Bắc Quang: Hiện thực hóa “ý Đảng - Lòng dân” trong phong trào trồng rừng kinh tế
HGĐT- Từ phong trào trồng rừng kinh tế, sau 4 năm bà con nông dân huyện Bắc Quang đã trồng được 16.128,2 ha rừng kinh tế, trong đó đã chuyển đổi được 5.240,66 ha rừng nghèo kiệt lâm sản sang trồng rừng kinh tế, nâng độ che phủ rừng của huyện từ 52 lên 65%, đặc biệt từ phong trào tư duy sản xuất hàng hóa của người dân được khẳng định rõ nét.
Phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Ấu Đình Chiến, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết xuất xứ của Chương trình cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt lâm sản sang trồng rừng kinh tế của huyện Bắc Quang ?
Đồng chí Ấu Đình Chiến, Chủ tịch UBND huyện: Vào cuối năm 2004, trước kết quả thành công từ việc sau nhiều năm vận động quần chúng nhân dân trong huyện tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước chuyển đột phá về cơ cấu giống lúa của huyện từ lúa thuần sang lúa lai năng suất cao rồi đến lúa giống mới chất lượng cao, huyện Bắc Quang lúc này đã đảm bảo sự chủ động về an ninh lương thực. Là huyện vùng thấp của tỉnh, Bắc Quang có điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi, đất đai phù hợp với việc trồng và phát triển vốn rừng. Qua khảo sát, vào thời điểm này toàn huyện có 69.238 ha diện tích đất lâm nghiệp, chiếm 63,1 % diện tích đất tự nhiên toàn huyện, trong đó có tới 16.500 ha đất nghèo kiệt lâm sản cần chuyển đổi sang trồng rừng kinh tế. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên - xã hội của huyện, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 16-NQ/HU ngày 13.10.2004 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập từ phát triển kinh tế hộ. Trong đó chương trình chuyển đổi rừng nghèo kiệt lâm sản sang trồng rừng kinh tế là trồng lại các khu rừng nghèo kiệt, có năng suất, chất lượng thấp để thay thế bằng rừng có năng suất, chất lượng đạt hiệu quả kinh tế và phòng hộ, tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu ổn định lâu dài, nâng cao thu nhập cho nhân dân và cải tạo môi trường. Chủ trương được ban hành, sát hợp với thực tiễn và phù hợp với lòng dân nên đã được đông đảo người dân trong huyện đón nhận và nhanh chóng hiện thực hóa, đưa Nghị quyết 16-NQ/HU vào cuộc sống.
Phóng viên: Cụ thể là huyện Bắc Quang đã làm được những gì từ chương trình chuyển đổi, cải tạo vốn rừng?
Đồng chí Ấu Đình Chiến: Mang đậm hơi thở cuộc sống nên Nghị quyết 16-NQ/HU đã nhanh chóng vào thực tiễn đời sống người dân trong huyện, sức lan toả và sự cuốn hút của Nghị quyết đối với thực tiễn lao động và sản xuất của bà con nông dân ngày một tăng. Sau 4 năm từ 2005 đến 2008, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã trồng được 16.128,2 ha rừng kinh tế, trong đó đã chuyển đổi được 5.240,66 ha rừng nghèo kiệt lâm sản sang thành rừng kinh tế. Cụ thể, năm 2005 toàn huyện trồng được 1.100 ha rừngbao gồm cả 200 ha rừng nghèo lâm sản sang trồng luồng; năm 2006 nhờ có sự chủ động và sát cơ sở của phòng chức năng, triển khai thực hiện công tác rà soát và tiếp tục chuyển đổi 1.230,47 ha rừng nghèo lâm sản sang trồng luồng Thanh Hóa ngay từ đầu năm, người dân có sự chủ động nên đã trồng được 3.541 ha rừng kinh tế; đặc biệt sau 3 năm triển khai, nhận thức rõ hiệu quả từ việc đầu tư phát triển rừng kinh tế nên đến năm 2008, bà con nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang đã trồng được 6.000 ha rừng, là huyện liên tục dẫn đầu phong trào trồng rừng kinh tế so với các huyện bạn trong tỉnh những năm vừa qua.
Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác “xã hội hóa” phong trào trồng rừng trên địa bàn huyện ?
Đồng chí ấu Đình Chiến: Huyện Bắc Quang chúng tôi có rất nhiều cái được từ phong trào trồng rừng kinh tế: Như hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về môi trường, nhưng theo tôi cái cái được lớn nhất nằm trong hiệu quả xã hội, là nhận thức của người dân trong huyện được nâng lên; tư duy sản xuất của nhiều người dân trong huyện nhờ đó cũng đã bắt nhịp và phần nào đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Từ đó tạo ra phong trào phát triển kinh tế - xã hội, có tác dụng lan toả, làm thay đổi cơ bản tập quán từ sản xuất thuần tuý sang sản xuất hàng hóa và đó cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên phong trào đông đảo người dân trong huyện tham gia trồng rừng kinh tế.
Phóng viên: Nếu đứng ở góc nhìn của một “Nhà nông” để nói sự phát triển, đồng chí sẽ phát biểu thế nào?
Đồng chí ấu Đình Chiến: Dưới góc nhìn của một nhà nông, theo tôi có mấy mốc đánh giá sự phát triển, đó là sự chuyển đổi nhận thức của người dân trong việc thay đổi giống lúa thuần bằng các loại giống lúa lai năng suất cao, hiệu quả là người dân trong huyện đã giải quyết tốt vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Thành công từ mô hình ứng dụng đại trà giống lúa lai sản xuất giống lúa lai, tư duy người dân phát triển một bước tiếp theo là tập trung sản xuất các giống lúa có năng suất hoặc chất lượng cao, tạo bướcđột phá trong tư duy sản xuất hàng hóa. Khi Nghị quyết về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập từ phát triển kinh tế hộ được ban hành, “ý Đảng hợp với lòng dân”, tư duy của bà con nông dân trong huyện phát triển thêm một bước, đó là đầu tư trồng rừng kinh tế và tin chắc rằng khi những rừng cao su thử nghiệm trên địa bàn huyện phát triển xanh tuơi, thì tư duy của người dân trong huyện sẽ có một mốc đánh giá mới.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc