Hội nghị Quân - Dân - Chính và tổng kết phong trào thi đua toàn tỉnh năm 2008
HGĐT- Ngày 16.1, tại Hội trường lớn Tỉnh uỷ, Hội nghị Quân - Dân - Chính và tổng kết phong trào thi đua năm toàn tỉnh 2008 được tổ chức.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất trao giải thưởng của tỉnh cho lãnh đạo các huyện, thị.
|
Dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH khoá XII đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo ủy ban MTTQ tỉnh, Hội doanh nghiệp tỉnh, Hội đồng Liên minh HTX tỉnh. Đồng chí Hoàng Minh Nhất, Bí thư Tỉnh ủy, có bài phát biểu tại hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo thường trực HĐND, UBND, ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các LLVT; các huyện, thị; cùng lãnh đạo195 xã, phường, thị trấn; 22 doanh nghiệp; 22 HTX; 22 hộ gia đình tiêu biểu xuất sắc đại diện cho các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua năm 2008.
Phát biểu Khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH của tỉnh trong năm 2008, tỉnh ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đã đạt được những kết quả khá khả quan. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đề ra đầu năm đều được tỉnh triển khai đạt và vượt kế hoạch, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và phát triển ổn định. Trong năm tiếp tục xuất hiện nhiều gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực; nhiều gương người tốt, việc tốttrong lao động, học tập và công tác... Có được kết quả trên, cần khẳng định đó là kết quả của sự đồng sức, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu cao của các cấp, các ngành và bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tất cả vì mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Giang vươn lên giàu mạnh. Đó cũng là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và phát huy cao độ trí tuệ tập thể của các cấp, các ngành, các đơn vị trong toàn tỉnh thông qua phong trào thi đua được phát động trong năm...
Các đại biểu đã nhất trí cao với báo cáo tổng kết công tác quân, dân, chính và phong trào thi đua năm 2008 do đồng chí Hoàng Đình Châm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày tại hội nghị. Báo cáo nêu: Năm 2008 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; Nghị quyết 14 Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, tỉnh ta đã đạt được thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực. Với chủ đề của tỉnh năm 2009 là “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, tăng tốc phát triển KT-XH, cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14”. UBND tỉnh quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực. Huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường các hoạt động ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất và bảo vệ môi trường… Hội nghị đã giành phần lớn thời gian nghe tham luận của một số tổ chức, cá nhân tiêu biểu đại diện cho các tổ chức, cá nhân điển hình, tiên tiến trong toàn tỉnh . Đây là những kinh nghiệm, những bài học được rút ra trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị, trong quá trình phát triển KT-XH, XĐGN, có thể là những kinh nghiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tham khảo, học tập. Điển hình như phong trào huy động sức dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện Mèo Vạc; phát huy vài trò Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện phong trào thi đua để chuyển dịch cơ cấu KT-XH địa phương của xã Đồng Yên, Bắc Quang; phát huy sức mạnh các nguồn vốn để đầu tư kinh doanh có chiều sâu và hiệu quả của Công ty TNHH Sơn Lâm; huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân để tương trợ các thành viên phát triển kinh tế, XĐGN trên địa bàn của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên); kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển kinh tế hộ của gia đình ông Vàng Mí Phình, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Viết Xuân gắn Huân chương Lao động hạng Nhì cho Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất.
|
Đặc biệt, Các đại biểu tham dự hội nghi đã nồng nhiệt chia vui với đồng chí Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH khoá 12 tỉnh Hà Giang, với những thành tích suất sắc trong công tác từ năm 2003 đến năm 2007 đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng nhì. Với những thành tích xuất sắc của các tập thể và cá nhân trong tỉnh đã đạt được trong phong trào thi đua năm 2008, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta đã tặng giải nhất cho huyện Mèo Vạc, 5 giải nhì và 5 giải 3 cho các huyên, thị còn lại trong tỉnh. UBND tỉnhcũng đã tặng Bằng khen cho 22 doanh nghiệp; 22 HTX và 22 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2008.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết HĐND tỉnh khoá 15, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua; lập thành tích hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các thành phần kinh tế, cán bộ, chiến sỹ LLVT và nhân dân trong tỉnh về vai trò, tác dụng và ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước. Qua phong trào thi đua phát huy truyền thống yêu nước, khơi dậy tinh thần tự giác, trí sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực. Sau lời kêu gọi hương ứng phát động thi đua của ủy ban MTTQ tỉnh lãnh đạo UBND các huyện, thị trong tỉnh đã ký kết giao ước thi đua với UBND tỉnh, biểu thị sự quyết tâm thực hiện phát động phong trào thi đua của tỉnh năm 2009.
Lược ghi tham luận các đại biểu tại Hội nghị Quân, dân, chính tỉnh và tổng kết phong trào thi đua năm 2008
* Phát động nhiều phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của huyện
(Đại biểu Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc)
Trong năm 2008, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ và chính quyền huyện đã phát động nhiều phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó đáng chú ý là phong trào thi đua sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; phong trào làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Sau mỗi đợt phát động thi đua, huyện đều chỉ đạo tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và tìm ra những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để tuyên dương khen thưởng kịp thời. Qua đó ngày càng thúc đẩy phong trào thi đua của huyện lên tầm cao mới. Đây chính là nền tảng căn bản góp phần thúc đẩy huyện nhà vượt qua mọi khó khăn, thử thách và thựchiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2008 một cách khá vững chắc. Trong năm, tốcđộ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 19, 21, cao hơn so với năm 2007 là 5,1%, cơ cấu kinh tế của huyện cũng có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm từ 51,92% của năm 2007 xuống còn 44,21%.
Lan Hương (Lược ghi)
* Phát huy sức mạnh các nguồn vốn để đầu tư kinh doanh có chiều sâu và hiệu quả
(Đại biểu Phạm Công Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm)
...Công ty TNHH Sơn Lâm là một đơn vị ngoài quốc doanh đóng trên địa bàn tỉnh. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự quyết tâm phấn đấu vượt khó đi lên của Ban giám đốc và toàn thể cán bộ, công nhân trong toàn Công ty nên năm 2008, Công ty đã hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Kết quả đạt được trong SXKD của Công ty hàng năm với sản lượng và doanh thu năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Nếu như năm đầu thành lập, doanh thu chỉ đạt vài trăm triệu đồng, thì đến năm 2007 là 200 tỷ đồng, năm 2008 ước đạt 250 tỷ đồng, dự kiến doanh thu năm 2009 là 350 tỷ đồng. Công ty thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, năm 2007 nộp 3 tỷ 200 triệu đồng, năm 2008 ước đạt 3 tỷ 500 triệu đồng; dự kiến năm 2009 Công ty nộp ngân sách đạt 3 tỷ 700 triệu đồng.
Phát huy những thành quả đã đạt được, năm 2009 và những năm tiếp theo với phương châm hoạt động SXKD đa ngành, đa nghề có chọn lọc, Công ty sẽ tập trung nhân lực, huy động máy móc thiết bị thi công các công trình đã ký hợp đồng với chủ đầu tư theo đúng tiến độ của dự án. Mở rộng SXKD tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương, góp phần không nhỏ vào công cuộc XĐGN. Đẩy mạnh công tác đầu tư kinh daonh trong lĩnh vực công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình nhà máy thủy điện Sông Chừng (Quang Bình) đúng tiến độ đã đề ra, sớm tạo ra sản phẩm để phục vụ xã hội, tăng thu nhập cho cán bộ công nhân Công ty. Hoàn thiện công tác lập dự án đầu tư và chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện sông Lô 4. Hợp tác chặt chẽ với đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực thủy điện, xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện phục vụ lắp đặt nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thay thế dần thiết bị nhập ngoại nhằm giảm giá thành. Phát huy sức mạnh các nguồn vốn để đầu tư kinh doanh có chiều sâu, hiệu quả, hoạt động ổn định, từng bước củng cố và phát triển, có tính cạnh tranh lành mạnh. Tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào từ thiện xã hội do Trung ương và địa phương phát động.
Minh Tâm (Lược ghi)
* Xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang chỉ còn 1,5% hộ nghèo
(Đại biểu Hoàng Hải Chư, Chủ tịch UBND xã Đồng Yên)
Đồng Yên là xã vùng thấp của huyện Bắc Quang, toàn xã có tới 1.580 hộ, 7.290 khẩu trong năm 2008 thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bà con nhân dân 9 dân tộc anh em trong xã Đồng yên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tổng giá trị sản xuất đạt gần 85 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2007, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên con số 11,7 triệu đồng/người/năm; xóa được 25 hộ nghèo và góp phần là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn 1,5%. Để dạt được những kết quả nổi bật trên, tập thể ban lãnh đạo xã đã sâu sát chỉ đạo bà con nhân dân, tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, đồng thời phát huy tốt tiềm năng lợi thế địa hình củađịa bàn xã nhà, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ nhờ đó nền kinh tế của xã đã có sự chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, trong xã có tới 627 hộ khá và giàu, chiếm tỷ lệ 38% tổng số hộ trong xã còn lại 929 hộ trung bình chiếm 58,8% và 24 hộ nghèo.
Đức Cường (Lược ghi)
* Huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân để tương trợ các thành viên phát triển kinh tế, XĐGN
(Đại biểu Vũ Đức Sơn, PGĐ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Việt Lâm-Vị Xuyên)
“Tương trợ giữa các thành viên nhằm phát huy sức mạnh của tập thể, của từng thành viên giúp nhau sử dụng nguồn vốn có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, phát triển KT-XH, cải thiện cuộc sống cộng đồng” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên.
Được thành lập và đi vào hoạt động tháng 10.1996, với địa bàn hoạt động là thị trấn Việt Lâm và 3 thôn của xã Việt Lâm, đội 5 của xã Ngọc Linh với tổng số 1.074 thành viên. Với chức năng là một đơn vị kinh tế tập thể được phép huy động vốn, nhận tiền gửi và cho thành viên của mình vay vốn, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, cấp ủy, chính quyền thị trấn, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Việt Lâm ngày càng phát triển vững chắc cả về số lượng và chất lượng, mọi chỉ tiêu đều vượt năm sau cao hơn năm trước. Quỹ đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia gửi tiền tiết kiệm nên nguồn vốn huy động của Quỹ luôn đạt cao. Năm 2006 tổng nguồn vốn huy động mới chỉ đạt trên 5,7 tỷ đồng thì đến năm 2008 đã đạt tới con số 10 tỷ 437 triệu đồng, tăng 47,9%.
Nhờ nguồn vốn huy động tăng cao, Quỹ đã cho vay đúng đối tượng, đúng địa bàn hoạt động, nguồn quỹ được sử dụng đúng mục đích và thường xuyên cử cán bộ kiểm tra theo dõi việc sử dụng vốn vay. Quỹ đã hỗ trợ các thành viên HTX khác như 2 HTX chổi chít Việt Thành, Đức Duy, HTX cơ khí Cường Tuấn để phát triển sản xuất. Quỹ cũng ưu tiên cho các hộ vay để phát triển trang trại chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày, mua xe ô tô với mức cho vay tối đa 90 triệu đồng/hộ. Hàng năm Quỹ đã tiến hành cho 700 đến 750 lượt người vay vốn để sản xuất kinh doanh cải thiện đời sống; giải quyết cho gần 1.000 hộ vay vốn đầu tư phát triển SXKD, tạo cho gần 3.000 lao động có việc làm ổn định. Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Việt Lâm còn thường xuyên duy trìthực hiện tốt công tác chấp hành các chính sách pháp luật, tham gia các phong trào xã hội từ thiện, góp phần không nhỏ trong phát triển KT-XH ở địa phương.
Đức Quý (Lược ghi)
* Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng cỏ chăn nuôi
(Đại biểu Vàng Mí Phình, xã Pả Vi-Mèo Vạc)
Được sự quan tâm của tỉnh, huyện Mèo Vạc đã hỗ trợ cho gia đình trồng cỏ chăn nuôi tại xã Pả Vi, năm 1998 gia đình được đầu tư trồng thử nghiệm 01 ha. Sau một thời gian nhận thấy cây cỏ Goatemala phát triển tốt, có sức chống chịu khí hậu vào mùa rét, chịu khô hanh, đồng thời cho năng suất cao. Đến năm 2000, tỉnh và huyện đã khuyến khích các hộ dân trồng nhân rộng số diện tích lên nhiều hơn, gia đình đã mạnh dạn trồng 2 ha, đồng thời tuyên truyền cho các hộ gia đình khác trong xã trồng theo.
Vào thời điểm đó gia đình mới chỉ có 1 con bò, được huyện hỗ trợ cho vay vốn thông qua Ngân hàng No&PTNT huyện, Ngân hàng CSXH huyện từ 5-10 triệu đồng và hỗ trợ lãi suất trong thời gian 5 năm. Đặc biệt tỉnh, huyện còn có chính sách hỗ trợ chuyển đất xấu sang chuyên canh trồng cỏ và mở rộng làm chuồng trại. Gia đình đã nuôi từ 5-6 con bò trở lên, vừa nuôi, vừa mua số bò gầy về vỗ béo vài tháng có lãi lại bán đi (mỗi con lãi từ 500 - 600.000 đồng). Nhận thấy chương trình này có hiệu quả nên các hộ gia đình ở xã Pả Vi đã thống nhất chuyển toàn bộ số diện tích đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng cỏ toàn bộ để nuôi bò đổi lấy lương thực, thay cho cây ngô. Đến năm 2007, các hộ gia đình ở đây đã chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng cỏ. Hiện gia đình có gần 4 ha cỏ, chăn nuôi 6 con bò đực tại nhà, 1 con bò cái sinh sản gửi cho hộ gia đình khác nuôi (chưa tính số mua về vỗ béo lại bán đi). Gia đình còn bán giống cỏ cho các xã trong và ngoài huyện khoảng 200 tấn cỏ/năm. Nhờ nuôi bò và phát triển trồng cỏ nên mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm.
Từ việc chuyển đổi diện tích đất xấu sang trồng cỏ chăn nuôi, gia đình đã khá giả so với trước đây nhiều hơn. Gia đình đã mua được ti vi, xe máy, tủ lạnh. Thay mặt bà con nhân dân các dân tộc xã Pả Vi, gia đình chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã quan tâm và giúp đỡ rất nhiều cho bà con nhân dân các dân tộc ở vùng cao. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng cỏ chăn nuôi nhiều hơn để tăng thu nhập của hộ gia đình, góp phần vào công cuộc XĐGN, xây dựng huyện vùng cao Mèo Vạc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hoàng Anh (Lược ghi)
Ý kiến bạn đọc