Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc và vui Tết Trung thu tại tỉnh ta
HGĐT- Từ 10 đến 12.9, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) lên thăm, làm việc và phối hợp tổ chức hoạt động Trung thu năm 2008 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tại tỉnh ta.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH chia quà Trung thu cho các cháu tại xã Lũng Cú (Đồng Văn).
|
Cùng đi có lãnh đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Quỹ hỗ trợ trẻ em Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ: Sữa Vinamilk, Công ty Bánh kẹo Kinh đô... Đón đoàn tại cầu Trì (Vĩnh Tuy) có đồng chí Hoàng Minh Nhất, ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở LĐ-TBXH.
Ngày 11.9, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các huyện vùng cao núi đá và có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đồng Văn, xã Lũng Cú. Dự buổi làm việc về phía tỉnh có đồng chí Vương Mí Vàng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, Tỉnh đoàn, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, Sở GD-ĐT...
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và huyện Đồng Văn, trên cương vị Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ trong xây dựng dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện nghèo, đồng chí Bộ trưởng đã tìm hiểu thực tế, khảo sát thực trạng nghèo của huyện; để tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trong cả nước.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TBXH, cả nước hiện có 61 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50% tổng số hộ thuộc diện nghèo). Riêng Hà Giang có 6 huyện thuộc đối tượng này, gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần , đều có tỷ lệ trên 50% tổng số hộ thuộc diện nghèo.
Theo báo cáo thực trạng giảm nghèo của huyện, tỉnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nổi bật là Chương trình 134 và 135 của Chính phủ, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng lên một bước, tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH - phát triển. Nhờ các chính sách, dự án hỗ trợ mà tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện nêu trên đã giảm đáng kể. Nếu như đầu năm 2006, tỷ lệ này của 6 huyện là gần 67% thì đến hết năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của 4 huyện phía Bắc và hai huyện phía Tây đã giảm xuống 50,41%. Tỉnh đã xây dựng Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2010, đề ra mục tiêu cụ thể: Giảm hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 6% trở lên, phấn đấu hết năm 2009, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 25% trong tổng số hộ của toàn tỉnh, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là dưới 20%. Riêng với các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% hiện nay phải phấn đấu mỗi năm giảm được trên 8% tỷ lệ hộ nghèo trên tổng số hộ của mỗi huyện.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH vui thu cùng các cháu tại xã Lũng Cú (Đồng Văn).
Tỉnh đã đưa ra một số kiến nghị với T.Ư và Bộ LĐ-TBXH: Các chính sách giảm nghèo đã ban hành phải đảm bảo tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ cả về các văn bản chỉ đạo cũng như tiến độ cấp ngân sách thực hiện; các thủ tục cần đơn giản để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện phân cấp đạt hiệu quả, dễ thực hiện. Riêng đối với các huyện nghèo, mức đầu tư cần được đảm bảo 100% vốn từ ngân sách hỗ trợ và được tính đến phần hệ số chênh lệch địa bàn khó khăn. Đề nghị tăng cường nguồn lực cho chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, đặc biệt là dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, nhân rộng mô hình giảm nghèo... Mở rộng đối tượng hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Có giải pháp đột phá trong lĩnh vực tạo việc làm sau đào tạo nghề cho người lao động các khu vực đặc biệt khó khăn, các huyện thuộc diện nghèo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH bày tỏ sự cảm thông trước những khó khăn của người dân Hà Giang nói chung, các huyện vùng cao nói riêng đang phải đối mặt. Theo Bộ trưởng, trong điều kiện thiếu đất, thiếu nước trầm trọng như hiện nay mà bà con vẫn bám trụ được và đang có những bước chuyển tích cực trong cuộc sống là điều đáng khâm phục. Bộ trưởng khẳng định, với chức năng của mình, Bộ LĐ-TBXH sẽ có những tham mưu cụ thể với Chính phủ để chia sẻ và sát cánh cùng nhân dân Hà Giang từng bước vượt qua khó khăn. Bộ trưởng cũng đánh giá cao những kết quả trong triển khai những chính sách xã hội của tỉnh và các ngành chức năng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các huyện vùng cao và chương trình xoá nhà tạm đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn. Bộ trưởng cũng đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và cho rằng, cùng với thực trạng tại các huyện nghèo của Hà Giang, những kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo của tỉnh sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ LĐ-TBXH tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của cả nước, trong đó có 6 huyện của Hà Giang.
Trong dịp này, Bộ LĐ-TBXH cùng Bộ Tư lệnh Biên phòng và các nhà tài trợ phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức đêm “Trung thu nhớ Bác” tại trung tâm xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Tại đêm Trung thu, gần 500 cháu thiếu nhi đến từ 2 xã Lũng Cú và Ma Lé được nhận những suất quà từ các nhà tài trợ. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi đọc Thư chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu; đã hỏi thăm ân cần và cùng vui phá Cỗ Trông trăng với các cháu và người dân nơi đây ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú.
Ngày 12, đồng chí Bộ trưởng và Đoàn công tác đến trao tặng 400 suất quà của các nhà tài trợ cho các hộ và các cháu thiếu nhi huyện Quang Bình - nơi vừa bị thiệt hại do lũ quét gây ra. Chiều cùng ngày, đồng chí Bộ trưởng và Đoàn công tác kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc và vui Tết Trung thu tại Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc