Triển khai nhiệm vụ phụ trách các xã khó khăn của huyện Mèo Vạc
HGĐT- Ngày 6.5, huyện Mèo Vạc tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phụ trách xã khó khăn.
Đồng chí Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị; tham dự có các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp được phân công phụ trách các xã khó khăn của huyện Mèo Vạc; lãnh đạo huyện và các ngành, đoàn thể, các tổ phụ trách các xã khó khăn, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện.
Là 1 trong số 61 huyện nghèo của cả nước, đối với Hà Giang, Mèo Vạc cũng được xem là huyện khó khăn nhất nhì của tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có 5.347/12.092 hộ nghèo, chiếm 44,21%, toàn huyện còn 750 hộ nhà tạm. Bình quân lương thực đầu người mới chỉ đạt ở mức 356kg/người/năm. Nông - lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng 43,5%, công nghiệp – xây dựng chiếm 23,74%, thương mại- dịch vụ chiếm 32,76%. Sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, đã từng bước tạo ra những bước tiến đáng kể, tuy nhiên để thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững thì ngoài nội lực của huyện rất cần có sự giúp sức từ các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vì thế, Hội nghị lần này là dịp để huyện Mèo Vạc, các xã cùng với các đơn vị được phân công phụ trách bàn bạc và đồng thời từng bước có sự phối hợp thống nhất để đưa ra các biện pháp giúp đỡ thiết thực.
Tại hội nghị, huyện Mèo Vạc đã đưa ra các mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2010, tăng trưởng kinh tế đạt 21,95%; điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông – lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 28,92%; xóa xong nhà tạm thuộc Chương trình 134… Huyện đã đưa ra những khó khăn cần tháo gỡ hiện nay là: Việc nghiên cứu, đưa các giống mới phù hợp, có giá trị kinh tế cao, các mô hình hay vào các địa bàn còn ít, chưa tạo ra được nguồn thu nhập có tính đột phá; kinh tế hợp tác xã còn bộc lộ nhiều yếu kém về năng lực hoạt động cũng như chất lượng sản phẩm làm ra; số hộ nghèo còn ở mức cao; các tuyến đường đi các xã biên giới đã được quan tâm đầu tư nhưng tiến độ còn chậm, còn 6 xã chưa có đường nhựa đến trung tâm; vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ được dùng điện lưới còn rất thấp với 42%; giáo dục, y tế, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nhiều cán bộ có trình độ, năng lực ở một số lĩnh vực trọng yếu…
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm cho rằng, các cơ quan, doanh nghiệp được phân công phụ trách xã khó khăn cần phải đổi mới và linh hoạt trong việc tìm ra các biện pháp giúp đỡ các xã, tìm ra trọng tâm, trọng điểm để giúp đỡ. Xây dựng và công bố kế hoạch giúp đỡ và cần phải tập trung vào các hộ nghèo… Đối với các xã, cấp ủy, chính quyền phải chủ trì và phối hợp với các đơn vị phụ trách để cùng thống nhất các biện pháp giúp đỡ, phải chủ động rà soát lại tình hình các mặt của địa phương để có biện pháp triển khai có hiệu quả. Huyện cần thành lập ban chỉ đạo ở 2 cấp huyện và xã để có thể chỉ đạo mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Trong thời gian tới, huyện cũng như các đơn vị được phân công phụ trách cần tranh thủ kêu gọi sự đầu tư, giúp đỡ từ trong và ngoài tỉnh cho huyện Mèo Vạc. Tập trung đẩy mạnh công tác xóa nhà tạm để hoàn thành sớm hơn so với mục tiêu này; chú trọng, quan tâm hơn đến công tác giáo dục, nâng cao dân trí, hoàn thiện xây dựng hệ thống lớp học nội trú dân nuôi; cần xác định những công trình có thể phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo để ưu tiên đầu tư xây dựng trước; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và củng cố hệ thống chính trị.
Ý kiến bạn đọc