"Một con người bình thường - vĩ đại"
Cố học giả Trần Bạch Đằng trong một bài viết tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã gọi người thợ máy xuất thân từ vùng đất miệt vườn sông nước Cửu Long là "Một con người bình thường - vĩ đại".
Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn. |
Kỷ niệm 120 ngày sinh của ông (20/8/1888 - 20/8/2008) là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ một con người mà cuộc đời là minh chứng mẫu mực cho sự vận động của các phong trào cách mạng dân tộc ta trong suốt thế kỷ 20.
Cù lao Ông Hổ (nay thuộc TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) là nơi sinh thành nhà yêu nước Tôn Đức Thắng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông được đánh dấu vào tháng 4/1919, người thợ máy Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính Pháp và thuộc địa tham gia vụ binh biến kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen, phản đối cuộc chiến tranh chống Cách mạng Tháng Mười Nga non trẻ. Với sự kiện này, Tôn Đức Thắng trở thành người Việt đầu tiên ủng hộ và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười.
Bị trục xuất khỏi Pháp, trở về Sài Gòn, ông đã tập hợp lực lượng, tổ chức tuyên truyền và đến năm 1920 thành lập ra Công Hội bí mật - tổ chức đầu tiên của công nhân Việt Nam. Từ đó, Tôn Đức Thắng trở thành người "đốt đuốc" cho hàng loạt phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn, tiêu biểu là sự thắng lợi của cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son năm 1925.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với thiếu nhi.
Tháng 7/1929, nhà cầm quyền đã bắt giam Tôn Đức Thắng, kết án ông 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo. Tại "địa ngục trần gian", Tôn Đức Thắng và những người đồng chí đã chiến đấu và học tập không ngừng suốt 17 năm bị giam cầm. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của người tù khổ sai Tôn Đức Thắng trong Hầm xay lúa của Nhà tù Côn Đảo mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về khí tiết của người cộng sản trước quân thù.
23/9/1945, Tôn Đức Thắng cùng một số nhà cách mạng đã thoát khỏi sự giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Về Sài Gòn, ông trực tiếp phụ trách Ủy ban Kháng chiến chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam bộ. Đến năm 1946, ông được rút ra Hà Nội và đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Quốc hội đã tín nhiệm bầu Tôn Đức Thắng làm người kế nhiệm.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng vui khai giảng với thầy, trò trường cấp 1 Phú Diễn, Hà Nội (tháng 12/1972).
Do những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 1958, Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng phần thưởng cao quý nhất của nhà nước ta: Huân chương Sao Vàng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng vinh dự được bầu là Uỷ viên Hội đồng Hòa bình thế giới tại Hội nghị Helsinki (Phần Lan), được nhận giải thưởng Lênin "về sự nghiệp củng cố hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".
Ý kiến bạn đọc