ở 11 huyện, thị trong tỉnh; nâng cấp các khu di tích lịch sử; tôn tạo, tu sửa phần mộ các anh hùng liệt sỹ... dần đưa các công trình ghi công liệt sỹ trở thành các địa danh lịch sử, văn hóa ở mỗi địa phương, nhằm bày tỏ niềm tri ân đối với những người đã hy sinh vì nước, vì dân. Thông qua đó cũng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của tỉnh nhà.
Đặc biệt, những năm gần đây, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã được phát huy và nhân rộng ở các khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có gần 195 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và nâng mức sống của gia đình người có công bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Tiêu biểu trong phong trào này là các cơ quan, các huyện, thị trong tỉnh như: Huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, thị xã Hà Giang; các cơ quan: Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh, Ngân hàng No-PTNT, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển, Công ty Xăng dầu, Viễn thông Hà Giang, Bưu điện tỉnh; Đảng bộ và nhân dân xã Quang Minh (Bắc Quang); Đảng bộ và nhân dân phường Minh Khai (TXHG)... Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, tỉnh đã xem xét, giảI quyết chế độ cho 50 trường hợp tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; giải quyết mai táng phí cho 72 người có công với cách mạng từ trần; giải quyết chế độ tuất liệt sỹ cho 8 đối tượng và trợ cấp hàng tháng cho 37 người bị nhiễm chất độc hóa học với số tiền gần 700 triệu đồng; tổ chức điều chỉnh chế độ phụ cấp theo Nghị định số 38/2009 của Chính phủ cho 3.374 người có công với cách mạng. Tổ chức cho 86 đối tượng người có công với cách mạng đi thăm quan quê Bác và nghỉ điều dưỡng tại tỉnh Thanh Hóa. Trong dịp Tết Nguyên đán 2009, tỉnh ta đã chi gần 700 triệu đồng và nhân kỷ niệm 62 năm Ngày TBLS (27.7) chi 527 triệu đồng mua quà, đi thăm hỏi thương, bệnh binh tại các Trung tâm điều dưỡng và các thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh…
Với những kết quả đạt được trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần chia sẻ và làm vơi đi nỗi đau của các gia đình liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức vươn cho các gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh trong thời kỳ mới. Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là phấn đấu giúp các đối tượng có công, gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân, ngành Lao động-TBXH tỉnh nguyện đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn triển khai tốt các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước cho các thương binh, liệt sỹ, người có công đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Cùng với các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công, phấn đấu đến hết năm 2010 toàn tỉnh có 95% trở lên xã, phường đạt danh hiệu “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; 98% gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với người dân cùng xã, phường nơi cư trú. Phát triển vững chắc phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” coi đó là những nghĩa cử cao đẹp của nhân dân các dân tộc Hà Giang tri ân đối với những người một lòng hy sinh vì Tổ quốc, đồng thời là biện pháp giáo dục truyền thống tốt nhất cho thế hệ trẻ về sự cống hiến của các thế hệ cha anh đi trước cho đất nước hòa bình, ổn định và phát triển hôm nay.
Ý kiến bạn đọc