Thống kê đầy đủ danh mục - đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho mọi người dân
HGĐT- Năm 2009 được tỉnh ta chọn là năm đẩy mạnh cải cách hành chính, đây cũng là năm tỉnh ta tập trung triển khai thực hiện triệt để giai đoạn I và bước đầu triển khai thực hiện giai đoạn II của Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010. Để giúp độc giả trong tỉnh hiểu rõ hơn về Đề án 30, phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Văn Sún, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh.
Phóng viên: Xin đồng chí giới thiệu đôi nét về Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như tầm quan trọng của đề án này?
Đồng chí Hoàng Văn Sún: Trong đời sống hàng ngày, người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ rất nhiều qui định về TTHC, điển hình nhất là trong các hoạt động kinh doanh, xây dựng, nhà đất, hộ khẩu, hộ tịch, thuế và hải quan .v.v... Có thể thấy, TTHC trên nhiều lĩnh vực đang là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, gây tốn kém, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ví dụ: Để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, người dân phải đi lại 9 lần để giao dịch từ cấp xã, phường, thị trấn đến UBND cấp huyện, thị rồi đến Chi cục Thuế huyện, thị và cuối cũng là Kho bạc mới được giải quyết loại hồ sơ hành chính theo yêu cầu. Hoặc tổng số TTHC về đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước Chủ đầu tư phải thực hiện đối với 1 dự án là 33 thủ tục, để triển khai giải quyết 33 thủ tục này theo trình tự phải mất khoảng thời gian trung bình là 3 năm... Để giải quyết các bất cập trên, ngày 10.1 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (gọi tắt là Đề án 30); và Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 4.1.2008 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 30, đưa ra một hệ thống giải pháp tổng thể, công khai, minh bạch nhằm thống kê rà soát, đơn giản hóa TTHC. Trong thời gian gần 3 năm, Đề án sẽ tiến hành thống kê, rà soát tất cả các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại các cấp chính quyền (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Các TTHC này sẽ được đơn giản hoá theo ba tiêu chí lớn là tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của TTHC. Kết quả cuối cùng của Đề án là một cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC đang được thực hiện tại các cấp chính quyền liên quan đến người dân và doanh nghiệp sẽ được công bố công khai trên mạng internet để phục vụ nhân dân. Đây sẽ là một cơ sở dữ liệu đầy đủ đầu tiên tại Việt Nam về TTHC, được trình bày theo hướng dễ hiểu, dễ tuân thủ, kèm theo các văn bản quy định TTHC, mẫu đơn mẫu tờ khai hành chính, các yêu cầu hoặc điều kiện cần có để thực hiện các TTHC. Có thể khẳng định, Đề án 30 là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ nay đến cuối năm 2010, như vậy chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng, phạm vi ảnh hưởng của đề án này đối với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn.
Phóng viên: Tỉnh ta đã triển khai thực hiện Đề án 30 như thế nào, thưa đồng chí ?
Đồng chí Hoàng Văn Sún: Ngay sau khi có hướng dẫn của Tổ công tác Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án 30. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 30, đây là tổ chức do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập và trực tiếp chỉ đạo, có chức năng giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức, điều phối việc thực hiện Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tácgồm 8 đồng chí do trực tiếp Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Phó Giám đốc Sở Nội vụ và Chuyên viên UBND làm Tổ phó, 5 thành viên chuyên trách được trưng tập từ các ngành: Tài nguyên - Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính. UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, triển khai thực hiện Đề án 30 trên địa bàn tỉnh đến năm 2010.Đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ thống kê thủ tục hành chính đối với các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các đơn vị do ngành dọc quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị để thực hiện thống kê điền biểu mẫu 1, tổ chức thực hành điền biểu mẫu. Kết quả tập huấn, 100% các đơn vị tiếp thu đầy đủ và nhận thức rõ mục đích, yêu cầu cũng như tầm quan trọng của đề án, đặc biệt giai đoạn thống kê tại các đơn vị, các ngành, các cấp (tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn). Đặc biệt, tổ công tác đã tập trung đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thống kê điểm gồm: Huyện Đồng Văn, Bắc Quang, Hoàng Su Phì và thị xã Hà Giang. (Mỗi huyện chọn 1 xã, riêng thị xã Hà Giang chọn 1 xã, 1 phường).Kết quả lập danh mục thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước, UBND các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã lập báo cáo tổng số 563 danh mục TTHC và 820 mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính. (Số liệu đang rà soát, chưa có sựđiều chỉnh). Để kịp thời triển khai đến các ngành, các cấp về thực hiện giai đoạn thống kê thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã xác định đây là giai đoạn quyết định sự thành công của đề án đòi hỏi các sở, ngành, các huyện, thị, phường xã, thị trấn, các thành viên chuyên trách, các tổ giúp việc phải thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2009. Trên cơ sở kết quả thực hiện lập danh mục thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị theo ngành, lĩnh vực, sau khi đã kiểm tra, rà soát bổ sung. Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh có trong tay số liệu 1.000 danh mục thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Đối với cấp huyện thực hiện thống kê tổng số 402 danh mục thủ tục hành chính; cấp xã 141 danh mục thủ tục hành chính. Hiện nay Tổ công tác đang tiến hành rà soát lần cuối để đưa ra bộ danh mục thủ tục hành chính chung cấp huyện, xã. Đây cũng là cơ sở để Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh tạo hồ sơ thủ tục hành chính trên phần mềm máy xén. Với kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh Hà Giang, được đánh giá là 1 trong số 9 tỉnh, thành phố của cả nước triển khai thực hiện Đề án 30 đúng yêu cầu tiến độ.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc