Nguyện xứng đáng với niềm tin yêu mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang

16:52, 08/04/2009

HGĐT- Tháng tư đã về cùng với niềm vui sướng, tự hào của những người làm báo Hà Giang, ngày 13.4 năm nay, Báo Hà Giang, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Giang, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập và phát hành số báo đầu tiên (13.4.1964 - 13.4.2009).


 
 Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Văn hóa Trà Hà Giang.         Ảnh: Minh Tâm

Trong dịp kỷ niệm trọng thể này, tòa soạn vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Đảng và Nhà nước trao tặng. Đó thực sự là một niềm vui to lớn, niềm hạnh phúc lớn lao dành cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang.


45 năm, một chặng đường dài, có quá nhiều thử thách nhưng thực sự vinh quang, gắn liền với sự cống hiến, rèn luyện, trưởng thành của rất nhiều thế hệ các nhà báo, họ đã nối tiếp nhau đứng vào đội ngũ những người chiến sỹ cầm bút, trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng bộ.


Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ghi rõ và khẳng định, hồi ức của những người làm báo Hà Giang thế hệ đầu tiên còn sống động biết bao kỷ niệm. Về những ngày đầu tiên của tờ báo, của Đảng bộ tỉnh nhà. Từ năm 1951 Đảng bộ Hà Giang đã xuất bản tờ “Tin Hà Giang” để thông tin tuyên truyền, phục vụ sự lãnh đạo của tỉnh, xuất bản mỗi tháng 2 kỳ sau tăng lên 3 kỳ. Tờ tin Hà Giang có chặng đường hơn 13 năm tồn tại, đã hoàn xuất sắc nhiệm vụ tập dượt, khởi đầu cho sự ra đời của tờ báo Hà Giang. Ngày 13.4.1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn, quyết định ra Nghị quyết số 11NQ/TU. V/v nâng tờ “Tin Hà Giang” lên thành tờ “Báo Hà Giang”, thành lập cơ quan báo của Đảng bộ Đảng LĐVN tỉnh Hà Giang, tòa soạn là cơ quan của Đảng bộ tỉnh, đồng chí Phạm Kim Quy, cán bộ phụ trách tờ “Tin Hà Giang” được bổ nhiệm là Tổng Biên tập đầu tiên; đồng chí Nguyễn Thế Kỳ, Thường vụ Tỉnh ủy được phân công là Chủ nhiệm chính trị của tờ báo; tòa soạn có 8 cán bộ vừa làm phóng viên, vừa biên tập tin, bài cho tờ báo; ngay sau khi nghị quyết ban hành, số báo Hà Giang đầu tiên đã ra mắt bạn đọc trong tỉnh! Kể từ đó ngày 13.4.1964 trở thành mốc son lịch sử về ngày thành lập Báo Hà Giang và phát hành số báo đầu tiên. Số báo đầu tiên ra 4 trang khổ 42 x 30, phát hành mỗi tuần một kỳ, lượng phát hành 700 tờ/kỳ, giá bán 4 xu/tờ qua bưu điện và cấp không như tài liệu tuyên truyền xuống các chi bộ và các xã trong tỉnh. 45 năm đã qua, cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh Hà Giang, Báo Hà Giang cũng từng bước vững chắc khẳng định vị thế của mình qua các thời kỳ lịch sử trọng đại của tỉnh. Đó là thời kỳ đầu tiên của tờ báo 1964 - 1975; thời kỳ Báo Hà Tuyên 1976 - 1991; và từ khi chia tách tỉnh đến nay 1991 - 2009. Gắn liền với chặng đường 45 năm của tờ báo, là biết bao thế hệ những nhà báo đã kế tiếp nhau phấn đấu vươn lên, cống hiến và trưởng thành: Đó là các anh chị thế hệ đầu tiên: Gia Trung, Văn Khóa, Đỗ Xuân Bặc, Bùi Công Bính, Chu Thái Tinh, Văn Báo, Đăng Cương... các anh, các chị và lớp cán bộ, phóng viên kế tiếp: Nguyễn Lục, Đức Trọng, Cao Sơn, Xuân Mai, Việt Đức chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền, xây móng cho ngôi nhà chung của những người làm báo Hà Giang từ những ngày đầu khởi nghiệp. Rồi đến những ngày chung tỉnh Hà Tuyên, gắn liền những năm tháng gian khổ hào hùng của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, những nhà báo đi làm nhiệm vụ viết bài có hành trang như của người chiến sỹ ra trận, vì đối tượng phản ánh trọng tâm nhất của các anh ở thời kỳ này chính là hình tượng người chiến sỹ cầm súng nơi chiến hào biên giới. Những Nhà báo tiêu biểu của thời kỳ này là các anh Nguyễn Văn Yêu, Vương Văn Phát, Hoàng Kiệm, Dương Trung Thanh, Đặng Quang Vượng, Nguyễn Đức Tằng, Sùng Mí Chứ, Việt Đức cùng với các anh, chị trưởng thành từ báo Tuyên Quang cùng chung đội ngũ cầm bút cho tờ báo Hà Tuyên: Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Việt Thanh, Ma Xuân Quang, Phí Văn Tường, Đỗ Hùng, Nguyễn Chính, Hoàng Liên, Dương Thị Phúc. Bằng các tác phẩm báo chí của mình trên hai tờ báo “Hà Tuyên”, và “Hà Tuyên Mặt trận”, các anh, chị đã ghi dấu ấn đặc biệt của thế hệ mình vào trang sử làm báo gắn liền với bài ca ra trận, tuyên truyền cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đỉnh đầu cực Bắc.


Khép lại 16 năm sát nhập, Hà Giang, Tuyên Quang trở về với tên gọi của mình, nhưng bắt đầu cho một thời kỳ mới cho sự phát triển đi lên; đã tròn 18 năm kể từ ngày chia tách, Hà Giang đã thực sự có những bước đi vững chắc trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, ANQP và đời sống nhân dân tạo thế, tạo lực để đem no ấm, hạnh phúc đến cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh và quyết tấm đến thời điểm 2010, thị xã tỉnh lỵ sẽ chuyển mình nâng cấp lên thành phố Hà Giang, yêu cầu nhiệm vụ đối với những người làm báo Hà Giang giai đoạn hiện nay đòi hỏi và đặt ra nhiều tiêu chí mới cả về nội dung, phương pháp tiếp cận và hình thức thể hiện khi tác nghiệp làm báo thìmới đáp ứng được yêu cầu cho công tác tuyên truyền trong gian đoạn đổi mới, mở cửa hội nhập có rất nhiều thách thức do thực tiễn cuộc sống đem tới như hiện nay. Đón nhận truyền thống hào hùng của các thế hệ nhà báo lớp trước cán bộ phóng viên, BTV Báo Hà Giang hôm nay luôn xác định rõ: Báo Hà Giang là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, là cầu nối để phổ biến, hướng dẫn thông tin, cho quan điểm, đường lối của Đảng bộ, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; đồng thời phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân và những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Từ đó tạo nên sự gắn bó giữa ý Đảng và lòng dân trong quyết tâm xóa đói giảm nghèo, đi đến no ấm, hạnh phúc. Từ điểm xuất phát báo ra một kỳ/tuần, lượng phát hành 700 tờ/kỳ, Báo Hà Giang đã từng bước vững chắc phát triển và khẳng định, tăng dần lên 5 ngày/kỳ, rồi 2 kỳ/tuần và từ 2003 đến nay là 3 kỳ/tuần, lượng phát hành hiện nay từ 4.800-5000 tờ/kỳ. Phát hành đến tất cả các Đảng bộ, chi bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học; các thôn bản; tổ dân phố. Ngoài ra hàng tháng phát hành đều đặn một kỳ báo “Hà Giang cực Bắc” đến các xã, thôn bản, trường học vùng cao của tỉnh. Từ đầu năm 2007 đến nay, Báo Hà Giang Điện tử chính thức đi vào hoạt động và thực sự chiếm lĩnh, khẳng định ưu thế vượt trội của mình trong các loại hình báo chí. Với tiêu chí 70% thông tin trong tỉnh 30% thời sự trong nước và quốc tế; hiện nay mỗi ngày có từ 10.000-12.000 lượt truy cập, sau 2 năm đã có gần 7 triệu lượt truy cập vào địa chỉ www.baohagiang.vn. Đặc biệt từ tháng 10.2007 đến nay, đã thử nghiệm thành công truyền hình mạng, trung bình mỗi tháng có từ 7-10 videoclip được đưa vào mạng Internet. Cả 3 loại hình báo chí của toà soạn hiện nay đang được bạn đọc hoan nghênh, đón đọc; Báo Điện từ là kênh thông tin quan trọng tuyên truyền, quảng bá cho tỉnh nhà ra cả nước và toàn thế giới.


Kết quả hôm nay của toàn soạn và cán bộ phóng viên, BTV Báo Hà Giang chính là sự kế tiếp thành quả của rất nhiều thế hệ những người làm báo Hà Giang, tấm Huân chương Lao động hạng Ba, đón nhận năm 2004 và Huân chương Lao động hạng Nhì, đón nhận vào dịp kỷ niệm trọng thể này đã khẳng định và tôn vinh truyền thống hào hùng 45 năm qua của chúng ta. Trong ngày vui truyền thống này, chúng tôi, những người đang làm báo tại tòa soạn xin chân trọng biết ơn các anh, các chị các thế hệ nhà báo đàn anh đã truyền niềm tin, trí thức, kinh nghiệm và trái tim nhiệt huyết cho thế hệ hôm nay! Cảm ơn Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, chia sẻ, chăm lo cho báo chí và đội ngũ những người làm báo; đặc biệt là sự cảm thông, đón nhận chân tình của đông đảo bạn đọc, của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.


Tự hào với thành quả 45 năm qua, với tình cảm và trách nhiệm của mình, những người làm báo Hà Giang nguyện đoàn kết - trung thực - có tâm - có tầm, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng - xứng đáng với niềm tin, yêu, mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang.


Lê Trọng Lập

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô kiểm tra tiến độ thi công Nhà máy Thủy điện Nậm Ngần
HGĐT- Ngày 29.3, đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tới thăm, làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu, kiểm tra tiến độ thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Ngần.
30/03/2009
Hội nghị BCH Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì lần thứ 15
HGĐT- Ngày 27.3, huyện Hoàng Su Phì tổ chức Hội nghị BCH Đảng bộ lần thứ 15 (mở rộng) nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH quý I, triển khai nhiệm vụ quý II.
27/03/2009
Sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Theo quy định của Chính phủ, cứ 10 năm nước ta lại tiến hành Tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở 1 lần. Với ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, kết quả TĐT của từng địa phương và cả nước sẽ không chỉ giúp cho việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH đã đề ra, mà còn giúp cho việc xây dựng kế hoạch phát triển KT – XH trong giai đoạn tiếp theo. Để
27/03/2009
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Giám sát UBND tỉnh về thực hiện chính sách dạy nghề và GQVLcho thanh niên giai đoạn 2006-2008
HGĐT- Sáng 23.3, tại phòng họp 301 Hội trường UBND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát UBND tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm (GQVL) cho thanh niên giai đoạn 2006-2008.
25/03/2009