Thường trực UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác T.Ư về xây dựng Đề án Giảm nghèo tại 6 huyện vùng cao của tỉnh

16:55, 20/03/2009

HGĐT- Sáng 19.3, Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác T.Ư gồm lãnh đạo, đại diện các Bộ: Lao động - TBXH, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường… về việc xây dựng Đề án giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.


 

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô phát biểu tại buổi làm việc.


Dự buổi làm việc có các đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thào Hồng Sơn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Hà Giang; Bàn Đức Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh…


Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đến ngày 18/3, 6 huyện nghèo nhất của tỉnh gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án phát triển KT-XH nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn quản lý. Đoàn công tác liên ngành của T.Ư, sau khi đi kiểm tra và làm việc trực tiếp với 6 huyện, đã có những đánh giá sơ bộ về chất lượng xây dựng dự thảo Đề án giảm nghèo của các huyện như: Nội dung Đề án của các huyện đều đã đề cập đến những vấn đề có liên quan đến việc giảm nghèo nhanh và bền vững như thực trạng KT-XH và nghèo, đói của mỗi huyện; Mục tiêu, định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, nhu cầu vốn, giải pháp cũng như phương án tổ chức thực hiện đề án. Bố cục đề án cơ bản tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, có thiết kế bổ sung một số biểu mẫu chi tiết minh hoạ các số liệu, đặc biệt là về đầu tư cơ sở hạ tầng được phân tích, tổng hợp chi tiết đến từng đầu điểm công trình. Các số liệu tính toán trong đề án của mỗi huyện hầu hết đều dựa trên nhu cầu thực tiễn qua điều tra thống kê, thu thập thông tin từ cơ sở và số liệu sẵn có của các ngành, có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Cơ sở tính toán chính sách và định mức hỗ trợ trong đề án của các huyện cơ bản dựa vào hệ thống chính sách quy định trong các văn bản hiện hành của Nhà nước. Riêng một số nội dung hỗ trợ mới chưa có hướng dẫn chính thức, của bộ, ngành chức năng như mức hỗ trợ xuất khẩu lao động, chính sách luân chuyển cán bộ... các huyện đã chủ động đề xuất mức hỗ trợ có tính đến yếu tố đặc thù của địa phương để tính toán nhu cầu đầu tư. Tuy nhiên, trong dự thảo Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của 6 huyện vẫn còn một số hạn chế như: Đề án chưa phân tích sâu tình hình thực trạng KT-XH và đói nghèo của địa phương; Chưa có nhiều số liệu minh hoạ để làm cơ sở xác định nhu cầu cần đầu tư phát triển để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, dẫn đến việc đưa ra các định hướng phát triển các lĩnh vực của đề án và nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ chưa thực sự thuyết phục. Đề án của một số huyện còn bỏ sót nhu cầu hỗ trợ xoá nhà tạm; bố cục còn có điểm chưa đồng nhất với hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, định mức hỗ trợ chưa bám sát các văn bản hiện hành; chưa có sự thống nhất trong việc xác định nhu cầu và phân định nguồn vốn của đề án; việc thống kê nhu cầu vốn hỗ trợ trên địa bàn còn chưa hợp lý; các đề án cũng chưa xác định được nguồn vốn đối ứng của địa phương trong hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.


Sau các ý kiến tham gia thảo luận của các thành viên trong đoàn công tác T.Ư và lãnh đạo các sở chức năng của tỉnh bổ sung, hoàn thiện 6 dự thảo đề án của 6 huyện nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô phát biểu: Tỉnh Hà Giang xác định Nghị quyết 30a của Chính phủ là cơ hội để tỉnh sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo trong nước. Từ cơ hội này, nếu tỉnh triển khai thực hiện không tốt, không hiệu quả thì có lỗi với bà con nhân dân, với Đảng và Chính phủ và Nhà nước. Với lập trường và quan điểm nêu trên,trong quá trình triển khai xây dựng dự thảo Đề án xóa nghèo nhanh và bền vững, không cầu toàn nhưng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm để đề án có tính khả thi và hiệu quả cao trong quá trình triển khai thực hiện. 6 huyện nghèo của tỉnh đã huy động tối đa nhân lực triển khai xây dựng dự thảo cơ bản hoàn thiện đề án trong một thời gian ngắn, vừa đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian trước mắt là năm 2009 đến năm 2010, từ năm 2010 đến năm 2015 và từ năm 2015 đến năm 2020. Ngay trong năm 2009 này, tỉnh Hà Giang quyết tâm cao độ triển khai giải quyết cơ bản vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho bà con các huyện nghèo gắn với công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng cũng như cơ bản xóa xong tình trạng hộ nghèo sống trong nhà tạm.


Đức Dũng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Duy Quyền làm việc tại huyện Bắc Quang và Quang Bình
HGĐT- Trong 2 ngày 17 và 18.3, đồng chí Trịnh Duy Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình phát triển KT -XH tại 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình.
20/03/2009
Coi trọng phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số
HGĐT- Là một trong những huyện phát triển nhất của tỉnh về tăng trưởng kinh tế (nền kinh tế phát triển ổn định hàng năm đạt khoảng 12%), song, từ lâu nay huyện Vị Xuyên vẫn được coi là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng với 16 dân tộc anh em sinh sống.
20/03/2009
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc
Chiều 19-3, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, quyết tâm gìn giữ quan hệ mãi mãi tốt đẹp.
20/03/2009
Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Xây dựng và một số doanh nghiệp sản xuất VLXD
HGĐT- Sáng 17.3, Thường trực Tỉnh uỷ làm việc với Ban Giám đốc Sở Xây dựng và một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh.
18/03/2009