Tháng Tám về vùng cách mạng Bắc Quang

17:28, 18/08/2008

(HGĐT)- Mẹ Ma Thị Lâm, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, kể rằng: Ngày 4.8.1945, đội quân cách mạng do ông Quảng Ba dẫn đầu đã đi từ Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về đến Tiểu khu kháng chiến Trọng Con, mở đầu cho cuộc cách mạng cùng cả nước giành độc lập dân tộc tại Hà Giang.


Những nẻo đường kháng chiến:

Quốc lộ 279 rộng, phẳng vươn giữa ngàn xanh của rừng, ruộng đưa tôi về các xã: Kim Ngọc, Bằng Hành, Liên Hiệp... Dòng thác reo vui dưới chân cầu Thác Vệ rồi lặng lẽ uốn lượn ôm lấy khu đồi Thác Vệ - điểm chỉ huy tiền tiêu của đội quân cách mạng cách đây 63 năm về trước. Cánh đồng Nà Mi đang thì con gái xõa mái tóc thề đón sóng đung đưa trong ánh nắng chiều. Bụi tre ngà xưa nay vẫn đó, đứng trầm mặc với thời gian để giữ gìn lịch sử của đoàn quân kháng chiến thời đó ngày đêm tập luyện, ghé bóng tre ngà hóng mát, chờ lệnh tấn công quân thù. Đâu đó, tiếng quân lệnh như còn vang. Đâu đó, những ánh mắt căm hờn giặc, những nụ cười hiền hậu của lớp lớp thanh niên vùng Trọng Con cứ đem lại trong tôi cảm xúc dâng trào. Ký ức hào hùng về lịch sử được lưu giữ trong Nhà bảo tàng Thác Vệ. Một chiếc túi, bộ quân phục bạc màu của ông Bế Triều, của ông Xuân Trường. Những lưỡi mác, thanh kiếm thép, các tài liệu, mệnh lệnh, công văn hỏa tốc của cuộc khởi nghĩa xưa vẫn còn đây... Chuyện kể: Trước khi cách mạng về, có một ông giáo Bút đi từ Cao Bằng sang đây dạy học. Chính ông giáo Bút là người truyền thụ tư tưởng cách mạng của Đảng về với Trọng Con, nhen nhóm ngọn lửa cho cuộc kháng chiến thắng lợi trước ngày đội quân cách mạng của ông Bế Triều tiến sang từ Chiêm Hóa (Tuyên Quang), ngày 4.4.1945 với 57 chiến sĩ. Tại đồi Thác Vệ, ngày 5.4.1945, dưới sự lãnh đạo của ông Bế Triều, ủy ban Cách mạng xã bộ Việt Minh đã được thành lập để kêu gọi nhân dân đứng dậy đánh Tây, đuổi Nhật, dẹp giặc Cờ trắng. được sự hậu thuẫn của cụ Ma Tường Phương (hồi đó làm Chánh tổng Bằng Hành đã giác ngộ cách mạng ủng hộ kháng chiến), phong trào cách mạng Trọng Con lan tỏa ra các xã: Hồng Minh (Bằng Hành), Quý Quốc (Hữu Sản), Kim Đồng (Kim Ngọc), Cố Minh Khai (Sảo), Xuân Trường (Vô Điếm) và xã Cao Đường (Đức Xuân) ngày nay. Rồi ngọn lửa cách mạng cứ lan rộng mãi lên xã Bạch Ngọc, Ngọc Minh (Vị Xuyên), lan qua Tiểu khu Gia Tự (Đồng Yên - Vĩnh Phúc), lan vào trấn Yên Bình (Quang Bình)... tạo thành một cao trào cách mạng dân tộc to lớn dưới sự lãnh đạo của ủy ban cách mạng xã bộ Việt Minh, cùng cả nước giành trọn vẹn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tháng 8.1945. Trong đó, cách mạng tháng 8.1945 trên địa bàn tỉnh ta được bắt đầu từ vùng cách mạng Trọng Con. 63 năm, lần theo những nẻo đường kháng chiến khi xưa, nay đường đã phẳng, đồng xanh ngắt, cả một vùng kháng chiến khi xưa đang mang trên mình một sứ mệnh lịch sử to lớn của một thời kỳ đất nước đang tiến nhanh, tiến mạnh vào giai đoạn CNH-HĐH, để hội nhập, phát triển. Bắc Quang lại được xác định thành “Vùng kinh tế động lực” của tỉnh.


Vùng kinh tế trọng điểm:

Thật vui khi được biết: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, Bắc Quang đã đạt được kết quả rất đáng mừng. Trong tổng số 29 chỉ tiêu Đại hội XIX đề ra, có tới 18 chỉ tiêu cơ bản về KT-XH đã hoàn thành. Có 5 chỉ tiêu đạt trên 90%, 4 chỉ tiêu đạt 70%. Đáng nói nhất là nền kinh tế Bắc Quang đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, thuần nông sang nền kinh tế thị trường. Trong nông nghiệp, diện tích lúa chất lượng cao chiếm tới 80% (3.125 ha/4.000 ha/vụ). Việc áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh đã chuyển vụ từ 2 vụ lên 3 vụ/năm. Đưa thu nhập bình quân 42 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi và kinh tế trang trại đang chiếm ưu thế trong sản xuất nông nghiệp ở huyện, chiếm trên 70% thu nhập trong kinh tế hộ gia đình. Trong 6 tháng nửa năm 2008, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp Bắc Quang đạt trên 141 tỷ đồng. Cả năm 2008, Bắc Quang phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất trên 365 tỷ đồng, bằng 165% so với năm 2005. Thu hút đầu tư để phát triển đang là thế mạnh, chiếm ưu thế trong cán cân kinh tế và thúc đẩy kinh tế. Thủy điện Nậm Mu, Nhà máy tuyển luyện Cao lanh, klanh ke, khu công nghiệp Nam Quang, cùng 60 cơ sở chế biến chè, 30 cơ sở HTX chế biến lâm sản, tiểu thủ công và hàng ngàn hộ làm dịch vụ... đã đưa kinh tế nông nghiệp Bắc Quang trong 6 tháng đầu năm 113 tỷ đồng, đạt trên 76% chỉ tiêu năm 2008 mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Tính trong 6 tháng năm nay, Bắc Quang thu ngân sách đạt trên 30 tỷ đồng. Đem so với năm đầu nhiệm kỳ đại hội 2005 đã đạt 237% chỉ tiêu đề ra. Hoạt động của ngân hàng, tín dụng đang ở mức tổng dư trên 435 tỷ đồng. Riêng 6 tháng dư nợ tín dụng đạt 258 tỷ đồng. Trên địa bàn có 2.578 hộ kinh doanh bao gồm 71 HTX, 89 doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, 18 văn phòng đại diện, 16 khách sạn... Giá trị bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2008 đạt trên 980 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 3,6 tỷ đồng. Giá trị thương mại, dịch vụ qua 6 tháng đầu năm ước đạt trên 150 tỷ đồng, bằng 196% so với năm đầu thực hiện nghị quyết năm 2005... Bắc Quang của nửa năm đầu 2008 được đánh giá có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và được coi là “đầu tàu” của nền kinh tế tỉnh Hà Giang.


Ngày nay, về Bắc Quang người ta mới hiểu thêm nhiều điều, nơi đây không chỉ là vùng cam ngọt, chè thơm, nay còn là vùng lúa, vùng ngô, lạc nằm giữa những làng nghề, làng thủ công mỹ nghệ. Biết về Bắc Quang từ các cụm công nghiệp, các công trình thủy điện, nhà máy, công trường đi kèm một nền kinh tế năng động đang hoạt động rồi sôi động trong sản xuất, kinh doanh, đưa Bắc Quang phát triển toàn diện. Là huyện đạt chuẩn quốc gia phổ cập THCS sớm nhất. Có tỷ lệ hộ nghèo ít nhất (9,7%), có đóng góp cho nền kinh tế trong tỉnh nhiều nhất. Mục tiêu năm 2008 Bắc Quang đề ra là phấn đấu tăng GDP là 25,1%, cộng cả lạm phát sẽ ở mức gần 32%. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.000 tỷ đồng, đưa nền kinh tế chuyển động linh hoạt theo cơ chế thị trường để đáp ứng hội nhập. Đồng thời, giữ vững và duy trì tốt công tác giáo dục, chăm sóc người nghèo, gia đình chính sách. Phấn đấu hết năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7%.


Gửi lại Bắc Quang trong ánh nắng chói trang của chiều thu tháng Tám. Hẹn gặp lại vào mùa cam ngọt trĩu cành ở mọi miền trên mảnh đất cách mạng đang từng ngày đổi thay.


Nhật Hồng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh ta
(HGĐT)- Ngày 14.8, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ lên thăm và kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh ta.
18/08/2008
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Tô Huy Rứa Thăm và làm việc tại tỉnh ta
(HGĐT)- Trong 2 ngày 13, 14.8, đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, lên thăm và làm việc tại tỉnh ta. Đón đồng chí Tô Huy Rứa về phía tỉnh có các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV, BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy và huyện Bắc Quang.
15/08/2008
Hà Giang đổi mới
(HGĐT)- Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, con người Hà Giang với cốt cách nhân hậu, chân chất tình người, thủy chung cùng đứng lên đánh đuổi kẻ thù, góp phần làm nên chiến thắng của cả dân tộc.
15/08/2008
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lào
Sáng 14-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lào Khammy Sayavong nhân dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 10 đến 16-8 theo lời mời của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình.
15/08/2008