Phát huy truyền thống cách mạng ở Đảng bộ xã Hồ Thầu

16:51, 15/07/2009

HGĐT- Hồ Thầu là một xã của huyện Hoàng Su Phì, nằm trên thượng nguồn sông Chảy. Toàn xã có tổng diện tích tích tự nhiên trên 5.375 ha với dân số gần 2 nghìn người, trong đó người dân tộc Dao chiếm hơn 87%.


Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 1.7.1949, tại xã Tiên Nguyên của huyện Quang Bình ngày nay, Chi bộ Hồ Thầu được thành lập, lúc đó có 6 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên là người Hồ Thầu, 2 đảng viên là người Mông của huyện Xín Mần. Sự ra đời của chi bộ Đảng xã Hồ Thầu là hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển phong trào cách mạng của xã, một sự biến đổi lớn về chất lúc bấy giờ. Và cũng từ đây, phong trào cách mạng của xã bắt đầu có điều kiện thuận lợi để cùng cả nước nói chung và các xã trong huyện nói riêng, vững bước tiến lên trước những thử thách mới.


60 năm trước đây, Hồ Thầu có vị trí hết sức quan trọng về chiến lược đối với cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng, bởi địa bàn của xã là cửa ngõ phía Nam của huyện, là nơi nhòm ngó, xâm lấn của đế quốc, bọn thổ phỉ và các thế lực thù địch khác. Đặc biệt, thời kỳ 1945-1954, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Thầu là địa bàn chịu nhiều sự áp bức bóc lột, đàn áp dã man và cùng là nơi được thực dân Pháp đầu tư mạnh nhất về quân sự trên vùng thượng lưu sông Chảy. Tại đây, chúng cho xây dựng đồn bốt, chế độ quân sự hà khắc, lập bộ máy cai trị từ Châu đến thôn bản, bắt lính, dồn dân đặt ra nhiều hình thức để bóc lột, vơ vét tài nguyên và của cải của nhân dân; thực hiện chính sách ngu dân, đầu độc nhân dân bằng thuốc phiện, tuyên truyền chia rẽ các dân tộc, tạo ra cuộc sống hết sức khó khăn, nghèo đói, lạc hậu ở Hồ Thầu. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, cùng với truyền thống đấu tranh cách mạng, từ trong đói khổ lầm than bị áp bức đến tột cùng, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã nổ ra như: Đồng bào Nùng giết tên quan Pháp; đồng bào Tày, Mông, Dao ở các xã đồng loạt nổi dậy... Tất cả những tấm gương đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho nhân dân xã Hồ Thầu góp phần giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, sau những ngày đấu tranh ác liệt với đế quốc xâm lược, cuộc sống hoà bình của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì chưa được bao lâu, lợi dụng chính sách khoan hồng và chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước ta, một số phần tử bị thực dân Pháp xúi giục đã nổi dậy cướp chính quyền. Bắt đầu từ đây, Đảng bộ và nhân dân cùng với lực lượng vũ trang huyện Pháp và tiễu phỉ. Có thể nói, đây là cuộc chiến đấu đầy cam go, gian khổ và ác liệt nhưng cũng đầy những thắng lợi vẻ vang, trong đó có sự đóng góp, hy sinh to lớn của xã Hồ Thầu, góp phần quan trọng vào công tác tiễu phỉ. Chi bộ và nhân dân xã Hồ Thầu tiếp tục xây dựng, chăm lo củng cố các tổ chức chính trị, nhất là tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền và các đoàn thể, thực hiện tốt các chính sách thuế cho kháng chiến, thực hiện chính sách giảm tô, sản xuất thâm canh cây lúa nước, xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, ủng hộ và giúp đỡ kháng chiến, chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ hàng ngàn ngày công phục vụ cho việc mở đường, đóng góp lương thực, thực phẩm, che trở cho cán bộ, lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở để đánh địch đảm bảo an toàn bí mật… Hồ Thầu đã trở thành cái nôi của cách mạng, là điểm xuất phát của huyện Hoàng Su Phì.


60 năm qua, kể từ ngày thành lập Chi bộ đến nay, Chi bộ xã Hồ Thầu đã trải qua 18 kỳ Đại hội, thông qua các kỳ Đại hội, đã đưa ra được những Nghị quyết quan trọng, quyết định sự phát triển về KT-XH, ANQP trong xã. Ngày 24.7.1995, Chi bộ đã được cấp trên Quyết định thành lập Đảng uỷ xã Hồ Thầu. Từ một Chi bộ có 6 đảng viên, đến nay, Đảng bộ đã có 162 đảng viên, trong đó có 36 đồng chí nữ, sinh hoạt ở 11 tổ chức cơ sở Đảng. Sau 60 năm có Đảng, Bác dẫn đường, đến nay, đời sống của nhân dân trong xã đã từng bước phát triển, phong trào xoá đói giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả; số hộ khá chiếm 16,4%; hộ trung bình 43,8%; hộ nghèo 39% và toàn xã không có hộ đói; giáo dục đào tạo có sự chuyển biến rõ nét, học sinh trong độ tuổi đi học đến trường hàng năm đạt 98,5%; năm 1999, xã đã hoàn thành và đạt Chuẩn Quốc gia về phổ cập tiểu học và xoá mù chữ; kết cấu hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, nhất là các công trình trường học, trạm xá, thuỷ lợi và các cơ sở chế biến chè, ngành nghề truyền thống được duy trì phát triển… làm cho bộ mặt nông thôn ngày một phát triển, nhân dân các dân tộc trong xã ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.


Kỷ niệm 60 năm thành lập chi bộ Đảng, hơn ai hết hết, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Hồ Thầu hôm nay càng hiểu rõ hơn tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử cách mạng trong chặng đường đã qua, cùng tự hào về Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng quê hương giàu đẹp.


Hữu Thụy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bên lề Hội nghị cấp cao Không liên kết lần thứ 15
Chiều 14-7 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Ðoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Không liên kết lần thứ 15 (HNCC KLK 15) đã tới thành phố Sharm el-Sheikh.
15/07/2009
Thường trực HĐND tỉnh họp báo thông báo kết quả kỳ họp 13 - HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2004 – 2011
HGĐT- Sáng 13.7, tại phòng họp 106, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức họp báo thông báo kết quả kỳ họp 13 - HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2004-2011.
14/07/2009
Các đơn vị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
HGĐT- Sáng 9.7, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo 6 tháng đầu năm và bổ sung nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.
13/07/2009
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất làm việc tại 4 huyện vùng cao
HGĐT- Từ ngày 10 đến 12.7, đồng chí Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã có chuyến công tác, làm việc tại các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
13/07/2009