Họp ban chỉ đạo Chương trình Hội nhập kinh tế Quốc tế
(HGĐT)- Sáng 27.8, tại UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình hành động Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh, đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động Hội nhập kinh tế quốc tếvà thông qua dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 16 của Chính phủ về “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Đình Châm phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
|
Đồng chí Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh: Trong thời gian qua, các ngành chức năng đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế, chính sách điều chỉnh, bổ sung các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phù hợp với tiến trình hội nhập của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư 9 dự án cho các nhà đầu tư trong nước vào lĩnh vực thuỷ điện, khai thác chế biến khoáng sản, du lịch, dịch vụ và các lĩnh vực khác với tổng nguồn vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng và 1 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thực hiện dự án khai thác chế biến khoáng sản; tuyên truyền được 112 lượt về các nội dung quy định của pháp luật thuộc các lĩnh vực: Tài chính, Kinh tế, Thuế, Giáo dục, Y tế, Văn hóa - xã hội... Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng quan tâm, tính từ năm 2006 đến 6 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 20.000 người, đã cơ bản từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực phục vụ cho các ngành sản xuất lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng trên địa bàn.
Nhằm cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế tại địa phương; tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc họp đã tập trung thảo luận, kiểm điểm đánh giá những kết quả và nguyên nhân tồn tại trên từng lĩnh vực, bổ sung cho phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, các ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm đến xã hội hóa công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của kinh tế hội nhập, nhất là đối với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của từng doanh nghiệp và từng sản phẩm; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đầu tư, thương mại, dịch vụ; phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời chủ động giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội, giữ vững trật tự an ninh trong quá trình hội nhập...
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Đình Châm khẳng định: Hà Giang có những tiềm năng to lớn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Do đó, Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là cơ hội để phát triển KT-XH của tỉnh. Trong thời gian tới, các ngành liên quan cần đẩy nhanh công tác Cải cách thủ tục hành chính, tư vấn pháp luật, nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào Hà Giang. Đồng thời đẩy mạnh công tác an ninh, quốc phòng, tạo môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi cho các chủ đầu tư vào các ngành có thế mạnh của địa phương với mục tiêu Hội nhập kinh tế quốc tế phải đưa được nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.
Ý kiến bạn đọc