Vinh quang Việt Nam: Tôn vinh những con người bình dị
08:38, 27/04/2009
Nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và hội nhập, tối 26-4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị Việt Xô đã diễn ra chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ VII.
Các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã cùng tham dự chương trình dưới hình thức trò chuyện, giao lưu, xen lẫn là các phóng sự, các màn biểu diễn ca nhạc.
Những tấm gương bình dị mà cao quý
Trong chương trình giao lưu, khán giả đã được nghe những câu chuyện cảm động từ những con người - những tấm gương hết sức bình dị, nhưng lại có những hành động cao quý. Không cầu lợi, không màng danh, họ cứ lặng lẽ làm những công việc góp cho đời, giúp người.
Ông Trần Mạnh Cường đã bỏ ra hơn 30 năm trồng rừng để rồi tặng lại cho xã hội chỉ với mong muốn cho mọi người có thêm điểm du lịch, làm đẹp thêm cho quê hương Nghệ An. Ông Mai Bảo - người giáo dân xứ Đồng Yên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) suốt 36 năm cặm cụi chở bộ đội, chở lương thực ra đảo Sơn Dương mà không đòi hỏi một đồng công nào. Hai chiến sĩ bộ đội biên phòng Nguyễn Xuân Thuyết và Nguyễn Hữu Cường, Đồn biên phòng Cù Bai không quản ngại khó khăn, xa xôi, đã vượt hàng chục cây số vượt sông Sê Băng Hiêng dạy học cho trẻ nhỏ của đồng bào dân tộc. Hay như sư cô Thích Nữ Huệ Hương đã biến ngôi chùa nhỏ Bửu Thắng, Krông Buk (Đác Lắc) của mình thành "mái nhà" tình thương cưu mang những người có cảnh đời bất hạnh...
Các đại biểu giao lưu tại Chương trình
Vinh quang Việt Nam lần thứ VII.
Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới
Đó là câu chuyện “quyết khơi thông nguồn nước từ núi cao” của ông Phàn Phù Lìn, người Dao ở thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện biên giới Bát Xát (Lào Cai), một kỳ tích giữa đời thường. Một mình lên núi, với chiếc xà beng và cái cuốc bàn, cây xẻng đơn sơ, ròng rã sáu tháng trời ông kiên trì bạt núi, đào mương dẫn nước về để dân bản bắt tay vào làm ruộng bậc thang cấy lúa.
Đó là Giáo sư, tiến sĩ Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, người có nhiều đóng góp cho ngành y và người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ. Tiến sĩ Lê Hữu Hải được mệnh danh là "dũng sĩ diệt côn trùng", người đã sáng chế nhiều giải pháp chống sâu bệnh và chuột, mang lại nguồn lợi khó mà có thể đo đếm cho người nông dân. Hay như câu chuyện của Tổng Giám đốc Thân Đức Nam đã đưa Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) từ một đơn vị yếu kém thành một Công ty có uy tín trong ngành giao thông vận tải cũng đặc biệt thu hút sự lắng nghe từ khan giả…
Phát biểu tại Chương trình giao lưu, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã đánh giá cao Chương trình Vinh quang Việt Nam. Ông hy vọng Chương trình sẽ có sức lan tỏa, đạt hiệu quả xã hội về tinh thần thi đua yêu nước, góp phần tạo nên không khí phấn khởi, lạc quan về tinh thần lao động sáng tạo, xây dựng đất nước.
Cũng trong Chương trình giao lưu, ông Tô Huy Rứa và đại diện Ban Tổ chức đã trao cúp Vinh quang Việt Nam và Kỷ niệm chương cho 17 cá nhân đại diện hơn 100 cá nhân và đơn vị điển hình trong cả nước.
Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ VII do Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Lao động, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Công ty Hữu nghị Á Châu phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm mục đích tôn vinh những tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế, doanh nhân tiêu biểu. Họ là những tấm gương sáng tạo trong lao động, cống hiến hết mình được phát hiện và biểu dương qua Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý", những tấm gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc