UBND tỉnh làm việc với Đoàn kiểm tra T.Ư về công tác giảm nghèo và kết quả thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2)
(HGĐT)- Ngày 24.7, tại hội trường Văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Trịnh Duy Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở: KH-ĐT, Nội Vụ, Lao động - TBXH, Nông nghiệp &PTNT, Y tế có buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư thuộc các bộ: Tài chính, Y tế, Nội vụ do đồng chí Phó Vụ Trưởng vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) làm trưởng đoàn về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình Chia sẻ trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2006 - 2007 và 6 tháng đầu năm 2008.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở KH-ĐT báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 và Dự án Chia sẻ năm 2006, 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn tỉnh; báo cáo sơ kết giữa kỳ về kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Báo cáo kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh nêu: Với những cố gắng của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, công tác giảm nghèo đã đạt những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về chương trình giảm nghèo đã được tỉnh cơ bản thực hiện đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu về giảm hộ nghèo từ 51,05% năm 2006 giảm xuống còn 35,5% vào năm 2007, vượt 150 % kế hoạch đề ra. Các báo cáo cũng tập trung kiến nghị với Đoàn kiểm tra như: Đề nghị Nhà nước tăng cường các nguồn lực cho chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; tăng cường ngân sách và mở rộng đối tượng hỗ trợ kinh phí; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống giáo dục và y tế tuyến xã; tiếp tục bố trí nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ về đất sản xuất, về nhà ở và nước sinh hoạt…
Đồng chí Trịnh Duy Quyền phát biểu: Hà Giang là tỉnh khó khăn, nằm trong tốp các tỉnh nghèo nhất trong cả nước. Vì vậy, nhu cầu về vốn phát triển của tỉnh rất lớn. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, T.Ư đã chú trọng tập trung đầu tư khá nhiều chưong trình vào tỉnh, nhưng cũng có thể khẳng định nguồn lực T.Ư đầu tư vào tỉnh thì nhiều nhưng chưa có sự tập trung. Các chương trình dự án đầu tư vào tỉnh cơ bản có số vốn rất thấp nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế. Ngay sau khi Chương trình giảm nghèo và việc làm được phê duyệt, tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng tổ chức Hội nghị triển khai đến tất cả các ban, ngành và 11 huyện, thị trong tỉnh trên cơ sở mục tiêu chung là xã hội hóa công tác giảm nghèo. Nhờ có sự thường xuyên quan tâm chú trọng tới công tác giảm nghèo nên Ban chỉ đạo XĐGN-VL&135 của tỉnh và 11 huyện, thị đã triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình dự ánnhư: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo; dự án khuyến nông - lâm, hỗ trợ sản xuất, phát triển nghành nghề; dạy nghề cho người nghèo; dự án nhân rộng mô hình XĐGN; chính sách hỗ trợ y tế, hỗ trợ về giáo dục, trợ giúp pháp lý…cho người nghèo. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo trong tỉnh còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm cao.
Đồng chí Trưởng đoàn công tác của T.Ư và các thành viên trong đoàn đã đưa ra nhiều câu hỏi, phỏng vấn các sở, ngành chức năng nhằm làm rõ hơn một số vấn đề: Tại sao Hà Giang hiện vẫn còn tồn tại 2 hình thức vừa mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và thực hiện hình thức thực thanh thực chi; vấn đề tồn vốn Dự án Chia sẻ; vấn đề hỗ trợ tiền ăn học sinh các lớp nội trú dân nuôi và mẫu giáo tại các huyện vùng cao…? Những ý kiến kiến nghị của tỉnh và các ngành nêu ra đã được Đoàn tổng hợp và hứa sẽ nhanh chóng trình lên lãnh đạo các bộ và Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Ý kiến bạn đọc