Ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII
Các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của Ðại biểu Quốc hội
Ngày 12-11, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII vào ngày làm việc thứ 23. Các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Mở đầu phiên họp buổi sáng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết: Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được các câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; lý do tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo khi giá lên cao, gây thiệt hại cho người trồng lúa; việc nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm, muối, thậm chí nhập khẩu sắt phế liệu; giải pháp khắc phục tình trạng nhập siêu; giá vật tư nông nghiệp tăng cao; tình trạng đầu tư, tích trữ, găm hàng chờ giá lên, gian lận xăng dầu và tình hình sản xuất của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, lý do tập đoàn này từ chối 13 dự án Chính phủ giao...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày một số kết quả thực hiện lời hứa trong kỳ họp trước. Trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu: Lê Thị Dung (An Giang), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Phạm Thị Hòa (An Giang), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Lê Văn Ðiệt (Vĩnh Long), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Hữu Nhơn (Ðồng Tháp) về nhóm vấn đề điều hành xuất khẩu lúa gạo, giải pháp hạn chế nhập siêu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ chưa bao giờ kiến nghị dừng xuất khẩu gạo, và khẳng định việc tham mưu cho Chính phủ đưa ra quyết định cuối tháng 3 đầu tháng 4-2008 tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo. Vì tại thời điểm đó, bối cảnh giá gạo thế giới cao, sản xuất lúa gạo trong nước gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, các doanh nghiệp, thương lái đổ xô đi mua, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Về tình trạng nhập siêu còn lớn, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều biện pháp đẩy mạnh sản xuất, tăng cường xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu những sản phẩm, hàng hóa có thể sản xuất được, như hạn chế nhập khẩu phân bón, vật tư nông nghiệp và hạn chế hàng hóa xa xỉ...
Trong quý 1-2008, tình trạng nhập siêu còn cao, nhưng quý 2 và 3-2008, tình trạng này đã giảm nhiều. Về nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng cho biết, vẫn phải nhập phế liệu sắt thép, nhựa, nhưng cần tăng cường kiểm tra, bảo đảm các quy định về tiêu chuẩn đã được ban hành, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập rác thải.
Ðại biểu Lê Thị Dung (An Giang) chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng, cho rằng: Nếu chúng tôi nói lại như vậy với cử tri, thì cử tri sẽ vẫn bức xúc. Với vai trò Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, Bộ trưởng Công thương cần thể hiện rõ vai trò của cá nhân, cần làm rõ trách nhiệm trong vấn đề này. Thời cơ xuất khẩu gạo với giá cao đã qua, thiệt hại rất lớn, Bộ trưởng có đặt vấn đề tham mưu không kịp thời, không đúng lúc sẽ gây thiệt hại thế nào không?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời việc tham mưu đề xuất Chính phủ tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo thời điểm tháng 3, tháng 4-2008 đã có trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và trong các thành viên của tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ. Chúng tôi nhận thấy có phần trách nhiệm của Bộ Công thương trong tham mưu cho Chính phủ về tạm dừng ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo. Bộ Công thương và cá nhân tôi nhận trách nhiệm là chưa kịp thời, riết róng bám sát tình hình trong nước và quốc tế.
Ðại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Ðồng Tháp) không đồng ý với việc Bộ Công thương cho rằng tham mưu cho Chính phủ về tạm ngừng ký hợp đồng mới về xuất khẩu gạo là chính xác. Với vai trò là tư lệnh lĩnh vực, trách nhiệm là của Bộ trưởng, Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm đó. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình, không có chuyện các bộ chạy theo lợi ích cục bộ của bộ mình. Tuy nhiên, có một số vấn đề, có lúc chưa kịp thời.
Chất vấn của các đại biểu: Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Nguyễn Văn Sơn ( Tuyên Quang), về nhóm vấn đề Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam sản xuất kinh doanh lãi hay lỗ, tại sao từ chối 13 dự án đã nhận với Chính phủ, việc cắt điện tùy tiện, và trong khi báo cáo kinh doanh lỗ, đòi tăng giá, Tập đoàn lại đầu tư vốn sang lĩnh vực khác và đề nghị được trích thưởng 1.000 tỷ đồng, được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời là, qua báo cáo của Tập đoàn Ðiện lực, năm 2007, tập đoàn làm ăn có lãi khoảng bốn nghìn tỷ đồng, do đó đề nghị trích quỹ phúc lợi hơn 1.000 tỷ đồng. Bộ Công thương đang chờ báo cáo kiểm toán kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong thời gian qua. Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra lại chênh lệch giá điện nhằm phản ánh chính xác lợi nhuận của ngành điện.
Về việc ngành điện trả lại 13 dự án đã nhận với Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng đã nhận mà trả lại là có phần thiếu trách nhiệm. Từ năm 2006 đến nay, Tập đoàn đã triển khai các dự án theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên trong năm 2008, do khó khăn về vốn, các nhà máy điện được giao cho Tập đoàn làm chủ đầu tư đều là nhà máy nhiệt điện sử dụng than, nên sau khi tính toán cân nhắc, Tập đoàn đã xin được trả lại 13 dự án.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn về vốn, nguồn than dùng cho các nhà máy nhiệt điện thiếu..., Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Công thương giao Tập đoàn Ðiện lực đầu tư hai trong số 13 dự án, số còn lại giao cho các Tập đoàn và Tổng công ty lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm và khả năng đảm nhận.
Bộ trưởng cũng cho biết, theo tính toán, năm 2009 ngành điện sẽ cung cấp khoảng 18.000 MW. Tuy nhiên với dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 6,5%, vậy nhu cầu điện sẽ tăng 13%. Về tổng thể có thể bảo đảm nhu cầu thiết yếu về điện sản xuất và sinh hoạt. Song, sản lượng điện phụ thuộc vào mùa mưa, còn về mùa khô, khó có thể tránh khỏi tình trạng thiếu nguồn nước nên vẫn phải cắt giảm điện. Bộ trưởng cho biết, sẽ chỉ đạo ngành điện cố gắng hết sức, tránh tình trạng cắt điện tràn lan, bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, đời sống nhân dân.
Ðại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) chất vấn: Qua nghe Bộ trưởng trả lời, phần nào thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên khi cam kết thực hiện hợp đồng điện, không vì lý do bất khả kháng mà cắt điện, trước hết Tập đoàn phải chấp hành Luật Ðiện lực, phải bồi thường cho doanh nghiệp, người dân bị cắt điện. Giá thành điện tăng, người dân và doanh nghiệp đồng ý chia sẻ, thì cũng là chia sẻ với độc quyền nhà nước để đầu tư phát triển điện, như thế công bằng hơn. Phải tính thế nào để không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp.
Chất vấn của các đại biểu Nguyễn Phụ Ðông (Bắc Ninh), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) về tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được sản xuất, lưu thông, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nêu rõ tình trạng này là có thật, diễn ra ở nhiều nhóm hàng, nhiều sản phẩm, nhiều địa phương trong thời gian dài. Trong khi đó lực lượng quản lý thị trường còn rất mỏng, mỗi tỉnh, thành phố chỉ có 80 đến 100 người. Các đối tượng dùng mọi thủ đoạn tinh vi để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cân đong, đo, đếm thiếu, như dùng chíp điện tử để làm sai lệch lượng xăng dầu ở các cây xăng, mới bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, các bộ, ban, ngành, địa phương phối hợp Bộ Công thương giải quyết dứt điểm tình trạng này và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, lưu thông tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét, các vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương là những vấn đề rộng lớn của phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Bộ trưởng đã nắm được vấn đề, trả lời mạch lạc, rõ ràng, tuy nhiên, về điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Công thương nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhận một phần trách nhiệm trong việc tạm ngừng ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo và tiêu thụ sản phẩm nói chung, nhưng "trách nhiệm là gì, biện pháp sắp tới ra sao" chưa được Bộ trưởng nêu rõ, khiến các đại biểu vẫn bức xúc, trao đổi lại nhiều.
Ðiều hành tài chính, ngân hàng linh hoạt
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trần Văn Giàu trả lời chất vấn của các đại biểu QH chung quanh chính sách tiền tệ thắt chặt khiến doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn, chính sách tỷ giá, rót tiền cho chứng khoán, bất động sản...
Ðại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) chất vấn: Sau chính sách thắt chặt tiền tệ vừa qua, Ngân hàng (NH) bắt đầu nới lỏng nhưng để DN khôi phục hoạt động bình thường và tiếp cận các nguồn vốn không dễ, NH sắp tới có biện pháp gì? Thống đốc đã tham mưu gì cho Chính phủ để vừa kiềm chế lạm phát vừa ngăn ngừa nguy cơ thiểu phát? Thống đốc Trần Văn Giàu cho biết, Việt Nam từng trải qua ba lần thiểu phát, năm 1999, 2000 và 2001. Liên tiếp những năm sau đó tăng trưởng kinh tế cao trở lại. Từ thực tiễn này, sẽ tham mưu cho Chính phủ điều hành linh hoạt để tránh tổn thương kinh tế vĩ mô. Về chính sách tỷ giá, Thống đốc cho biết, 10 tháng qua, đồng tiền tiếp tục mất giá 6%, do tình hình nhập siêu tăng nhanh tác động kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã tìm các biện pháp kéo nhập siêu xuống...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về "DN khó tiếp cận vốn còn có lý do NH đã cho vay khoản tiền lớn đầu cơ rủi ro như bất động sản, chứng khoán", Thống đốc Trần Văn Giàu thừa nhận: vừa qua có mạnh tay rót tiền vào bất động sản, chứng khoán, nhưng đến nay dư nợ cho vay bất động sản chỉ ở mức 115 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 9,15% tổng dư nợ. Thị trường bất động sản phát triển tốt. Thí dụ ở TP Hồ Chí Minh có dư nợ là 61 nghìn tỷ đồng, thì trong đó có 18 nghìn tỷ là cho cán bộ, công chức vay mua nhà ở trả bằng lương hằng tháng, 6 nghìn tỷ xây dựng các văn phòng, cao ốc cho thuê. Hà Nội có 23 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản thì cơ cấu cũng giống như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh còn lại rất ít. Ðể bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng, Chính phủ đã đồng ý tạm dừng cấp giấy phép lập NH mới để bổ sung các điều kiện phù hợp thông lệ quốc tế.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Buổi chiều, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân là thành viên Chính phủ thứ sáu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân báo cáo tóm tắt với QH việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp trước, như: điều chỉnh sách giáo khoa, khối lượng học tập; hoàn thiện Quy chế đào tạo tiến sĩ; tham gia giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, kiên cố hóa trường, lớp học...
Tại kỳ họp lần này, vấn đề chất lượng công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được các đại biểu QH quan tâm, chất vấn. Ðại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Ðịnh), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và một số đại biểu khác bày tỏ lo lắng và băn khoăn về việc có quá nhiều trường đại học, cao đẳng dân lập, tư thục được thành lập trong khi cơ sở vật chất nghèo nàn, số lượng và trình độ giảng viên cơ hữu không đáp ứng được tiêu chí đề ra và yêu cầu giảng dạy. Ðây là thực tế đáng báo động và sẽ cho ra đời hàng vạn cử nhân kém chất lượng. Bộ Giáo dục và Ðào tạo xử lý tình trạng này thế nào? Bậc học mầm non có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em nhưng thời gian qua, Bộ dường như không quan tâm đến đối tượng này, trong đó đời sống của các giáo viên rất vất vả, không yên tâm công tác.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận tình hình mà các đại biểu QH nêu ra về thực trạng các trường đại học, cao đẳng dân lập, tư thục hiện nay, và cho biết thêm, trong 11 năm qua, số trường này phát triển gấp hai lần so với 90 năm trước. Tuy nhiên, các trường đại học có nhiều, nhưng số lượng sinh viên ở nước ta vẫn còn thấp so với số dân, chỉ bằng 1/3 so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình đi học đại học và việc nhiều địa phương có nhu cầu thành lập trường, đã dẫn tới việc nhiều trường đại học được thành lập. Về vấn đề này, thiếu sót của Bộ Giáo dục và Ðào tạo là chưa kiểm tra và xử lý nghiêm các trường không tuân thủ những quy định và tiêu chí đã đề ra. Ngoài ra, việc các trường đại học, cao đẳng tư thục và dân lập có chất lượng kém một phần do các địa phương chưa có sự quan tâm, kiểm tra đúng mức vì nhiều trường học trực thuộc địa phương quản lý. Ðể khắc phục tình trạng trên, Bộ đang hoàn thiện Quy chế mới về việc thành lập các trường đại học. Trong ba năm tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ liên tục tiến hành kiểm tra các trường và phát hiện trường nào vi phạm quy định, không đáp ứng đủ tiêu chí sẽ xử lý nghiêm. Bộ trưởng cho biết thêm, trong thực tế, nhiều trường đại học tư thục, dân lập không có giáo trình giảng dạy, giảng viên phải tự viết giáo trình và như vậy không bảo đảm chất lượng đào tạo. Trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành Quy chế về giáo trình, quy định cụ thể về việc biên soạn giáo trình.
Ðối với bậc học mầm non, Bộ trưởng nêu rõ: Không phải Bộ không quan tâm đến bậc học này. Nhưng, ở từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, cần phải chọn những bậc học để ưu tiên, tập trung phát triển. Trước kia, Bộ tập trung cho phổ cập tiểu học. Hiện nay, đang tập trung phát triển bậc THCS. Về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Cuông tiếp tục chất vấn cần làm rõ hơn, cụ thể hơn sự quan tâm của Bộ. Bộ trưởng khẳng định: Bậc học mầm non vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và trong 5 năm qua, bậc học này đã tăng trưởng 24% về quy mô. Hiện nay, Bộ đang xây dựng cơ chế trợ cấp 50% lương cho giáo viên mầm non.
Về vấn đề chỉ có 20 đến 25% sinh viên được ở nội trú, phần lớn sinh viên phải thuê trọ ở bên ngoài với tình hình an ninh trật tự không được bảo đảm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các bạn trẻ, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đặt câu hỏi: Bộ có giải pháp gì trước thực tế này? Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận đây là vấn đề rất bức xúc và là thiếu sót của ngành giáo dục trong thời gian qua. Chương trình bảo đảm 60% nhà ở cho sinh viên đã được Chính phủ phê duyệt nhưng do chưa cân đối được kinh phí nên không thể tiến hành theo dự kiến. Hiện nay, Bộ đang tiến hành khảo sát về vấn đề ký túc xá và nhà trọ cho sinh viên, dự kiến tháng 12 sẽ trình Chính phủ chương trình phù hợp hơn với thực tế và điều kiện ngân sách.
Các đại biểu H'Luộc NTơr (Ðác Lắc), Ðinh Thị Biểu (Quảng Ngãi), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) quan tâm vấn đề học sinh dân tộc thiểu số hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn về nơi ở, điều kiện học tập, nhiều em phải bỏ học. Giáo viên cho các trường dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay thiếu và yếu. Bộ Giáo dục và Ðào tạo có biện pháp gì để khắc phục thực trạng trên? Về những vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Công tác giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn rất khó khăn, hạn chế nhiều mặt. Vì vậy, kinh phí dành cho giáo dục tại những địa bàn này có định mức cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Ðể khắc phục những khó khăn đó, Bộ đang xây dựng phương án nâng tỷ lệ giáo viên là người địa phương. Ðể giúp học sinh nghèo có SGK, Bộ đã triển khai cuộc vận động quyên góp SGK cũ và đã thu được kết quả tốt đẹp. Năm nay, không có việc học sinh thiếu SGK. Ðịa phương nào phát hiện có học sinh thiếu sách cần báo ngay cho Sở Giáo dục và Ðào tạo để xử lý kịp thời. Từ năm học này, Bộ phát động Cuộc vận động quyên góp áo ấm tặng học sinh dân tộc, miền núi. Hiện nay, chương trình này đã thu được những kết quả bước đầu rất khả quan. Ðối với học sinh dân tộc thiểu số, hiện nay mỗi tỉnh có một trường, nhưng căn cứ điều kiện của từng tỉnh, có thể xây dựng thêm. Bộ đang xây dựng đề án về trường học dành cho học sinh dân tộc thiểu số, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý I năm 2009.
Với câu hỏi: Những biểu hiện lạc hậu của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là gì, (đại biểu TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Thám), Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo cho biết, đó là việc thiết kế các môn học rời rạc; số lượng môn học nhiều và việc đánh giá kết quả học tập, tiếp thu chủ yếu bằng hình thức thi cử mà không phải thông qua những hoạt động thực tiễn, và quá trình học tập; đội ngũ giáo viên có năng lực hạn chế; chưa có quy chế về biên soạn giáo trình và SGK; cơ sở vật chất phục vụ học tập, nghiên cứu còn nghèo nàn ngay cả ở những trung tâm đào tạo lớn của đất nước...
Vấn đề SGK được đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) đặt câu hỏi: Việc duy trì SGK như hiện nay có hợp lý hay không? Bộ trưởng cho biết: Việc thay đổi chương trình học và SGK phải dựa trên những căn cứ khoa học cụ thể, chính xác. Bộ đã thu thập ý kiến của nhiều chuyên gia, các cơ quan liên quan, hàng nghìn trường phổ thông trong cả nước để từ đó tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá về SGK và chương trình đào tạo. Từ kết quả của Hội nghị này, Bộ cho rằng chưa nên thay đổi chương trình học và SGK từ nay đến năm 2010. Nhưng những sai sót trong SGK cần phải được chỉnh sửa ngay.
Lo ngại nhất là môi trường ô nhiễm do rác thải y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm
Mở đầu phần trả lời, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu phấn khởi báo cáo kết quả thực hiện lời hứa từ kỳ họp thứ ba của QH: Việc tham gia BHYT tự nguyện làm sao cho thông thoáng, bớt phiền hà; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế phục vụ ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, việc sửa đổi thông thoáng tỷ lệ người tham gia BHYT trên một đơn vị, trên một địa phương đã tạo điều kiện cho nhiều người tham gia mà không gặp bất kỳ cản trở nào; việc đào tạo cán bộ y tế cho vùng miền núi đã được triển khai với 11.600 cán bộ y tế sẽ được đào tạo trong thời gian tới để cung cấp cho các tỉnh miền núi; trước mắt có chính sách khuyến khích và đã đưa hơn 500 cán bộ y tế từ các tỉnh, thành phố về công tác tại các vùng khó khăn, mang lại hiệu quả thiết thực về chăm sóc sức khỏe cho người dân tại đây. Ðó là những cố gắng rất đáng biểu dương của ngành y tế.
Chất vấn trực tiếp, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) nêu vấn đề "cảnh báo" việc hoa quả nhập khẩu có sử dụng hóa chất độc hại, Bộ Y tế đã kiểm tra chưa, và xử lý vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời: Ðúng là Bộ Y tế có chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng đây là vấn đề "đa ngành" mà Pháp lệnh ATVSTP đã "phân công" việc này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã mời Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai nêu ra, Bộ trưởng Cao Ðức Phát trả lời trách nhiệm của vấn đề này thuộc về Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận trách nhiệm này, sẽ giao cho các đơn vị chức năng phối hợp với quản lý thị trường để kiểm tra mặt hàng hoa quả có sử dụng hóa chất độc hại. Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai không thỏa mãn, vì qua ba vị bộ trưởng, kết luận cuối cùng về loại hoa quả nhập khẩu có sử dụng hóa chất "bảo vệ" độc hại đã được kiểm tra chưa, có được lưu thông, kinh doanh và có thể ăn được không, thì chưa thấy bộ nào trả lời dứt điểm và nhận trách nhiệm cuối cùng. Sau cùng, Bộ trưởng Y tế hứa trả lời đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai về việc này bằng văn bản. Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai và một số đại biểu khác còn nêu bức xúc về tình trạng ô nhiễm rác thải, nước thải y tế ở hơn 1.000 bệnh viện thuộc các địa phương, sẽ được xử lý như thế nào?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu một mặt thừa nhận việc ô nhiễm nặng nề ở hơn 1.000 bệnh viện địa phương, nguyên nhân do thiếu kinh phí, do chưa đủ lò đốt tập trung, đồng thời cho rằng, trách nhiệm cũng thuộc về UBND các địa phương nơi có bệnh viện, vì pháp luật quy định như thế. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng nêu rõ kinh nghiệm xử lý rác thải, nước thải ở một số bệnh viện do ngành y tế quản lý phải có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống lò đốt rác tập trung. Vì đã có sự phân công trách nhiệm bởi một vấn đề đa ngành, Bộ trưởng Y tế hứa sẽ phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn giữa các ngành, các địa phương để làm hiệu quả hơn nữa việc xử lý rác thải, nước thải y tế, cũng như việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trả lời đại biểu Ðỗ Minh Hảo (Ðác Lắc) về tình trạng nhiều loại bệnh tật nặng (ung thư, tiểu đường, bệnh tim...) đang gia tăng, bệnh viện quá tải, Bộ trưởng Y tế thừa nhận đó là quy luật của các nước nghèo đang phát triển. Bộ Y tế đã biết, đã xây dựng một Chương trình phòng chống các loại bệnh tật này, nhằm giảm tác hại của nó.
Ðại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) chất vấn việc một số đơn vị y tế cơ sở lạm dụng việc xã hội hóa đã "bắt" người bệnh có thẻ BHYT phải tham gia nhiều dịch vụ để trả tiền, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có chuyện "nhập nhèm" này và hứa sẽ có biện pháp khắc phục rõ ràng, chỗ nào công là công, tư là tư, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.
Việc một số tờ báo thông tin về tình trạng thiếu y đức của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngành y tế ở TP Hồ Chí Minh, cũng như trên cả nước, Bộ Y tế rất lưu tâm, thường xuyên kiểm tra việc báo chí nêu, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Về vấn đề sữa nhiễm melamine được nhập vào Việt Nam, và xử lý vấn đề này như thế nào do đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) nêu ra, Bộ trưởng Y tế thông tin cập nhật vấn đề này ở Trung Quốc, ở châu Âu và ở nhiều nơi trên thế giới trong cách xử lý thuộc thẩm quyền của họ. Riêng Việt Nam, không chấp nhận có bất kỳ tỷ lệ melamine nào (dù là thấp) trong sản phẩm sữa và các loại thực phẩm khác.
Một số đại biểu QH còn tỏ ra băn khoăn chưa thật sự hài lòng về nội dung trả lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu chung quanh việc xử lý vấn đề hoa quả nhập khẩu có sử dụng hóa chất "bảo vệ" độc hại; việc xử lý rác thải và nước thải y tế; việc xã hội hóa công tác y tế; việc giữ đội ngũ cán bộ y tế bằng chính sách, chế độ ưu đãi; việc tăng cường y đức, và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh... đã được Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu hứa trả lời bằng văn bản, gắn liền với các giải pháp khắc phục sau khi làm việc, và bàn phương thức phối hợp hiệu quả với các ngành có liên quan, các địa phương.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng Y tế sát sườn, được nhân dân quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời sinh động, ngắn gọn, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, có tranh luận, đem lại hiệu quả tốt. Bộ trưởng Y tế đã thực hiện hiệu quả các lời hứa tại kỳ họp trước. Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Y tế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các lời hứa của mình trong khi trả lời chất vấn của đại biểu QH.
Ý kiến bạn đọc