Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Giám sát UBND tỉnh về thực hiện chính sách dạy nghề và GQVLcho thanh niên giai đoạn 2006-2008
HGĐT- Sáng 23.3, tại phòng họp 301 Hội trường UBND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát UBND tỉnh về thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm (GQVL) cho thanh niên giai đoạn 2006-2008.
Đồng chí Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Vương Mí Vàng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thào Hồng Sơn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XII đơn vị tỉnh Hà Giang; lãnh đạo ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành của tỉnh và trường Trung cấp Nghề.
3 năm qua, tỉnh đã mở được 27 lớp tuyên truyền, tập huấn về GQVL, thu hút 3.086 lượt người tham gia. Việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển KT-XH gắn với GQVL đã tạo cơ hội cho thanh niên tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Toàn tỉnh đã có 310 dự án do thanh niên làm chủ được phê duyệt với tổng số vốn 6.500 triệu đồng, hỗ trợ GQVL cho trên 2.100 thanh niên.1.625 thanh niên được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 2.105 thanh niên đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước… Các địa phương đã mở được nhiều ngành nghề đào tạo, từng bước đáp ứng được nhu cầu GQVL cho người lao động.
Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại như: Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác thanh niên. Công tác quản lý Nhà nước đối với thanh niên nói chung và công tác dạy nghề, GQVL cho thanh niên chưa được quan tâm thỏa đáng. Các huyện, thị đều chưa thành lập được Hội đồng công tác thanh niên theo Luật. HĐND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn chưa xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác thanh niên. Các chỉ tiêu phát triển thanh niên, dạy nghề và GQVL cho thanh niên trong kế hoạch phát triển KT-XH địa phương còn rất mờ nhạt. Tỷ lệ người tham gia học nghề kỹ thuật tìm được việc làm rất thấp. Chế độ chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo quy định hiện rất thấp…
Đồng chí Vương Mí Vàng đã tiếp thu các kiến nghị và trả lời các ý kiến chất vấn của Đoàn giám sát HĐND tỉnh.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Đàm Văn Bông, biểu dương những nỗ lực của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đoàn thể, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai tốt việc thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác dạy nghề và GQVL cho thanh niên trong 3 năm qua. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại: Công tác quản lý Nhà nước đối với thanh niên còn nhiều yếu kém. Đoàn thanh niên các cấp chưa tham mưu tốt về thực hiện cơ chế chính sách pháp luật đối với công tác dạy nghề và GQVL cho thanh niên. Một số thanh niên hiện chưa mặn mà với việc học nghề là do cơ chế chính sách chưa có sức khuyến khích thu hút… Để thực hiện tốt chính sách dạy nghề và GQVL cho thanh niên năm 2009 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh và các ngành, các cấp cần thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi học xong THCS. Cần quan tâm hơn nữa tới cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH. Các cơ sở dạy nghề cần thống nhất quản lý chuyên môn, quản lý Nhà nước, chú ý đến các tiêu chí của Trung tâm Dạy nghề. Về công tác giải quyết việc làm, phải thống kê, đánh giá, phân loại lao động, nhất là xuất khẩu lao động, lao động được dạy nghề để xem xét hướng giải quyết việc làm. Quan tâm tới lực lượng lao động xuất khẩu về nước trước thời hạn để có hướng giải quyết cụ thể. Tỉnh đoàn cần quan tâm tới việc tín chấp để đẩy mạnh tín dụng nông thôn; tổng kết các mô hình kinh tế của thanh niên. Chú trọng hướng nghiệp cho thanh niên ngay tại cơ sở. Thực hiện tốt công tác đào tạo theo địa chỉ. Các ngành, các cấp cần tham mưu cho tỉnh quản lý lao động tự do sang Trung Quốc. Tận dụng lợi thế từ chương trình của Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009-2015” đối với 6 huyện nghèo của tỉnh và các đề án khác...
Ý kiến bạn đọc