Ðề phòng lũ lớn trên sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, sáng 25-9, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp. Hồi 10 giờ ngày 25-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,5 độ vĩ bắc; 105,9 độ kinh đông, trên địa phận tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tám đơn vị tuyến biên giới phía bắc đã đưa lực lượng, phương tiện, dự phòng hậu cần, bảo đảm thông tin đến các đồn, trạm biên phòng có nguy cơ bị cô lập, chia cắt do mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động ứng cứu, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh điều động 2.692 cán bộ, chiến sĩ với 179 tàu, xuồng, ô-tô sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả lũ, ngập lụt.
Những ngày vừa qua, các đơn vị biên phòng tuyến biển đã kêu gọi được 9.136 tàu, lồng bè (38.667 ngư dân) vào bến neo đậu an toàn. Trong đó, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng có 6.854 tàu. Tỉnh Bắc Cạn đã di chuyển 85 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, đồng thời thông báo cho các hộ ở vùng có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất sẵn sàng di dời khi cần thiết.
Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN đã cử hai đoàn công tác đi các tỉnh thuộc địa bàn các quân khu 1, 2, 3, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với bão. Các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến Bắc Cạn và Móng Cái (Quảng Ninh). Ðoàn công tác của Cục Cứu hộ, cứu nạn đã làm việc ở TP Hạ Long (Quảng Ninh), sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết.
Bộ Y tế vừa có công điện khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng, trung du Bắc Bộ, miền núi phía bắc và ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, yêu cầu triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh và cán bộ y tế; dự trữ đầy đủ thuốc, hóa chất và thiết bị y tế cho những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão; tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, dự trữ đủ cơ số thuốc, hoá chất và trang thiết bị y tế cần thiết ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt khi có mưa lớn.
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu tám tỉnh miền núi phía bắc tiếp tục thực hiện các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư; Chỉ đạo việc sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp ven sông suối và khu vực có nguy cơ sạt lở đất trước 20 giờ ngày 25-9; Căn cứ tình hình cụ thể về mưa lũ tại địa phương để quyết định cho học sinh nghỉ học, tránh tai nạn do mưa lũ gây ra; Báo cáo kết quả triển khai các nội dung trên về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư.
Công ty Thủy điện Tuyên Quang có công văn gửi Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, các huyện Na Hang và Chiêm Hóa, Ban quản lý dự án thủy điện 1. Theo đó, yêu cầu các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát dân cư ở hạ lưu hồ để có kế hoạch chủ động di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, vật tư, thiết bị và công trình.
Tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư tại vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các mỏ khai thác khoáng sản, các khu kinh tế trọng điểm; cảnh báo cho các khu vực dân cư sống ở hạ lưu các hồ chứa lớn và vừa (nhất là hạ lưu hồ Núi Cốc, ven sông Công) khi các hồ xả lũ; lên phương án kiểm tra chặt chẽ phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Sáng 25-9, Công ty Quản lý Cầu phà Quảng Ninh phối hợp các lực lượng cấm xe máy, mô-tô, xe thô sơ và người đi bộ qua cầu Bãi Cháy hướng Hòn Gai - Bãi Cháy do có gió mạnh. Sở Giao thông vận tải tỉnh thuê xe tải và xe buýt vận chuyển xe máy, xe đạp và người qua cầu miễn phí tại vị trí Ngã 3 Lê Lợi (Cuối cầu dẫn số 8) phía Hòn Gai. Trước đó, Cảng đã tạm dừng cấp phép 400 tàu đưa khách đi thăm Vịnh Hạ Long vì thời tiết xấu.
Trên địa bàn TP Hải Phòng đã có mưa kéo dài trên diện rộng và vào lúc triều cường nên chiều 25-9, nhiều tuyến đường nội thành đã ngập lụt. Các tuyến phố như Minh Khai, Trần Hưng Ðạo, Trần Phú, Ðinh Tiên Hoàng và Chợ Hàng... ngập 400-600 mm, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Tuy nhiên, trên các cánh đồng ở khu vực ngoại thành chỉ ngập chừng 100 mm, không gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Các xã ngoại thành đã chủ động bố trí các bơm nước di động để tháo nước ra khỏi đồng, bảo đảm cho lúa phát triển bình thường.
Từ 1 đến 8 giờ sáng 25-9, mưa lớn xảy ra trên diện rộng. Trên địa bàn thị xã Sơn La, mưa to kèm theo lốc và mưa đá làm hàng chục ngôi nhà của dân bị tốc mái, hàng chục cây cổ thụ bị đổ gãy. Suối Nậm La chảy qua thị xã Sơn La có lũ báo động III, nhiều hộ dân ven suối đã chuyển lên chỗ cao để tránh lũ quét. Tại khu vực Nà Sản, huyện Mai Sơn, mưa to làm dâng nước hồ Tiền Phong, gây ngập quốc lộ 6, đoạn km 270-272 Hà Nội - Sơn La. Hiện nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang tập trung di chuyển các hộ dân sinh sống ven sông suối, đề phòng mưa to xảy ra.
Ðể hạn chế dịch bệnh xảy ra sau lũ, tỉnh Phú Thọ đã cấp gần 11.200 lít hoá chất khử trùng loại Han-Iodine 10% cho các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Ðoan Hùng, Phù Ninh và thị xã Phú Thọ. Theo đó, số thuốc trên dùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch, tỉnh Lào Cai sẽ phải di dời 100% số hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở trước 21 giờ ngày 24-9. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh mới di chuyển được 1.000/2.221 hộ cần di dời đến nơi an toàn. Tại bản Lếch Mông, xã Thanh Kim (huyện Sa Pa) xuất hiện nhiều vết nứt đồi, đe dọa 50 hộ dân dưới chân núi. Ðến sáng 25-9, mới có 12 hộ được di dời. UBND xã Thanh Kim đang tích cực vận động, hỗ trợ bà con di chuyển đến nơi tránh bão an toàn.
Ngày 25-9, tỉnh Lạng Sơn có mưa, lượng mưa phổ biến 55 - 105mm. Theo thông tin ban đầu, chưa có thiệt hại về người và tài sản. Tại tỉnh lộ 250 tuyến đường Ðồng Mỏ, Hữu Kiên (Chi Lăng), bị sạt lở ta-luy dương tại km 21+700 và km 22+200, đường giao thông bị tắc. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang đưa các phương tiện xe máy vào thông đường. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động 1.500 cán bộ, chiến sĩ đến các nơi có nguy cơ xảy ra lũ lụt cao, sẵn sàng ứng cứu khi sự cố xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tính đến 7 giờ ngày 25-9, lượng mưa đo được tại huyện Mai Châu là 181 mm, Lạc Sơn 89 mm... Huyện Mai Châu đã di dời những hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm ở hai xã Tân Mai, Phúc Sạn đến nơi an toàn. Tỉnh đang khẩn trương di dời dân ở ven sông Ðà thuộc tổ 26 và khu vực cầu Ðen thuộc tổ 20 của phường Ðồng Tiến, các tổ 10, 11 phường Thái Bình (TP Hòa Bình). Huyện Cao Phong di dời gần 50 hộ dân ra khỏi vùng nứt đồi ở xóm ong, xã Nam Phong.
Chi cục PCLB và quản lý đê điều Nghệ An vừa khẩn trương hoàn thành dự án "Số hóa phương án PCLB, lũ ống, lũ quét", áp dụng ngay từ bây giờ. Tất cả dữ liệu liên quan đến lụt bão, lũ ống, lũ quét trên phạm vi toàn tỉnh Nghệ An và từng xã, huyện nằm trong vùng có nguy cơ cao đều được số hóa, đưa vào đĩa CD, tạo thuận lợi cho các đơn vị tìm kiếm, tra cứu nhanh các thông tin liên quan đến lũ ống, lũ quét, triển khai phương án phòng chống, di dời nhân dân.
Theo Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), hiện nay, hơn 200 công nhân, kỹ sư đang ngày đêm khẩn trương thi công để gấp rút hoàn thành công trình xây dựng tuyến đê biển bảo vệ khu vực Nhà máy lọc dầu, phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 30-9. Ðược biết, tuyến đê có chiều dài 270 m, rộng 60 m, cao 6 m so với mặt nước biển, kinh phí đầu tư khoảng 2,2 triệu USD.
Ý kiến bạn đọc