Ban chỉ đạo Tây Bắc làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Trong các ngày từ 21 - 24.10, đoàn công tác Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Bắc do đồng chí Đàm Thơm, Phó BCĐ làm trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát, xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ đặc biệt về kinh tế nhằm XĐGN và xoá bỏ tình trạng du canh, di cư tự do của người Mông tại tỉnh ta.
Cùng đi có đồng chí Mùa A Tủa, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc tôn giáo; chuyên viên Bộ NN - PTNT,KH-ĐT… Sau khi khảo sát thực tế tại xã Phố Cáo (Đồng Văn), Thuận Hoà (Vị Xuyên); sáng 24.10, đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Vương Mí Vàng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, một số huyện.
Vùng Tây Bắc là địa bàn cư trú của hơn 30 dân tộc với gần 10 triệu người, trong đó dân tộc Mông có trên 800 nghìn người, chiếm 8% dân số. Để phát triển KT-XH vùng dân tộc Mông, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách như: Chương trình Quốc gia XĐGN, Quyết định 186/TTg về phát triển KT-XH 6 tỉnh đặc biệt khó khăn vùng núi phía Bắc, Quyết định 120/TTg, Quyết định 33/TTg, Chương trình 134, 135… Những chương trình này được các địa phương triển khai tích cực nhằm phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống, ổn định dân cư, hạn chế tình trạng du canh, di cư tự do. Sau một thời gian thực hiện đã làm thay đổi cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ đói, nghèo đã giảm. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; công tác định cư cho đồng bào Mông vẫn còn nhiều bất cập, đầu tư thiếu đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của đồng bào Mông còn thấp, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp chậm.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Mí Vàng khẳng định: Đồng bào dân tộc Mông Hà Giang có khoảng 218 nghìn người, chiếm 31,2% dân số và cư trú tập trung ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Do phong tục, tập quán, đồng bào Mông thường sống ở núi cao, vùng sâu, thiếu đất canh tác, nước sinh hoạt, giao thông khó khăn. Mặt khác, việc sắp xếp, bố trí dân cư có lúc, có nơi chưa giải quyết thoả đáng các yếu tố văn hoá, điều kiện sản xuất, nước nước sinh hoạt nên đồng bào chưa thực sự yên tâm định cư. Vì vậy, cần quy hoạch dân cư theo nhóm, có chính sách đầu tư cụ thể cho từng vùng.
Mục tiêu của Đảng, Nhà nước đến năm 2015 phải hoàn thành việc định canh, định cư, tiến tới xoá bỏ tình trạng du canh, di cư tự do của người Mông; 100% hộ người Mông du canh, di cư tự do được định canh, định cư theo quy hoạch, có đất ở, nhà ở, đất sản xuất; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH ở các điểm định canh, định cư tập trung hoặc xen ghép; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao dân trí, phấn đấu 100% thôn bản vùng đồng bào Mông có nhà văn hoá cộng đồng... Để đạt được mục tiêu trên cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; ưu tiên thực hiện định canh, định cư, bố trí, sắp xếp lại dân cư theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức cho các hộ đồng bào Mông du canh, di cư tự do về sinh sống tại các điểm định canh, định cư. Nghiên cứu hỗ trợ các lớp đào tạo nghề và mức hỗ trợ cho lao động là người dân tộc Mông; hỗ trợ 100% tiền mua giống cây trồng mới, 50% lãi suất ngân hàng đối với hộ vay vốn phát triển sản xuất.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đàm Thơm nhấn mạnh: BCĐ Tây Bắc được Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp với 5 bộ thực hiện đề án chính sách hỗ trợ đặc biệt về kinh tế nhằm XĐGN và xoá bỏ tình trạng du canh, di cư tự do của người Mông. Quá trình khảo sát thực tế tại tỉnh cho thấy: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc Mông trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu XĐGN bền vững, chấm dứt tình trạng du canh, di cư tự do tại vùng đồng bào dân tộc Mông cần có nhiều chính sách, các chương trình, dự án hỗ trợ cho dân. Trên cơ sở kiến nghị của người dân, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, BCĐ Tây Bắc sẽ kiến nghị, xây dựng chính sách hợp lý.
Ý kiến bạn đọc