“Học và làm theo Bác” ở Xín Mần Noi gương Bác là “Học đi đôi với hành”
HGĐT- Giải đáp thắc mắc tại sao BTV Huyện ủy Xín Mần lại chọn ngành Giáo dục để làm điểm chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”? Trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Xín Mần, Nguyễn Mạnh Hà, anh cho biết: Hoạt động của con người bắt đầu hình thành từ bản năng đến ý thức, khi ý thức được việc họ làm và sắp làm, thì chính bản thân con người sẽ làm theo ý thức hình thành đó.
Việc Huyện ủy Xín Mần chọn và lấy ngành Giáo dục huyện để làm điểm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là nằm trong nhận thức và mong muốn đó. Làm thế nào để việc học, làm theo thành hệ ý thức, làm chủ thể trong mọi hành động, việc làm của toàn xã hội và “khi, chỉ khi” việc làm đó trở thành những việc làm bình thường của tất cả mọi người “bình thường”, lúc đó, việc “Học tập - noi gương - làm theo tấm gương Bác” mới đem lại kết quả mong muốn. Có nghĩa, nó sẽ làm thay đổi xã hội “bằng nếp nghĩđến hành động” trong cuộc sống thường ngày. Giáo dục là một ngành lớn, đào tạo và xây dựng tương lai bằng hệ ý thức “...cho nên chọn ngành giáo dục làm điểm” là hướng đi phù hợp nhất hiện nay để đảm bảo chất lượng cuộc sống sau này”. Anh Hà khẳng định.
Vậy thực chất đưa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của toàn ngành ra sao? Tôi bỏ qua các bước triển khai của ngành để về cơ sở, nơi cuộc vận động “đi vào cuộc sống” thường nhật của cả thầy và trò. Ngành giáo dục Xín Mần có 1.197 cán bộ, giáo viên; mạng lưới trường học là 54 đơn vị, trên 15.000 học sinh từ hệ Tiểu học đến THCS, Mầm non, Mẫu giáo. Đưa được cuộc vận động lớn vào trong hệ thống giáo dục toàn ngành với số lượng lớn quả không dễ. Song, chất lượng giáo dục, hay nói chính xác hơn là “sản phẩm giáo dục” chính là ở người thầy, người cô trực tiếp đứng lớp “Thầy có giỏi - Trò mới hay”. Thầy giáo Nguyễn Cao Cường, một cán bộ chuyên môn của Phòng Giáo dục huyện cho biết: Giáo dục vùng cao, vùng sâu mang tính đặc thù rất riêng và gần như chẳng có giáo trình nào soạn thảo, hướng dẫn cụ thể. Cho nên, giáo dục “đặt” người thầy làm “chủ thể” trong mọi công việc. Việc ăn, ở, việc dạy, việc làm của thầy, cô gắn liền với việc thầy nói trên lớp, thầy đứng giữa bục giảng, cho đến việc sinh hoạt hàng ngày. ở đây, mọi hành động, việc làm đều phải “phù hợp” với điều thày dạy học sinh, nó thực như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Sự tận tâm, tấm lòng bao dung, cuộc sống giản dị trong đời thường của thầy cô là “hình mẫu” trong việc dạy và học của trẻ em vùng cao, vùng sâu Xín Mần. Đã 10 năm gắn bó với “con chữ” Xín Mần, gieo những mầm xanh tương lai, thầy Cường đã làm như điều thầy nói. Nói và làm đi cùng “Học đi đôi với hành” là phương pháp giảng dạy hiệu quả để “con chữ” bám dễ bền chặt trong từng xóm bản. Đúc rút kinh nghiệm, bài học đó là “điểm chung” cho cả đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành. Rất nhiều nơi đến, các thầy cô tâm sự: Giáo dục nơi này bám dễ, ăn sâu trong lòng dân, điểm chính là nhờ sự tận tâm, yêu nghề của đội ngũ thầy, cô giáo. Vượt qua mọi khó khăn để bám lớp để nắm trường, giữ học sinh luôn là thử thách. Đã có nhiều lớp, nhiều điểm trường huy động được học sinh, nhưng lại không giữ được các em đi học đều. Nguyên nhân là thầy, cô còn lơ là, còn ít vận động, ăn ở gần gũi với đồng bào, tạo nên khoảng cách, sự xa lánh. Vài năm gần đây, phong trào “Thầy bám trường - Trò bám lớp” đã thành công trong giáo dục ở mọi vùng miền, thôn bản. Học sinh Lù Đức Văn, thôn Lũng Pô, xã Chế Là - xã khó khăn nhiều mặt trong đời sống KT-XH của huyện rãi bày: Nhà em có 3 anh em, bố mẹ làm ruộng. Nằm ở địa hình cao, hiểm trở, ruộng nương bé như “mảnh vẽ” trong trang sách học trò ngày em tới lớp. Đường thì xa, bụng nhiều khi đói, chữ nghĩa thì nhiều, học chẳng được gì, làm chẳng đủ ăn, nỗi lo đến trường, lo đi rẫy, lo cuộc sống thường ngày chăn trâu, địu cỏ, trông em... Tất cả cứ “níu” em... bỏ học. Thoáng trong câu chuyện buồn em kể là những suy tư non nớt hiện trên nét mặt ngây ngô. Giờ đây, trở thành học sinh nhiều năm học giỏi của trường nội trú huyện, được giải nhì cấp huyện, giải khuyến khích cấp tỉnh về cuộc thi “Học tập - làm theo gương Bác Hồ”, Văn vẫn không giấu nổi xúc động: Thành tích trước hết là của thầy, cô chăm lo, dìu dắt. Công tiếp là cha mẹ động viên và một phần nỗ lực học tập để mong có kiến thức, trở thành người có ích trong xã hội, giúp đồng bào quê mình làm cây lúa, cây ngô tốt hơn, nuôi con trâu, con lợn nhiều hơn, để cuộc sống bớt đi đói nghèo. Hỏi về cuộc thi, em thi gì để “Học làm theo Bác”? Văn thành thật: Em chọn hình ảnh Bác về thăm quê, Bác đón chị gái (Bà Thanh), anh trai (ông Nguyễn Tất Đạt) ra Hà Nội năm 1946 trong lúc vận mệnh đất nước “Ngàn cân treo sợi tóc”. Nội dung em học Bác là một lòng vì nước, vì dân để tình thân “dưới” tình đất nước, dân tộc. Một tấm lòng Bác “nặng” tình thân ruột thịt anh, chị em sau hơn 35 năm gặp lại, ôm ấp trong lòng vì “nghĩa đồng bào” làm chưa trọn. Đó là thời kỳ “Toàn quốc kháng chiến” để gìn giữ nền độc lập non trẻ. Với Văn, học Bác là học tính hy sinh, tính tận trung với dân, với nước. Học Bác là học làm theo Bác, với em là: Học giỏi, phấn đấu tốt vì mình, vì quê hương Chế Là - Xín Mần, xa hơn nữa là dân tộc Việt Nam. Được biết, Lù Đức Văn còn là học sinh nhỏ tuổi nhất tham gia thi cấp tỉnh có giải thưởng. Còn với thầy Nguyễn Cao Cường “...Tôi học Bác tính hy sinh quên mình ở tuổi 70 lúc lâm bệnh nặng, Bác không nghĩ nhiều cho mình mà nghĩ nhiều cho dân tộc và vận mệnh đất nước”. Khi tôi viết bài viết này, thì được tin thầy Cường đã xung phong đi làm cán bộ xã Chế Là, tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, có nhiệm vụ cùng Đảng bộ cơ sở tìm, đưa ra các giải pháp giúp đồng bào phát triển KT-XH, xây dựng “Đời sống nông thôn mới”. Gặp lại Cường ở Chế Là trong đêm họp dân bàn cách trồng chè giâm cành theo quy mô trang trại, anh đen hơn, rắn hơn bởi đi nhiều, ăn cơm đồng bào, làm cùng đồng bào nhiều hơn. Vụ trồng chè năm 2008, Chế Là trồng hơn 30 ha chè tập trung bằng phương pháp chè Shan tuyết giâm canh. Niềm vui bước đầu ấy, không chỉ cho riêng ai, mà cho cả đồng bào trong vùng học, làm theo phương pháp mới hiệu quả, kinh tế hơn.
Trở lại với ngành Giáo dục huyện, Trưởng phòng Nguyễn Mạnh Hà khẳng định: “Tạo thành ý thức hệ để thay đổi tư duy cho các em, người chủ tương lai của đất nước noi gương Bác, làm theo Bác, là trách nhiệm nặng nề nhất của ngành hiện nay. Điều “Học - làm theo Bác” nó cũng quan trọng “không kém” việc truyền thụ kiến thức cho các em, để từ kiến thức, các em xây dựng tương lai đất nước mai sau.
Với tôi, đó là một phần rất quan trọng đã được đánh dấu, được ghi nhận trong ngành Giáo dục huyện “Học đi đôi với hành” phải được gắn kết từ “Thầy đến Trò” mới đem lại kết quả thiết thực. Và đó cũng là lời Bác dạy chúng ta.
Ý kiến bạn đọc