Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là lợi ích cơ bản và nguyện vọng chung của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc

08:11, 24/10/2008

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 23-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Ngô Bang Quốc tại Ðại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh.


 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng thăm chính thức Trung Quốc; khẳng định Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng và làm hết sức mình để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện và lâu dài với Trung Quốc, theo phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt.

Thủ tướng cho rằng, việc hai nước phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Ðảng, Nhà nước là lợi ích cơ bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, góp phần tiếp tục phát triển và vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông xây dựng và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Thủ tướng hy vọng, hai bên phối hợp thực hiện tốt Thỏa thuận đạt được giữa hai đồng chí Tổng Bí thư, đặc biệt là những biện pháp quan trọng đạt được trong chuyến thăm lần này, để đưa mối quan hệ hai nước thật sự trở thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Ủy viên trưởng Ngô Bang Quốc nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng thành công tốt đẹp của chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ðồng chí khẳng định Ðảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam và bày tỏ tin tưởng kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt là những nhận thức chung quan trọng đạt được trong các cuộc hội kiến và hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Ðảng, hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.

Ðồng chí bày tỏ vui mừng và chúc mừng những thành tựu quan trọng Việt Nam đã giành được trong thời gian qua; tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên con đường đổi mới, mở cửa, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Ủy viên trưởng Ngô Bang Quốc cảm ơn lời thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, cảm ơn lời mời sang thăm Việt Nam của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và tỏ ý vui mừng sẽ thăm lại Việt Nam vào thời gian thuận tiện.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Phần Lan T.Halonen; tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Ba Lan D.Tusk và Thủ tướng CH Malta L.Gonzi.

Hội kiến Tổng thống Phần Lan T.Halonen, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Phần Lan; đánh giá cao hỗ trợ phát triển Phần Lan đã dành cho Việt Nam.

T
ổng thống Halonen bày tỏ ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm Việt Nam mới đây; vui mừng trước những thành tựu nhân dân Việt Nam đã đạt được; khẳng định phát triển quan hệ đối tác bình đẳng với Việt Nam; tiếp tục dành hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, tăng cường các cuộc trao đổi cấp cao; khẳng định sẽ tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực; đánh giá cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hai nước, đặc biệt là Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế.

Hai Thủ tướng thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến về những biện pháp đối phó với khủng hoảng, đặc biệt là việc củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng của mỗi nước, tập trung thực hiện Tuyên bố Chiềng Mai, tăng cường phối hợp chính sách, phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường theo dõi các diễn biến phức tạp, hoạt động của thị trường chứng khoán, hết sức coi trọng yếu tố tâm lý, củng cố lòng tin của nhà đầu tư và người dân.

Tại cuộc tiếp Thủ tướng Ba Lan D.Tusk, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan trong những năm gần đây đã có những bước phát triển năng động, đặc biệt là về kinh tế-thương mại, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 có thể đạt hơn 500 triệu USD, hoàn thành sớm hai năm mục tiêu mà hai Chính phủ đề ra đến năm 2010.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy việc giải ngân khoản tín dụng 300 triệu USD phía Ba Lan sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam; tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực đóng tàu, khai khoáng, nông sản, điện tử, cơ khí, lương thực.

Thủ tướng Ba Lan D.Tusk khẳng định ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU và trong việc đàm phán Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU.

Hai Thủ tướng đánh giá cao vai trò cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan và những người đã từng học tập và làm việc tại Ba Lan, coi đây là cầu nối để tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Thủ tướng Tusk thăm Việt Nam. Thủ tướng Tusk nhận lời và khẳng định sẽ sớm tiến hành chuyến thăm.

Tại cuộc tiếp Thủ tướng Malta L.Gonzi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hai nước có nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác về nhiều mặt, mong muốn ngày càng nhiều các doanh nghiệp Malta đến Việt Nam tìm hiểu, xây dựng quan hệ, kinh doanh với các đối tác Việt Nam.

Hai Thủ tướng vui mừng về thành tựu của hai nước trong xây dựng, phát triển đất nước và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, sắp tới kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ toàn diện, nhất là về kinh tế- thương mại, sớm xúc tiến đàm phán để ký kết một số hiệp định khung hợp tác kinh tế, tăng cường giao lưu văn hóa, tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.

Thủ tướng Malta L.Gonzi khẳng định ủng hộ việc Việt Nam đề nghị sớm được EC công nhận là nước có nền kinh tế thị trường. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng L.Gonzi thăm Việt Nam và Thủ tướng L.Gonzi mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Malta.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đã thăm Ðại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và nói chuyện thân mật với đông đảo cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc, đại diện lưu học sinh, các doanh nghiệp Việt Nam và bà con Việt kiều tại Bắc Kinh.

* Cùng ngày, tại Bắc Kinh, phát biểu ý kiến trước đại diện hơn 400 đại biểu dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam -  Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện song phương, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hiện Trung Quốc là bạn hàng thương mại số một của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, trong chuyến thăm này, Ðoàn Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc trao đổi một số biện pháp nhằm cụ thể hóa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, trong đó, đặt trọng tâm ưu tiên vào lĩnh vực thương mại và đầu tư, với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 25 tỷ USD vào năm 2010.

Thủ tướng khẳng định, các doanh nghiệp của Trung Quốc có thể hoàn toàn yên tâm làm ăn tại Việt Nam và cần tận dụng điều kiện hết sức thuận lợi hiện nay để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư với các đối tác của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi một dự án được triển khai là chiếc cầu nối hữu nghị thiết thực giữa hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng đã giải đáp một số kiến nghị của các doanh nghiệp Trung Quốc về các giải pháp kiềm chế lạm phát, những chính sách ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp Trung Quốc...

Ngay sau diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa hai nước, gồm Thỏa thuận khung hợp tác giữa Tập đoàn Chiêu thương (Trung Quốc) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Thỏa thuận ghi nhớ về thăm dò than ở khu vực đồng bằng sông Hồng giữa Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Than quốc gia (CNACG) và Công ty liên doanh Bantry Bay Asia LLC; Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) với Tập đoàn Chiêu thương; và Thỏa thuận nguyên tắc liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu sạch tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với Tập đoàn Xinao...

* Tại Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu 11 (AEBF 11), được tổ chức cùng ngày tại Bắc Kinh, với sự tham dự của đại diện hơn 800 doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn là "Nắm bắt xu thế, thời điểm hành động và quan hệ đối tác công - tư".

Thủ tướng cho rằng, các vấn đề diễn đàn thảo luận cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Á - Âu đã nhận thức được sứ mệnh của mình trong thời điểm cực kỳ quan trọng hiện nay đối với sự phát triển và phồn vinh của cả hai châu lục.

Theo Thủ tướng, một trong những giải pháp quan trọng giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua những khó khăn hiện nay là tăng cường các quan hệ đối tác công - tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", với nhiều chính sách, như đa dạng hóa hình thức sở hữu; thực hiện cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ Việt Nam cũng đang khẩn trương hoàn thiện khung pháp luật phù hợp tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các mô hình hợp tác đầu tư có tính chất đối tác công - tư như BOT, BTO, BT... trên mọi lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

* Diễn đàn hợp tác đầu tư và kinh doanh Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra chiều 22-10, tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với sự tham dự của 130 doanh nghiệp nước ta và hơn 200 doanh nghiệp Trung Quốc.

Dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn. Hai Ðảng và Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh.

Phó Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn là cơ hội giới thiệu chính sách, môi trường kinh doanh, thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhất là giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào; hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 22-10 lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Ðại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
23/10/2008
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Bình, giám sát tại xã Ngọc Minh
HGĐT- Vừa qua, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Bình đã đi kiểm tra, giám sát công trình thủy nông tại thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, Vị Xuyên, cùng đi có lãnh đạo huyện.
22/10/2008
Hội đàm hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Bắc Kạn với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
HGĐT- Sau gần 3 ngày khảo sát thực tế tuyến du lịch đường thuỷ hồ Bắc Mê - thuỷ điện Nà Hang và hồ Ba Bể; ngày 21.10, tại thị xã Hà Giang, 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Cục Du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tổ chức Hội đàm về hợp tác phát triển du lịch.
22/10/2008
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô làm việc với thị xã
HGĐT- Vừa qua, đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh, đã làm việc với lãnh đạo thị xã về tiến độ thực hiện việc giải phóng mặt bằng tuyến đường Cầu Mè - Công viên Nước Hà Phương và một số dự án liên quan trên địa bàn.
22/10/2008