Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP
HGĐT- Từ ngày 9 – 11.3, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP), đối với các đơn vị liên quan như: Sở Y tế, Sở Khoa học Công nghệ, Sở No & PTNT, Sở Công thương, Cục Hải quan tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ, UBND thị xã…, nhằm đánh giá thực trạng và thu thập, những đề xuất, giải pháp, kiến nghị bổ sung sửa đổi thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, đánh giá tại các đơn vị cho thấy, hầu hết các sở, ban, ngành luôn đề cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, thành lập các BCĐ đảm bảo VSATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Trong phạm vi của mình, các sở, ban, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, ban hành áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với địa phương về VSATTP; xúc tiến việc đôn đốc thực hiện và phổ biến các chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm… đến đông đảo người dân, đồng thời tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP trên toàn tỉnh… Vì thế, hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP đã được nâng cao, công tác VSATTP hàng năm của tỉnh đang ngày càng được hoàn thiện, huy động được sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương và thiết lập được hệ thống quản lý, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, người dân đã được tiếp cận đầy đủ các thông tin liên quan đến VSATTP… các vụ ngộ độc thực phẩm do đó đã giảm đáng kể trong năm nay.
Tuy nhiên, tại các buổi làm việc và qua kiểm tra thực tế một số cơ sở giết mổ gia súc tập trung; sản xuất rau an toàn và bếp ăn tập thể tại TXHG, nhiều vấn đề còn hạn chế, thực hiện chưa triệt để trongquá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP tại các đơn vị cũng được đặt ra như: Công tác quản lý VSATTP từ sản xuất đến tiêu dùng chưa đồng bộ, không thường xuyên, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm đưa vào thị trường qua cửa khẩu; vấn để sử dụng thuốc BVTV còn tràn lan, chưa kiểm soát được hàng giả, hàng kém chất lượng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể không đảm bảo VSATTP còn cao; các khu giết mổ tập trung chưa phát huy hết hiệu quả và công suất hoạt động; công tác truyền thông chưa triển khai một cách đồng bộ, nội dung chưa đi sâu vào trọng tâm các địa phương, vẫn còn để xảy ra các vụ ngộ độc từ các độc tố tự nhiên (như nấm độc, bột ngô mốc…); một số văn bản dưới luật chưa chặt chẽ, tạo lỗ hổng cho hàng nhập khẩu kém chất lượng qua cửa khẩu lưu thông trên thị trường; sự phối kết hợp liên ngành trong công tác VSATTP còn nhiều bất cập, chưa được thường xuyên; ý thức của người dân, nhất là đối với các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; các phương tiện kỹ thuật hiện đại bổ trợ cho công tác kiểm tra VSATTP còn thiếu… Tất cả những điều này đã được đoàn ĐBQH ghi nhận, xem xét trình Quốc hội và Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc