Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIV thành tựu to lớn, thách thức còn nhiều

17:33, 15/09/2008

HGĐT- Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đi được nửa chặng đường. Quãng đường đó nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.


 

 Sự tăng trưởng của ngành Công nghiệp có tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp ô tô của Nhà máy ô tô Giải phóng được đầu tư đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất.


Nhưng với quyết tâm lớn, tỉnh ta đã vượt qua thử thách, khai thác hiệu quả lợi thế và có bước tiến mạnh, nhiều chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra. Đó là niềm động viên, khích lệ, củng cố thêm quyết tâm phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Đại hội XIV vào năm 2009.

Vượt qua gian khó
Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2010 là: Nâng cao sức chiến đấu của Đảng, tạo sức mạnh đoàn kết các dân tộc, phát huy nội lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quyết tâm vượt ra khỏi tình trạng một tỉnh đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trong khu vực để sớm thoát khỏi tỉnh nghèo… Thoạt nghe có vẻ dễ thực hiện nhưng sẽ rất khó nếu không có sự tập trung cao độ trí tuệ của toàn Đảng, nguồn lực của nhân dân. Bởi lẽ, tuy thời gian trước khi diễn ra Đại hội XIV và cả những năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, KT-XH của tỉnh có nhiều chuyển biến nhưng xuất phát điểm đi lên của nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng cho phát triển chưa đồng bộ. Tỉnh ta nằm trong vùng chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh, mỗi năm cũng làm thiệt hại hàng chục, thậm chí trăm tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ, chất lượng tăng trưởng kinh tế.


Ngay những năm đầu thực hiện Nghị quyết, nhiều yếu tố ngoại cảnh như thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thiên tai, dịch bệnh đã làm thiệt hại trên 282 tỷ đồng, tương đương với 10% GDP của tỉnh. Công tác khắc phục hậu quả đã “ngốn” rất nhiều thời gian, nhân lực, vật lực, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng phải chịu những tác động lớn của lạm phát, việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển gặp rất nhiều khó khăn.


Tuy nhiên, chúng ta đã từng bước vượt qua những gian khó do ngoại cảnh mang lại. Nền kinh tế của tỉnh vẫn có những tăng trưởng đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 2005-2008 đạt 12%, thu nhập bình quân/người năm 2008 gấp 1,7 lần, lương thực gấp 1,1 lần năm 2005. Trên một số lĩnh vực chủ yếu, có tính quyết định đến nền kinh tế như nông - lâm nghiệp, giao thông - xây dựng, công nghiệp đã, đang phát triển theo chiều sâu, các lợi thế được khai thác hiệu quả. Trong sản xuất nông nghiệp, đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao. Nhiều chính sách mang tính đột phá, có tính chất quyết định thúc đẩy sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hoá; hỗ trợ hộ nghèo nuôi trâu, bò; chuyển diện tích đất trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng cỏ chăn nuôi; trồng rừng sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu giấy ở vùng thấp, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất…được triển khai đã phát huy hiệu quả.


Ở lĩnh vực công nghiệp, đã hoàn thành các quy hoạch quan trọng như quy hoạch ngành Công nghiệp đến 2020, quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ giai đoạn II; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng sắt, chì, kẽm, ăngtimon…Qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tìm hiểu môi trường, triển khai các hoạt động đầu tư ở các lĩnh vực thế mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Công nghiệp trong 3 năm đạt gần 22%, riêng năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến đạt 480 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2005. Sự tăng trưởng của các ngành chính đã góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh năm sau cao hơn năm trước… Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong số 91 chỉ tiêu ở các lĩnh vực, có 37 chỉ tiêu hoàn thành, hoàn thành vượt mức; 48 chỉ tiêu đạt từ 50% - dưới 100% kế hoạch. Chỉ còn 6 chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch.


Nhưng gian nan còn nhiều

Những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa rất lớn, động viên, khích lệ tinh thần, củng cố quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó còn thấp, thiếu tính bền vững. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng nhưng ở một số lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp, dịch vụ tăng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong khi đó tỷ trọng sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, xu hướng giảm chậm. Các dự án đầu tư vào tỉnh nhiều nhưng tiến độ triển khai chậm, dự án thuộc các lĩnh vực thế mạnh chưa phát huy được hiệu quả. Một số nhóm ngành sản xuất có xu hướng giảm như tỷ trọng công nghiệp chế biến giảm từ 5,07% năm 2005 xuống còn 4,45% năm 2006; sản xuất phân phối điện giảm từ 3,57% năm 2005 xuống 3,2% năm 2007. Từ năm 2005-2007, tỷ trọng thương mại không tăng, giữ ở mức 6,07%. Sản xuất manh mún, chưa trở thành vùng hàng hoá lớn, chất lượng các sản phẩm chưa cao, chưa nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh. Các sản phẩm hàng hoá trao đổi chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến nên sức cạnh tranh yếu, giá bán thấp hơn nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở chưa đáp ứng ngay được yêu cầu, nhiệm vụ.


Trong bối cảnh hiện nay có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động đến quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV. Nhưng Đảng bộ tỉnh không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu đã đề ra và còn quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, Nghị quyết Đại hội XIV vào cuối năm 2009. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao, tạo sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế; phấn đấu cao nhất để tất cả các chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra đều đạt và vượt. Trong đó có 50% số chỉ tiêu vượt từ 10-20%, đồng thời bổ sung 1 số chỉ tiêu mới làm cơ sở cho phát triển KT-XH giai đoạn 2010-2015.


Và quyết tâm cho chặng đường còn lại

Để quyết tâm trên thành hiện thực, các giải pháp được đưa ra: Đối với sản xuất nông - lâm nghiệp phải thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, phấn đấu sản lượng lương thực năm 2010 sẽ vượt mức 26 vạn tấn, đưa bình quân lương thực đạt trên 400 kg/người/năm. Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả thế mạnh của địa phương như chè, cam quýt, lê, đậu tương, cây dược liệu. Duy trì, mở rộng các vùng lúa hàng hoá chất lượng cao, trồng cây vụ đông ở vùng cao nhằm thực hiện tốt mục tiêu XĐGN. Xây dựng vùng vành đai thực phẩm và một số vùng sản xuất rau, hoa chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển theo lợi thế từng vùng để tăng nhanh đàn trâu, bò, dê, mật o­ng. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hoá. Tập trung trồng rừng sản xuất, đặc biệt vùng nguyên liệu giấy ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê. Thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc 10 ha cao su thí điểm ở Bắc Quang, Vị Xuyên để khẳng định khả năng thích nghi của loại cây này đối với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Nếu thành công, đây sẽ là hướng chính để phát triển KT-XH, XĐGN bền vững.


Đối với lĩnh vực công nghiệp tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thế mạnh theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến chuyên sâu. Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông - lâm sản với quy mô vừa trở lên, có công nghệ tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2010 mỗi huyện xây dựng được 2 làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi để khởi công tất cả các dự án thuỷ điện, khoáng sản, công nghiệp chế biến đã đăng ký. Đẩy mạnh hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB các khu, cụm công nghiệp, các dự án đầu tư để thu hút thêm nguồn lực bên ngoài, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.


Bên cạnh đó, sẽ tiến hành nghiên cứu, triển khai dự án xây dựng sân bay của tỉnh, tập trung mọi nguồn lực để đến năm 2010, tất cả các xã có đường nhựa hoặc đường bê-tông đến trung tâm, 100% thôn bản có đường giao thông cho phương tiện cơ giới… Các giải pháp này được thực hiện sẽ là động lực lớn, đưa nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng và chúng ta hy vọng mục tiêu đưa Hà Giang sớm thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo sẽ trở thành hiện thực.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm làm việc tại các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc
HGĐT- Vừa qua, đồng chí Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, có chuyến công tác tại các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc để kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2008, các chương trình mục tiêu có XDCB; công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cho các dự án đầu tư; các vướng mắc trong quyết toán các
15/09/2008
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc và vui Tết Trung thu tại tỉnh ta
HGĐT- Từ 10 đến 12.9, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) lên thăm, làm việc và phối hợp tổ chức hoạt động Trung thu năm 2008 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tại tỉnh ta.
15/09/2008
Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ III (nhiệm kỳ 2008-2013) thành công tốt đẹp
HGĐT- Ngày 11.9, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, Liên minh HTX tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2008-2013).
13/09/2008
Bộ CHQS và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh sơ kết phối hợp hoạt động
HGĐT- Ngày 10.9, tại Bộ CHQS tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 2512/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng và Hướng dẫn số 42/HD-TM của Bộ Tổng tham mưu về quy định quan hệ giữa Bộ chỉ huy BĐBP và Bộ CHQS tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tác chiến.
12/09/2008