Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2004 - 2011 thành công tốt đẹp

09:03, 09/07/2009

 
 Các đại biểu, biểu quyết thông qua các Nghị quyết HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 13. Ảnh: Hữu Thụy
HGĐT- Như tin đã đưa, kỳ họp 13 - HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2004-2011 diễn ra trong các ngày 6, 7, 8.7.2009, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Bình.


Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành đúng chương trình, nội dung đề ra; thông qua 7 Nghị quyết quan trọng về phát triển KT-XH.


Trong ngày làm việc thứ 2 (7.7), dưới sự điều khiển của Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành công tác tổ chức cán bộ; thông qua đơn xin thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2004-2011 của đồng chí Vương Mí Vàng; thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về việc miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với đồng chí Vương Mí Vàng; tiến hành thảo luận, biểu quyếtnhất trí thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với đồng chí Vương Mí Vàng kể từ ngày 7/7/2009 do thuyên chuyển công tác giữ chức vụ mới là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; xem xét, thông qua với số phiếu tín nhiệm cao các Nghị quyết về bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2004-2011. Theo Tờ trình giới thiệu đề cử của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô, các đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2004-2011. Theo kết quả bỏ phiếu, đồng chí Đàm Văn Bông, ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh khóa XV, đã trúng cửchức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2004-2011, kể từ ngày 7/7/2009, với tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%. Kỳ họp cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu cử chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2004-2011; thông qua đơn xin thôi giữ chức danh Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2004-2011 của đồng chí Đàm Văn Bông. Thông qua Tờ trình của HĐND tỉnh về việc miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2004-2011 đối với đồng chí Đàm Văn Bông; tiến hành thảo luận, biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh khoá XV đối với đồng chí Đàm Văn Bông kể từ ngày 7/7/2009 do thuyên chuyển nhận công tác mới là Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Tiếp đó, các đại biểu nghe Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân thông qua và biểu quyết nhất trí đối với Tờ trình đề nghị bầu bổ sung chức danh Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2004-2011. Theo Tờ trình giới thiệu đề cử của Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân, các đại biểu bỏ phiếu bầu chức danh Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2004-2011. Theo kết quả bỏ phiếu, đồng chí Hoàng Trung Luyến, ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh, trúng cử chức danh Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2004-2011, kể từ ngày 7/7/2009, với tỷ lệ phiếu bầu đạt 100%. Kỳ họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu cử chức danh Trưởng ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2004- 2011.


Các đồng chí: Vương Mí Vàng, Đàm Văn Bông phát biểu chân thành cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng cử tri toàn tỉnh trong những năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi để các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên cương vị công tác mới, các đồng chí hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, đoàn kết, đóng góp công sức, trí tuệ cùng BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh lãnh đạo tỉnh nhà ngày càng phát triển.


Thay mặt các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô và Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân đã tặng hoa chúc mừng các đồng chí: Vương Mí Vàng, Đàm Văn Bông và Hoàng Trung Luyến.


Kỳ họp đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tại hội trường về các Báo cáo, Tờ trình của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các ngành chức năng; nghe Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô làm rõ thêm một số nội dung lớn trong quá trình điều hành phát triển KT-XH của tỉnh; nghe lãnh đạo các Sở: Tài chính-Vật giá, Kế hoạch-Đầu tư, Nông nghiệp-PTNT, GD-ĐT trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và giải trình thêm trước kỳ họp về một số vấn đề các đại biểu quan tâm trước khi biểu quyết thông qua các Nghị quyết của kỳ họp.


Nhận xét về phần giải trình của UBND tỉnh và các ngành chức năng, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của các đại biểu trong quá trình đặt câu hỏi cũng như chất lượng trả lời chất vấn của UBND tỉnh và các ngành chức năng. Các ý kiến giải trình của UBND tỉnh và các ngành bảo đảm nội dung, đi thẳng vào vấn đề, thể hiện được vai trò, trách nhiệm trước các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm.


Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận, thống nhất cao và thông qua 7 Nghị quyết, đó là: Nghị quyết về việc phê chuẩn quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang đến năm 2020. Nghị quyết về việc ban hành quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích phát triển kinh tế. Nghị quyết về việc ban hành quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu sản xuất xi - măng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2009-2015 có xét đến năm 2020. Nghị quyết về việc thu lệ phí cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Hà Giang; lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực, lệ phí đăng ký cư trú, lệ phí hộ tịch, lệ phí chứng minh thư nhân dân. Nghị quyết về việc phê duyệt kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp, biên chế cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã năm 2010. Nghị quyết về bãi bỏ 3 Nghị quyết: Nghị quyết số 12/2006/HĐND ngày 10.7.2006 về quy định hạn mức đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 24/2007/NQ-HĐND ngày 12.12.2007 về việc ban hành quy định mức chi cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 15/2006/NQ-HĐND ngày 10.7.2006 về việc phê chuẩn quy định tuyển sinh vào các trường phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang và bãi bỏ một phần Nghị quyết số 07/2007/NQ-HĐND ngày 12.7.2007 về quy định mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, trưởng trạm thú y xã và thú y viên thôn, bản. Nghị quyết về việc sửa đổi Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND ngày 10.7.2006 về việc điều chỉnh quy định chế độ trợ cấp đối với học sinh nội trú dân nuôi và chính sách đối với cán bộ, giáo viên làm công tác quản lý trực tiếp đối tượng học sinh nội trú dân nuôi.


Các Nghị quyết được thông qua thể hiện tinh thần trách nhiệm của các ngành tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị các Báo cáo, Tờ trình ngắn gọn, chất lượng hơn. Các Ban HĐND tỉnh qua hoạt động giám sát đã thể hiện tính phản biện cao hơn trong các Báo cáo thẩm tra tại kỳ họp. Do vậy, việc thảo luận tại tổ và phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh đều biểu quyết thống nhất cao với nội dung các Nghị quyết. Các Nghị quyết được ban hành đảm bảo đúng quy trình, thủ tục ban hành quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh. Kỳ họp đã dành thời gian thích đáng cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm nhiều vấn đề lớn, quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.


Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, đổi mới theo hướng chuẩn bị kỹ nội dung bằng văn bản, để đại biểu tự nghiên cứu, giảm báo cáo trực tiếp tại hội trường, tăng cường thảo luận, chất vấn, kỳ họp 13 - HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2004-2011 đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.


Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân đã phát biểu bế mạc kỳ họp.


 
 Các đại biểu dự kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa XV ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt đêm 3, ngày 4.7 vừa qua. Ảnh: Nhất Linh 

* Nhận được tin từ ngày 3.7 đến nay, mưa to kéo dài gây lũ lụt ở nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang, làm thiệt hại nặng về người và tài sản. Tính đến thời điểm ngày 6.7, tỉnh ta đã có 7 người chết và mất tích, thiệt hại lớn về hoa màu và tài sản, các công trình phúc lợi ước tính trên 16 tỷ đồng. Tại kỳ họp, Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh Bàn Đức Vinh đã đọc Điện thăm hỏi của ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội gửi các gia đình có người bị nạn, thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua của tỉnh Hà Giang. ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội gửi tiền hỗ trợ tỉnh ta 100 triệu đồng, Bộ Công an gửi hỗ trợ 100 triệu đồng, ủy ban MTTQ Việt Nam gửi hỗ trợ 21 triệu đồng.


Nhân dịp này, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân kêu gọi các cấp, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh hãy phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, quyên góp ủng hộ các gia đình bị nạn và thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Ngay tại kỳ họp, đã có 111 đại biểu ủng hộ 13.080.000 đồng.
 


Ý kiến giải trình của các ngành tại kỳ họp


* Phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng
GDP 13,5% năm 2009


 
 (Trần Văn Hòa, Giám đốc Sở KH-ĐT)
...Căn cứ để các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng 13,5% của năm 2009 là do trong 6 tháng cuối năm xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là trong sản xuất nông nghiệp không có thiên tai nặng gây hậu quả nghiêm trọng, không có dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi như cùng kỳ năm trước. Năm ngoái, thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng đầu năm là 110 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm nay, mới chỉ là 9,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với tỉnh ta không lớn, không nghiêm trọng do quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ bé. Mặt khác, tỉnh ta cũng được thụ hưởng nhiều chương trình đầu tư kích cầu, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ với nguồn vốn hỗ trợ lớn, lên tới 1.469 tỷ đồng nên vẫn duy trì được nguồn lực chi cho đầu tư phát triển cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Việc tăng lương cơ bản lên 650.000đ/tháng từ tháng 5 cũng được đánh giá là đã góp phần làm tăng sức mua trên thị trường cũng như đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ. Với những yếu tố thuận lợi đó, cộng với sự tập trung chỉ đạo của tỉnh và sự cố gắng của các cấp, các ngành nên tốc độ tăng trưởng của tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm nay đạt 9,17%, còn cùng kỳ năm trước chỉ đạt 8,6%. Như vậy trong 6 tháng cuối năm, chỉ cần tỉnh ta đảm bảo tốc độ tăng trưởng 4,33% là đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 13,5%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành KH- ĐT đề xuất nhóm các giải pháp:Đó là cần chú trọng tập trung chỉ đạo tốt sản xuất vụ mùa, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp tăng 5,48%, trong khi đó 6 tháng đầu năm 2008, nông, lâm nghiệp chỉ tăng được 3,6%. Nếu chúng ta tập trung chỉ đạo tốt vụ mùa, đặc biệt là chỉ đạo thâm canh và thực hiện các chỉ tiêu hiện nay đạt thấp như trồng rừng, trồng mới chè, cây ăn quả... thì chắc chắn tăng trưởng trong nông, lâm nghiệp sẽ vượt kế hoạch (kế hoạch tăng 5%). Công nghiệp - xây dựng tăng 6,5% (6 tháng đầu năm 2008, công nghiệp-xây dựng tăng 9,42%). Trong khi lĩnh vực công nghiệp giảm, chỉ bằng 83% so với cùng kỳ năm trước thì ở lĩnh vực xây dựng lại đạt được tốc độ tăng trưởng rất khá, bằng 141,4% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thị trường, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên sản lượng một số sản phẩm công nghiệp giảm, nhưng cũng nhiều cơ sở công nghiệp đã tổ chức lại sản xuất, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá như báo cáo của UBND tỉnh đã đề cập. Để lĩnh vực công nghiệp-xây dựng đạt được tốc độ tăng trưởng 18,5% như nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, cần tập trung vào một số công việc trọng tâm như tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm; giữ vững chất lượng, thương hiệu sản phẩm; chủ động cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu của Chính phủ. Đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm không bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, giấy, nông, lâm sản và đặc biệt là tổ chức thực hiện tốt các nguồn vốn đầu tư phát triển để bù đắp phần bị ảnh hưởng do suy giảm kinh tế đối với sản xuất công nghiệp. Vì thế trong xây dựng và công nghiệp cần chuyển hướng sang tập trung vào những sản phẩm vẫn có thị trường tốt thì hoàn toàn có thể duy trì được chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng theo hướng lấy xây dựng bù cho công nghiệp. Các ngành dịch vụ tăng 12,64% (6 tháng đầu năm 2008 các ngành dịch vụ chỉ tăng 11,9% và cả năm tăng 17,91%). Như vậy, khả năng tăng trưởng 18% của nhóm ngành dịch vụ trong năm 2009 là có tính khả thi.


Qua phân tích về những thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là tác động của mức lương cơ bản mới, tác động của vốn đầu tư phát triển Trung ương đã hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm, sẽ bổ sung thêm trong 6 tháng cuối năm và dự báo về tăng trưởng của từng nhóm ngành. Nếu chúng ta tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, động viên và tổ chức cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp được đề cập trong báo cáo của UBND tỉnh và ý kiến tham gia của các vị đại biểu HĐND tỉnh, chắc chắn mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,5% là có thể đạt được trong năm 2009.

                                                                         Đức Quý (Lược ghi)

 

* Những khó khăn trong công tác giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho y tế

 
 (Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Sở Tài chính)
Trong giai đoạn 2008-2010, Trung ương đã phê duyệt cho tỉnh ta từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho y tế với tổng mức vốn đầu tư 153,4 tỷ đồng. Và đến tháng 10.2008, Bộ Tài chính thông báo danh mục các công trình được bố trí vốn là 30 tỷ đồng cho 4 bệnh viện với 16 hạng mục công trình. Tính đến hết tháng 5.2009, đã giải ngân đạt 36%. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã tiếp tục giao nguồn vốn 30 tỷ đồng cho 7 bệnh viện gồm 7 hạng mục công trình, trong đó có 3 tỷ đồng cho một hạng mục chuyển tiếp, còn lại là khởi công mới. Tuy nhiên đến nay, các chủ đầu tư mới đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục hồ sơ đầu tư XDCB chưa tiến hành giải ngân, đồng thời đối với Dự án đầu tư nâng cấp các bệnh viện còn gặp một số khó khăn như: Vừa bàn giao mặt bằng để thực hiện nâng cấp vừa phải tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh; Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo và khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo hình thức thực thanh, thực chi nên không sử dụng hết phải chuyển nguồn sang năm sau với số tiền 8,9 tỷ đồng…


Trước những thuận lợi và khó khăn đã được đánh giá tại kỳ họp, UBND tỉnh và Sở Tài chính đã và đang có những giải pháp thiết thực để khắc phục, nhằm hoàn thành và đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho y tế, kịp thời đưa các công trình vào phục vụ nhân dân.

                                                                             HT (Lược ghi)

 

* Thực trạng về số lượng giáo viên thừa và thiếu trong toàn ngành giáo dục hiện nay, các giải pháp khắc phục

 

 
 (Lương Văn Sòng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo)
Kể từ năm học 2008-2009, Sở Giáo dục - ĐT đã thực hiện 3 Thông tư hướng dẫn của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục Mầm non, công lập và định mức giáo viên các trường chuyên biệt. Do đó, định mức giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT tăng lên, không còn tình trạng thừa giáo viên như trước đây.


Tuy nhiên, ở một số huyện vẫn còn tình trạng bất hợp lý về cơ cấu bộ môn, có bộ môn thừa, có bộ môn thiếu nhưng số lượng không đáng kể. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay tỉnh đã phân cấp công tác tuyển dụng cho các huyện, thị. Trên cơ sở phân cấp, các huyện, thị sẽ tự cân đối trong công tác tuyển dụng, thuyên chuyển, điều động để khắc phục tình trạng mất cân đối giáo viên.


Bước vào năm học 2009-2010, toàn tỉnh còn thiếu 620 biên chế giáo viên ở các bậc học, trong đó: Giáo viên Mầm non thiếu 311, nguyên nhân thiếu do tăng 257 nhóm trẻ với tổng số 3.135 trẻ và 289 lớp mẫu giáo với 5.264 học sinh; giáo viên Tiểu học thiếu 136 do tăng 104 lớp với 3.249 học sinh; giáo viên THCS thiếu 93 biên chế do tăng 107 lớp với 4.445 học sinh; giáo viên THPT thiếu 80 do tăng 51 lớp với 2.665 học sinh. Để khắc phục tình trạng giáo viên thiếu, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, duyệt kế hoạch với các huyện, thị về biên chế sự nghiệp giáo dục và trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 13. Sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh giao biên chế, các huyện, thị và Sở Giáo dục-Đào tạo sẽ tổ chức tuyển dụng giáo viên theo quy định, kịp thời giảng dạy cho năm học 2009-2010 và những năm tiếp theo.

                                                                    Nhất Linh (Lược ghi)

 

* Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2009 và kế hoạch cấp phát 564 tấn gạo (đợt 1)

 
 (Nguyễn Văn Mão, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT)
Năm 2009, tỉnh giao cho các huyện, thị trồng mới 17.000 ha, trong đó: Rừng phòng hộ, đặc dụng 2.000 ha; trồng rừng sản xuất 15.000 ha. Tính đến 30.6, toàn tỉnh đã thực hiện trồng mới được 5.731ha/17.000 ha (trong đó: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 695 ha; rừng sản xuất 5.036 ha), đạt 33,71% kế hoạch giao.


Nguyên nhân đạt thấp là do những tháng đầu năm khô hạn kéo dài, tại thời điểm trồng rừng tháng 5,6 xảy ra mưa nhiều, gây khó khăn cho việc vận chuyển cây giống và tổ chức trồng rừng; việc xây dựng kế hoạch của nhiều BQLDA cơ sở chưa sát với thực tế, dẫn đến một số nơi không đủ đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng theo kế hoạch; việc lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, xây dựng dự toán chi phí quản lý dự án của một số BQL cơ sở còn chậm, dẫn đến nhận vốn muộn, ảnh hưởng đến tiến độ khảo sát lập hồ sơ trồng rừng…


Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2009, đến nay các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gieo ươm sản xuất được 34.500.000 cây, con giống các loại, đủ để phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2009, đồng thời Sở Nông nghiệp-PTNT và các BQLDA cơ sở đang tích cực thực hiện các giải pháp đã đề ra.


Đối với thực hiện kế hoạch cấp phát 564 tấn gạo đợt 1.2009 cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng: Tính đến 15.5, BQLDA bảo vệ và phát triển rừng các huyện, thị đã hoàn thành kế hoạch cấp phát 564 tấn gạo đợt I, đến tận các hộ, nhóm hộ nhận khoán, đạt 100% kế hoạch. Trong đó huyện Đồng Văn 118,125 tấn, Mèo Vạc 130,92 tấn; Yên Minh 157,778 tấn; Quản Bạ 157,167 tấn.

                                                                       Thuỷ Linh (Lược ghi) 


Minh Tâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa X
Hôm qua, 29-6, tại Hà Nội, đã khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X. Hội nghị sẽ xem xét một số vấn đề cơ bản để chuẩn bị cho Ðại hội lần thứ XI của Ðảng: Ðề cương chi tiết Báo cáo bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991). Ðề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện chiến
30/06/2009
Hội nghị giao ban trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm"
HGĐT - Sáng 27.6, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Hội nghị có chủ đề: Bảo hiểm y tế, chất lượng và sự hài lòng của người bệnh. Cùng với phía đầu cầu Hà Nội, có 62 tỉnh thành, trong đó có tỉnh Hà Giang cùng tham dự Hội nghị giao ban trực tuyến này.
29/06/2009
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại thị xã Hà Giang
HGĐT - Ngày 20.6, đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với tập thể Ban lãnh đạo thị xã Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm và nắm giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2009. Dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở ngành của tỉnh, Ban chỉ đạo nâng cấp thị xã Hà
29/06/2009
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tại các huyện
HGĐT - Ngày 23.6, đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở: KH-ĐT, Tài chính, GT-VT, Văn phòng UBND tỉnh, đã đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tại huyện Vị Xuyên.
26/06/2009