Đảng bộ huyện Xín Mần - 44 năm (1.4.1965 - 2009) xây dựng và phát triển
HGĐT- Xín Mần là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh, cách tỉnh lỵ 150 km, diện tích tự nhiên 58.099 ha, toàn huyện có 15 dân tộc, trên 53 ngàn người; với 18 xã, 1 thị trấn, 186 thôn bản, tổ dân phố.
Ngày đầu thành lập (1.4.1965), huyện mới có 18 xã, với 8 dân tộc, tổng dân số trên 23 ngàn người; toàn Đảng bộ huyện có 22 chi bộ với hơn 100 đảng viên, nhiều cơ quan, đơn vị, thôn bản chưa có chi bộ và đảng viên. Hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ trình độ văn hóa thấp, chưa có chuyên môn và lý luận chính trị, trong đó nhiều đồng chí là bí thư chi bộ xã, trưởng thôn bản không biết chữ. Cơ sở hạ tầng còn rất thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khó khăn.
Trải qua 44 năm, với 15 kỳ Đại hội, đến nay, Đảng bộ huyện có 65 chi, đảng bộ trực thuộc, với 2.817 đảng viên; 100% thôn bản có chi bộ. Số lượng, chất lượng cán bộ được nâng lên rõ rệt: 100% cán bộ huyện có trình độ văn hóa THPT, 72% trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên và 52% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đội ngũ cán bộ cơ sở 49,7% có trình độ THPT và tương đương, 41,2% có trình độ chuyên môn và 100% có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên. Từng bước hiện đại hóa các điều kiện làm việc, 100% cơ quan, đơnvịvàxã đều được trang bị máy vi tính. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các phong trào thi đua phát huy nội lực xây dựng hạ tầng: “Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi” được xây dựng. Đặc biệt, đã phát huy nội lực trong nhân dân làm các công trình “Đại đoàn kết”... Ghi nhận những thành tích to lớn của huyện, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Xã Cốc Pài được tỉnh công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V, Chính phủ công nhận là thị trấn, đây là thị trấn đầu tiên, duy nhất của huyện.
Đạt được những kết quả trên là do Đảng bộ huyện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt của T.Ư, tỉnh, các ngành, các cấp và các huyện trong, ngoài tỉnh; cùng đó là sự nỗ lực, đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện; sự hy sinh, cống hiến của cán bộ qua các thời kỳ... Đảng bộ huyện luôn quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng các chương trình, kế hoạch, mô hình, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, vùng và các xã. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị và từng cá nhân cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước tổ chức hiệu quả các phong trào, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Tập trung xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng “7 cây, 4 con”, gắn với chế biến tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có nhãn mác và thương hiệu như: Chè (Chế Là, Nà Chì); lúa Nếp Nàng hương (Cốc Rế); Gạo Già dui (Thèn Phàng), Rượu Làng Táo (Bản Ngò); Mật ong (Chế Là)... Xây dựng mạng lưới chợ nông thôn, gắn với chợ cửa khẩu, chợ huyện và các chợ đầu mối kết nối với các chợ của huyện bạn Mã Quan (Trung Quốc) và các huyện bạn trong tỉnh. Xây dựng các điểm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc như: Suối khoáng Quảng Nguyên gắn với văn hóa dân tộc Dao; Lễ hội Đình Mường - Khuôn Lùng, gắn với xây dựng làng văn hóa du lịch dân tộc Tày; Bãi đá cổ (di tích văn hóa cấp Quốc gia), gắn với làng văn hóa dân tộc Nùng. Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc gắn với phong trào làm các công trình “Đại đoàn kết” làm cho cán bộ gần dân...
Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp về mọi mặt, đến nay Xín Mần vẫn là một trong 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Phát huy truyền thống 44 năm qua, thời gian tới Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của nhân dân về các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Tăng cường Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hai là, phấn đấu kết thúc năm 2009 thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện XV đề ra, rút ngắn một năm so với Nghị quyết đề ra đến năm 2010.
Ba là, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu chương trình, dự án của T.Ư tỉnh và huyện. Trọng tâm là chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ; xóa xong 100% số hộ nhà tạm theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn là, tăng cường lãnh đạo nhiệm vụ công tác QP-AN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại.
Năm là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Quan tâm phát triển đảng viên là cán bộ thôn bản, trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an viên, giáo viên, y tế. Thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần kết luận Hội nghị T.Ư 9 (khóa X). Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp vào năm 2010.
Sáu là, đối với thị trấn Cốc Pài, sau khi được thành lập các cơ quan liên quan của huyện, cấp ủy, chính quyền thị trấn tập trung lãnh đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Phát huy vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện; phải xây dựng định hướng phát triển KT-XH, giai đoạn 2009 - 2015, có tính đến năm 2020. Cân đối tiềm năng, thế mạnh để xác định cơ cấu kinh tế của thị trấn giai đoạn đầu phát triển theo hướng “Công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp”.
Gắn quản lý theo quy hoạch phù hợp với cơ cấu kinh tế của thị trấn. Trên cơ sở đó, phải thực hiện tốt “4 thu hút” để phát triển thị trấn, đó là: Nguồn nhân lực có trình độ, năng lực, tâm huyết; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; dân cư đến sinh sống, làm ăn lâu dài (kể cả trong và ngoài huyện), phấn đấu đến năm 2020 thị trấn có từ 0,7 đến 01 vạn dân; khách du lịch trong và ngoài nước ngày một đông đến với thị trấn Cốc Pài.
Tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường sống: Văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, vững mạnh, bình yên.
Thường xuyên chăm lo củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, công tâm, thạo việc, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ý kiến bạn đọc