Những cách làm hay của mô hình dân vận khéo tại thị xã Hà Giang
HGĐT- Vừa qua, Ban Dân vận Thị ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình “Dân vận khéo” nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác Dân vận trong thời gian qua.
Thị xã Hà Giang có 5 phường và 3 xã, 100 tổ dân phố và thôn, bản; dân số 46.495 người, với 22 dân tộc anh em cùng chung sống.
Trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: Thị xã Hà Giang đã thành lập Hội đồng giáo dục pháp luật của thị xã. Tranh thủ các buổi họp tổ dân phố sẽ lồng ghép vào 30 phút đầu giờ để các đồng chí tuyên truyền viên pháp luật có thời gian triển khai nhiệm vụ, tuyên truyền những vấn đề cần quan tâm trong tháng, trong năm, những nội dung cơ bản của các bộ luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân... Đây là cách làm mới đem lại hiệu quả rất cao. Đến nay 8/8 xã, phường đã triển khai mô hình này đem lại hiệu quả thiết thực, người dân đồng tình hưởng ứng.
Trong chương trình đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà, nằm trong chủ trương xây dựng các thôn, bản văn hóa đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ cho mục tiêu làm du lịch văn hóa, Đảng ủy xã Phương Độ đã chọn thôn Khuổi Mi, một thôn vùng cao, đường sá đi lại khó khăn, còn mang nặng tư tưởng của phong tục tập quán để làm điểm. Kết quả đến nay, 100% số hộ gia đình đều có chuồng gia súc, hoàn thành việc di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà.
Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, với các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây, con có giá trị thấp sang sản xuất cây, con có giá trị cao là chính ở sự thay đổi nếp nghĩ của bản thân mỗi cá nhân. Đến nay, lúa chất lượng cao đã có tiếng trên thị trường, rau, củ, quả, cá, lợn sản xuất theo hướng “sạch” đều được thị trường chấp nhận, với giá gấp 1,5 lần so với thị trường hàng hóa hiện tại, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.
Trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, với phương châm 4 cùng, với cách làm đó đã giải quyết tốt tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp, góp phần ổn định tình hình ngay từ cơ sở. Nổi bật cho phong trào này là: Hội Cựu chiến binh xã Phương Độ, Hội người cao tuổi thị xã có phong trào “Tuổi cao trí càng cao, nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Hội Phụ nữ thị xã với phong trào “Tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”; Đoàn thanh niên với phong trào “5 xung kích trong phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp”. Các phong trào này đã thực sự khơi dậy sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân thị xã. Kết quả nổi bật của phong trào này là năm 2008 đã có 34 căn nhà tạm được mọi người cùng nhau chung tay xây dựng lại, giúp đỡ những hộ nghèo, để họ có thể yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống gia đình. Với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135 người dân đã huy động nhau vận chuyển vật liệu xây dựng làm được hơn 3,8 km kênh mương, nội đồng. Mở mới hơn 10 km đường giao thông liên thôn bản. Tổ chức và phát động xây dựng các loại quỹ xóa đói giảm nghèo và các phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, quỹ khuyến học... Những chủ trương đúng hợp lòng dân này đã thực sự đi vào cuộc sống được người dân đồng tình ủng hộ.
Một việc nữa về làm tốt công tác dân vận trong thời kỳ mới đó là việc giải phóng mặt bằng tuyến đường Cầu Mè - Công viên nước Hà Phương. Sau 3 tháng triển khai việc tổ chức kiểm kê, vận động, đa số người dân đã ký vào bản cam kết thực hiện dự án; cuối cùng dự án đã được thực hiện thành công không hộ nào phải dùng đến biện pháp cưỡng chế.
Có thể nói, có được những kết quả trên trước hết phải có “chủ trương” đúng, cán bộ làm công tác dân vận phải là người có tâm huyết, có trình độ năng lực chuyên môn một chuyên ngành, nhưng biết nhiều vấn đề liên quan, hiểu biết về phong tục, tập quán ở nơi cần vận động, kiên trì mục đích cần đạt được để có cách thuyết phục, luôn nhận thực rõ và đặt quyền lợi của người dân phù hợp với lợi ích của xã hội, với sự phát triển chung của tất cả cộng đồng, để có phương pháp vận động linh hoạt, biến hóa nhằm đạt mục đích cuối cùng.
Ý kiến bạn đọc