Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1.5.1904 - 2009): “Giữ vững chí khí chiến đấu”
HGĐT- Phút lâm chung, đồng chí Trần Phú nắm chặt tay một đồng chí bạn tù, gửi trọn tâm huyết: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Đồng chí trút hơi thở cuối cùng ngày6.9.1931 trong vòng tay tiếc thương vô hạn của bạn bè cùng chí hướng, ở tuổi 27, sau 3 tháng bị địch giam cầm, tra tấn dã man.
Cuộc đời của Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Trần Phú (bí danh Lý Quý), sinh 1.5.1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Một lòng vì Đảng, vì dân; tấm gương trung kiên và những cống hiến có tính nền tảng, xuất sắc của đồng chí còn mãi như hơi thở hàng ngày với mỗi chúng ta:
Người học trò của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, học viên xuất sắc của Trường Đại học Phương Đông:
Là thành viên của Hội Phục Việt tập hợp những trí thức yêu nước từ tháng 7.1925, giữa lúc đang lúng túng về đường lối, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn ái Quốc trực tiếp huấn luyện, rồi được kết nạp vào Cộng sản Đoàn (nhóm nòng cốt của Hội Việt nam Cách mạng Thanh niên), sau làm việc tại Tổng bộ Thanh niên, tiếp tục được lãnh tụ Nguyễn ái Quốc tin cậy cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông (đầu năm 1927). Chính nơi đây, đồng chí bộc lộ phẩm chất của một nhà cách mạng tài năng. Từ một người Việt Nam yêu nước, đồng chí trở thành chiến sĩ cộng sản, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ quan trọng do Quốc tế Cộng sản và Đảng ta phân công.
Người khởi thảo Luận cương Chính trị (tháng 10.1930) của Đảng:
Cống hiến lý luận của bản Luận cương là đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng của nó, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết Quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Đây là một văn kiện lịch sử, đánh dấu bước tiến mới trong việc cụ thể hóa một số vấn đề về đường lối cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta, có phần đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Phú; được Hội nghị lần thứ nhất BCH T.Ư Đảng, họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), tháng 10.1930, thông qua.
Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người có nhiều đóng góp to lớn về công tác xây dựng Đảng và tổ chức cách mạng của quần chúng:
Hội nghị T.Ư Đảng tháng 10.1930 chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư và Trưởng ban Công vận T.Ư, đồng chí có những đóng góp to lớn trong việc: Ra tờ báo Cờ Vô sản (cơ quan ngôn luận T.Ư của Đảng), Tạp chí Cộng sản (cơ quan lý luận của Đảng), lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội, tạo ra cao trào cách mạng 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh…
Một cống hiến nổi bật của đồng chí là đã cùng BCH T.Ư xây dựng và củng cố tổ chức Đảng từ Trung ương tới các Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy cùng các Chi bộ cơ sở của Đảng. Cùng đó là hiệu quả của hệ thống giao thông liên lạc từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy… và tới Quốc tế Cộng sản.
Tấm gương sáng ngời về lòng trung kiên, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc:
Sống giản dị, quần chúng, vượt lên căn bệnh hiểm nghèo để tranh thủ mọi thời gian, sức lực cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; chủ động tiến công, không khuất phục trước mọi cám dỗ và cực hình tra tấn của kẻ thù, sáng suốt truyền niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng tới đồng chí mình trong lao tù. Đó là phẩm chất người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Theo thời gian, phẩm chất ấy đã vượt khỏi khuôn khổ một Quốc gia, như trong bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú (năm 1932, lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản) đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản ở Đông Dương”.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Dù có sự khác nhau của mỗi giai đoạn cách mạng, trong từng đất nước và các thời đại; Thông điệp ấy vẫn chỉ là một, hàng ngày hàng giờ hun đúc khát vọng cống hiến vì cộng đồng trong mỗi chúng ta. Đó là phẩm chất cao quý của Người Cộng sản!
Ý kiến bạn đọc