Tập huấn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng
HGĐT- Từ 16 đến 18.9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Viện Lịch sử Đảng, thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, mở lớp Tập huấn nghiệp vụ công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng. Đồng chí Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, dự và phát biểu khai mạc.
Trong thời gian 3 ngày, hơn 200 học viên là cán bộ phụ trách công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo các Huyện, Thị, Đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Thường trực Đảng ủy 195 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, được các giảng viên: PGS.TS Nguyễn Thanh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; TS Hoàng Thị Kim Thanh, Trưởng ban Địa phương - Viện Lịch sử Đảng; Nguyễn Tĩnh Khảm, Phó trưởng Ban Địa phương - Viện Lịch sử Đảng, trực tiếp trình bày, giới thiệu các chuyên đề: ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng; Phương pháp luận của khoa học Lịch sử Đảng; Công tác khai thác, sưu tầm và sử dụng tài liệu Lịch sử Đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn; Tư liệu lịch sử, sự kiện lịch sử và viết biên niên Lịch sử Đảng bộ; Mối quan hệ giữa Lịch sử Đảng với Lịch sử Dân tộc, Lịch sử Đảng toàn quốc với Lịch sử Đảng địa phương, ban, ngành, đoàn thể và Quy trình nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể...
Phát biểu ý kiến tại lớp tập huấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đàm Văn Bông nhấn mạnh: Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng của tỉnh những năm qua đạt được một số thành tựu. Đến nay, toàn tỉnh đã biên soạn, xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh và 10/11 huyện, thị (riêng huyện Quang Bình mới thành lập nên chưa có điều kiện viết Lịch sử Đảng). Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Đến năm 2008, cả tỉnh mới có 7 ban, ngành, đoàn thể, 6/195 xã, phường, thị trấn biên soạn xong Lịch sử hoặc Truyền thống Đảng bộ. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2010, mỗi huyện, thị phải hoàn thành biên soạn Lịch sử và Truyền thống đấu tranh cách mạng ít nhất 5 xã, phường, thị trấn; thu hẹp dần số xã chưa có. Chính vì vậy, lớp tập huấn có ý nghĩa quan trọng; các học viên cần nghiêm túc thực hiện quy chế của Ban tổ chức lớp. Trên cơ sở kiến thức được tiếp thu, cần liên hệ với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị để trao đổi, thảo luận, tìm ra vướng mắc để giảng viên giải đáp. Khi về cơ sở thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, thúc đẩy công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng các địa phương, ban, ngành, đoàn thể; góp phần vào việc lưu giữ những tư liệu lịch sử quan trọng và làm phong phú cho Lịch sử Đảng bộ địa phương.
Ý kiến bạn đọc