Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách phù hợp cho vùng đặc biệt khó khăn, biên giới (*)

18:36, 27/05/2009

Trong phiên họp buổi chiều ngày 26.5 của QH, ông Thào Hồng Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh đã có ý kiến thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT – XH và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch KT – XH và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.Nội dung như sau:


Kính thưa Quốc hội,

Trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào suy thoái đã ảnh hưởng trực tiếp vào nền kinh tế nước ta. Dẫu sao Chính phủ đã chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây có lẽ là kinh tế của Việt Nam “trong cái khó ló cái được”, bởi tăng trưởng trong quý I năm 2009 đạt 3,1%, trong khi đó một số nước đang tăng trưởng âm.


Tôi đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và 2 bản Báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế và ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Tuy nhiên, công tác đánh giá và dự báo phân tích số liệu đến thời điểm trình Quốc hội vẫn còn chênh lệch, thiếu nhất quán, đề nghị Chính phủ cần làm rõ, phân tích thêm thể hiện trong Báo cáo bổ sung năm 2008 của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP là 6,2% còn Báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ đạt 6,18% hay kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mấy tháng đầu năm 2009, theo Báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế của Quốc hội ước là 19%, trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 8%. Trong khi đó Báo cáo của Chính phủ giải ngân vốn Nhà nước đạt 30%, trái phiếu Chính phủ đạt trên 46%, không hiểu con số nào là con số thực chất để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội bấm nút. Việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2006 mà quyết toán năm 2007 chưa nghiêm, nhất là đối với các bộ, ngành ở Trung ương, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý đối với địa phương 1.585,6 tỷ đồng đã thực hiện được 1.476,3 tỷ đồng, đạt 93,1%. Nhưng đối với các bộ, ngành Trung ương, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý là 1116,8 tỷ đồng đã thực hiện được 609,1 tỷ đồng, đạt 54,5%.


Kính thưa Quốc hội, là đại biểu ở cơ sở, chúng tôi được chứng kiến rất rõ nét tác dụng tích cực của các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành và thực hiện trong thời gian qua, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các thành phần kinh tế thực sự đã và đang được thụ hưởng những lợi ích từ các chính sách này. Vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, bội chi ngân sách tối đa là 8%, phát hành bổ sung 20 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ là cần thiết.


Tuy nhiên, để các chủ trương, chính sách ban hành phát huy hiệu quả cao nhất, tôi xin đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm tập trung tháo gỡ một số vấn đề mà lâu nay coi là tắc nghẽn như thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính, tồn vốn do không giải ngân được hoặc chậm tiến độ thi công các công trình, sớm cụ thể hóa Chương trình kích thích kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho 61 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản được thông qua tại kì họp này. Ví dụ chương trình kiên cố hóa kênh mương, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tại Văn bản 2094 ngày 14/03/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc quyết định danh mục đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm tại Văn bản 11936 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 31/12/2008 yêu cầu các địa phương phải thực hiện đúng danh mục đã báo cáo với Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối năm 2007. Nhưng từ khi các địa phương đăng kí đến thực hiện là khoảng thời gian dài, trên thực tế đã có nhiều thay đổi do tách đơn vị hành chính, tách trường, tách lớp, do chuyển dịch dân cư v v... Do vậy sẽ có sự thay đổi địa điểm xây dựng, các công trình cho phù hợp. Đặc biệt là vùng núi hay có sự thay đổi về địa chất bởi vậy Chính phủ, các Bộ cũng phải có cơ chế mở để các địa phương chủ động quyết định danh mục đầu tư sao cho việc đầu tư có hiệu quả đúng mục tiêu ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, và ngành trồng trọt phát triển.


Đồng thời, do biến động về giá cộng với khó khăn trong việc đóng góp của nhân dân, đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ đầu tư tập trung 100% vốn để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình. Theo đó để đạt được các mục tiêu 100% xã có đường ô tô đi lại thuận lợi 4 mùa, đề nghị Chính phủ sớm quan tâm bố trí bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 cấp cho các dự án do thiếu vốn so với khối lượng thực hiện cho các tỉnh khó khăn nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng. Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động theo từng vùng, miền tỷ lệ suy giảm kinh tế, trên cơ sở đó có chính sách phù hợp đầu tư vốn có hiệu quả, “bốc thuốc để đúng bệnh”, kiên quyết điều chuyển vốn do không giải ngân được của các dự án sang cho các dự án có hiệu quả thiếu vốn và giải ngân tốt. Tránh kích cầu đổ đồng dàn trải, kém hiệu quả, nơi thì bội chi, nơi thì không có vốn mà chi.


Kính thưa Quốc hội, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ em bị thấp, còi, tỷ lệ này ở Việt Nam tương đối cao trên 4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thì có tới 2,6 triệu em suy dinh dưỡng thể thấp, còi. Khoa học khẳng định chiều cao của con người không phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố di truyền, trong đó dinh dưỡng mang tính quyết định hơn cả, người châu Âu sở dĩ có thân hình cao lớn khỏe mạnh đa phần là nhờ uống sữa, ở châu á, Nhật Bản và Hàn Quốc khi có chính sách dinh dưỡng hợp lý chiều cao của người dân đã tăng lên hàng chục cm trong vài năm qua. Cách đây 22 năm, người Việt Nam cao hơn người Nhật là 2cm, giờ đây người Nhật đã cao hơn người Việt là 10cm và thấp hơn so với chuẩn thế giớ là 5cm, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong lĩnh vực phát triển về con người, thành công về suy giảm dinh dưỡng cho trẻ em. Tuy nhiên Việt Nam vẫn thuộc về các nước có chỉ báo về dân số thấp, đáng quan tâm hơn hết là suy dinh dưỡng thể thấp, còi là chỉ số đáng lưu ý bởi suy dinh dưỡng thấp, còi là một dạng dinh dưỡng mãn tính để lại hậu quả lâu dài về thể chất khi trưởng thành, ảnh hưởng đến tương lai và chất lượng nòi giống của dân tộc Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, cứ 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp, còi có thể gây tổn hại cho nền kinh tế ước tính là 20 triệu USD mỗi năm, như vậy 32,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi tại các vùng trong cả nước thì tương ứng khoảng 652 triệu USD. Bởi lẽ dinh dưỡng thiếu hụt bắt đầu từ an ninh lương thực nghèo đói và những vấn đề dinh dưỡng khẩn cấp khi mang thai vẫn đe dọa suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em nhiều vùng nông thôn, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong khi đó ở các đô thị lớn trẻ em lại có nguy cơ béo phì chế độ dinh dưỡng không hợp lý.


Kính thưa Quốc hội, không khỏi ngạc nhiên trẻ em ở những vùng khó khăn khi bước vào học lớp 1 nhỏ bé như 3 đến 4 tuổi ở vùng đô thị. Hàng năm chọn tuyển nghĩa vụ quân sự là rất khó khăn, không đủ hạng do thấp bé nhẹ cân, ngực lép, “con hơn cha nhà có phúc” trái lại những vùng này con lại thấp hơn cha, nhỏ bé hơn cha. Chẳng phải là đội tuyển bóng đá nước ta cũng thấp bé hơn các đội bóng trong khu vực, đây là chỉ số có nguy cơ giảm ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống của từng vùng, miền trong cả nước, đây là chiến lược con người mang tính dài hơi cần được quan tâm. Với căn nguyên trên tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm có chính sách phù hợp đặc thù cho chương trình mục tiêu suy dinh dưỡng nói chung, suy dinh dưỡng thấp, còi nói riêng cho các vùng, miền biên giới, đặc biệt là 61 huyện nghèo nhất nước, đưa vào Nghị quyết hàng năm của Quốc hội, nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ cho nhân dân, có như vậy mới sớm đưa chỉ số chất lượng nòi giống Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.


(*) Đầu đề do Báo Hà Giang đặt.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ủy ban Dân tộc gặp mặt Đoàn Già làng, Trưởng bản tỉnh ta
HGĐT- Như tin đã đưa, ngay sau khi Tỉnh ủy - HĐND - UBND - ủy ban MTTQ tỉnh gặp mặt thân mật đoàn tại Hội trường UBND tỉnh, trong các ngày từ 18 - 23.5, đoàn già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc của tỉnh ta đã về thăm Thủ đô Hà Nội.
26/05/2009
Tổng kết công tác đào tạo tiếng Trung Quốc cho cán bộ, công chức tỉnh, khóa 1
HGĐT- Sáng 25.5, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị báo cáo tổng kết công tác đào tạo tiếng Trung Quốc cho cán bộ, công chức tỉnh Hà Giang (khoá 1) tại trường Cao đẳng Sư phạm châu Văn Sơn, Trung Quốc.
26/05/2009
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ; sơ kết Chỉ thị 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
HGĐT- Ngày 22.5, tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, với sự tham dự của trên 200 đại biểu, Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; gắn với sơ kết Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh
25/05/2009
Nâng cao sức mạnh của Đảng ở Đảng bộ huyện Đồng Văn
HGĐT- Xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm - vấn đề đó luôn được Đảng bộ huyện Đồng Văn xác định rõ. Để tăng cường sức mạnh của Đảng, thời gian qua, huyện Đồng Văn luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phát triển Đảng, xây dựng các chuyên đề cho đoàn viên, thanh niên, khơi dậy các phong trào thi đua rộng khắp trong quần chúng nhân dân, tìm và bồi dưỡng
25/05/2009