QH thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009

09:16, 29/10/2008

Ngày 28-10, tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XII, các đại biểu thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.


 
 
Tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững

Trong thảo luận, nhiều đại biểu QH cơ bản tán thành với đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của đất nước năm 2008 nêu trong Báo cáo của Chính phủ trình trước QH tại phiên khai mạc kỳ họp này. Ðó là, từ những tháng cuối năm 2007, những biến động không thuận của kinh tế thế giới, những khó khăn trong nước và những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo điều hành đã làm cho tình hình kinh tế quý I năm 2008 có những diễn biến bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống, đe dọa nghiêm trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng tiếp theo, kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm và biến động rất phức tạp, giá cả tăng cao, lạm phát diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề khiến cho việc kiềm chế lạm phát càng khó khăn hơn. Chính phủ đã chủ động theo sát tình hình, phân tích các diễn biến, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng, đề cao trách nhiệm, quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Ðến nay, tuy khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng tình hình kinh tế-xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Lạm phát đã được kiểm soát và có dấu hiệu chậm lại. Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao, an sinh xã hội được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội kịp thời như chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân, hỗ trợ cho nông dân ở một số tỉnh phía bắc tiền mua lúa giống, mua trâu bò sau đợt rét đậm, rét hại và dịch bệnh vào đầu năm 2008; miễn thủy lợi phí trên phạm vi cả nước.

Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin, bảo vệ môi trường được chú trọng. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có những chuyển biến tích cực, chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với nhận định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH (đại biểu Dương Kim Anh, tỉnh Trà Vinh và một số đại biểu khác). Ðó là: Tăng trưởng kinh tế những năm qua chưa thật sự tạo ra sự phát triển bền vững, mới thể hiện về mặt lượng, chậm cải thiện về chất. Thu ngân sách Nhà nước đạt cao, vượt 76.000 tỷ đồng nhưng chủ yếu vượt thu từ dầu thô và thu về nhà đất. Ðại biểu Dương Kim Anh đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Báo cáo của Chính phủ đánh giá, khu vực dân doanh, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn nhưng cũng đạt kết quả khá. Trong khi đó, tại diễn đàn doanh nghiệp-ngân hàng-chứng khoán tổ chức tại Hà Nội ngày 3-10 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cảnh báo rằng, 20% số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, 60% số doanh nghiệp đang bị đình trệ và chỉ còn 20% thích nghi với lạm phát. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đưa ra cuối tháng 8-2008, Việt Nam có khoảng 350.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, 60.000 doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.

Ðại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đánh giá cao sự thẳng thắn nhận thiếu sót, khuyết điểm của Chính phủ. Tuy nhiên, cần chỉ rõ thiếu sót của bộ, ngành nào, ai chịu trách nhiệm.

Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cần làm tốt vai trò chủ lực

Ðại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) phân tích khối doanh nghiệp Nhà nước được Ðảng và Nhà nước xác định là chủ lực của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã dồn vốn, tập trung để cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế lớn, các Tổng công ty. Nhưng vừa qua chưa đạt được hiệu quả đầu tư, nếu so sánh thì nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhất là những công ty lớn, những tổng công ty và những tập đoàn kinh tế lớn hiệu quả thấp. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn, các tổng công ty, khó đánh giá về khả năng trả nợ, vay của các doanh nghiệp nhà nước. Ðại biểu này cho rằng, đối chiếu với tình hình nhiệm vụ của năm 2009, Chính phủ cũng đề ra giải pháp là sang năm phải tập trung để kiện toàn, nâng cao chất lượng và đánh giá toàn diện hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nếu như chúng ta làm tốt việc này thì chắc chắn sẽ hạn chế lạm phát và nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.

Ðại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cùng quan tâm vấn đề nêu trên, nhưng đề cập ở một góc độ khác. Ðó là vai trò của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước đối với lạm phát và chống lạm phát. Theo đại biểu này, mục tiêu hàng đầu của chúng ta năm 2008 cũng là của năm 2009, là kiềm chế lạm phát. Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Có thể nói, các tập đoàn, các tổng công ty ở những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, những sản phẩm hàng hóa, những dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và đời sống trong sáu tháng đầu năm đã không tăng giá, rồi đẩy mạnh sản xuất để bảo đảm nguồn hàng góp phần bình ổn thị trường, nhiều lĩnh vực được nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước lại là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát.

Ðại biểu này đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về cơ chế quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước theo hướng dần dần xóa bỏ độc quyền và giảm hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời công khai các hoạt động của các doanh nghiệp này.

Về giải pháp, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đồng ý với hệ thống giải pháp bảy điểm của Chính phủ, nhưng đề nghị chú ý ba giải pháp trong điều hành. Ðó là, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất trong doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyển hướng sang đẩy mạnh cho vay ở khu vực nông thôn, nông nghiệp, nông dân; đầu tư cho môi trường, y tế, xã hội tạo yếu tố bền vững. Trong điều hành, chú ý xử lý linh hoạt như bài học kinh nghiệm của năm 2008.

Tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Các đại biểu: Võ Văn Liêm (Vĩnh Long), Nguyễn Sáng Vang (Tuyên Quang), Trần Minh Mẫn (Long An), Hồ Thị Cẩm Ðào (Sóc Trăng) Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) và nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ và các bộ ngành T.Ư cần tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai bão, lũ. Thời gian qua, giá vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi luôn tăng, nhưng giá sản phẩm  đầu ra bấp bênh, gây bất lợi cho nông dân; dẫn đến tình trạng người dân bỏ sản xuất, lên thành phố kiếm ăn. Ðiệp khúc được mùa, rớt giá diễn ra nhiều năm, nhưng các cấp chính quyền, ngành chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu, đời sống của nông dân ngày càng khó khăn.

Ðề nghị Chính phủ cần có chính sách linh hoạt trong điều hành xuất khẩu lúa, gạo và thủy sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định và các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thu mua, chế biến và xuất khẩu nông, thủy sản. Cần có chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp sản xuất, thu mua, chế biến nông sản hàng hóa của nông dân. Hình thành các tổ chức tín dụng để kịp thời phục vụ sản xuất, nuôi trồng và chế biến nông, thủy sản. Tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá. Một số đại biểu cho rằng, công tác dự báo về điều hành xuất khẩu lương thực, thủy sản vừa qua còn lúng túng, chưa chính xác.

Ðại biểu Ngô Tự Nam (Ðồng Tháp) và một số đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, tiêu thụ  giống cây trồng, vật nuôi, phân bón giả, kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến  sản xuất và đời sống của nông dân. Ðại biểu Ngô Tự Nam cho rằng, nông dân đang phải vật lộn với nạn sản xuất, tiêu thụ  giống cây trồng, vật nuôi, phân bón giả, kém chất lượng. Ðề nghị các cấp chính quyền, lực lượng quản lý thị trường và công an cùng các ngành chức năng phải coi cuộc đấu tranh với tệ nạn này là nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay, nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Các đại biểu: Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc), Phùng Văn Toàn (Phú Thọ), Ðiểu KRé (Ðác Nông) và một số đại biểu đề nghị Chính phủ  triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 của Ðảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sớm cụ thể hóa bằng các chương trình, mục tiêu, cơ chế chính sách để tập trung đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng hay bị thiên tai.

Theo đại biểu Võ Trọng Việt (Sơn La), cần nâng mức kinh phí cho nông dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc rừng, nhất là rừng đầu nguồn, gắn công tác chăm sóc, bảo vệ rừng với bảo vệ biên giới, môi trường và thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðại biểu Nguyễn Sáng Vang và một số đại biểu đề nghị tăng mức đầu tư cơ sở hạ tầng cho miền núi, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số.

Thực hiện cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Theo đại biểu  Võ Trọng Việt và một số đại biểu khác, công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Công tác xây dựng thể chế còn chậm, chất lượng chưa cao, bộ máy còn cồng kềnh, thủ tục hành chính còn rườm rà. Báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào  còn  chưa đạt yêu cầu trong cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để có biện pháp xử lý, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Ðề nghị thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp. Thực hiện công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời tăng cường  giám sát của các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân. Ðề nghị tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất,  tạm dừng, hoãn, giãn tiến độ đầu tư xây dựng các công trình chưa cấp thiết sử dụng vốn ngân sách...


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống Nga D.Medvedev; hội kiến với Thủ tướng V.Putin
Theo TTXVN, tiếp tục chuyến thăm chính thức LB Nga, chiều 27-10 (theo giờ địa phương), tại Ðiện Kremlin ở Thủ đô Mát-xcơ-va, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống LB Nga Dmitri Medvedev đã tiến hành hội đàm.
28/10/2008
Ban chỉ đạo Tây Bắc làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Trong các ngày từ 21 - 24.10, đoàn công tác Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Bắc do đồng chí Đàm Thơm, Phó BCĐ làm trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát, xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ đặc biệt về kinh tế nhằm XĐGN và xoá bỏ tình trạng du canh, di cư tự do của người Mông tại tỉnh ta.
28/10/2008
Thủ tướng CH Slovakia Robert Fico thăm chính thức nước ta
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước CH Slovakia đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta. Cùng đi có: Ngoại giaoJan Kubis, Bộ trưởng Kinh tế Lubomir Jahnatek, Ðại sứ Slovakia tại Thái-lan kiêm nhiệm Việt Nam V.Piten; một số quan chức Văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao.
27/10/2008
Hội nghị BCH Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2005 - 2010)
HGĐT- Ngày 21 và 22.10, Hội nghị BCH Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đã được tổ chức, nhằm tổng kết, kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được trong 9 tháng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.
27/10/2008