Đoàn Giám sát Ủy ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội) làm việc với UBND tỉnh
(HGĐT)- Như tin đã đưa, từ 7 đến 9.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội - Quốc hội khóa XII có đợt giám sát tại tỉnh ta. Ngày 9.7, Đoàn làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công; công tác giảm nghèo; phòng, chống tội phạm, cai nghiện ma túy; công tác Dân số - KHHGĐ và bình đẳng giới...
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội) tặng 20 triệu đồng ủng hộ Bếp ăn Tình thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
Dự buổi làm việc có đồng chí Vương Mý Vàng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Tài chính; Y tế; Lao động -TBXH; Kế hoạch - Đầu tư; Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo và các ban, ngành huyện Vị Xuyên, xã Việt Lâm; thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên). Theo đánh giá của UBND huyện Vị Xuyên, sau hơn 2 năm thực hiện các chính sách pháp luật trên lĩnh vực XĐGN; chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới; dân số... thu được nhiều thắng lợi; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, KT-XH luôn tăng trưởng. Năm 2007, thu ngân sách đạt 14 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2008 đạt 10 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 21 tỷ đồng; thu nhập bình quân năm 2007 đạt 6,1 triều đồng/người, năm 2008 phấn đấu đạt 7 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm, đến nay toàn huyện còn 6.312 hộ, chiếm 32,37%. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động, huyện còn gặp những khó khăn như: Việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy và vận động họ đi cai nghiện, xét nghiệm HIV/AIDS; công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, sự phối kết hợp chưa được đồng bộ, kịp thời; tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới; Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm chưa được sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh và các ngành, cùng những nội dung như đã đưa tin ở số báo trước, Đoàn giám sát tập trung nghe và làm rõ những ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và những kiến nghị, đề xuất của tỉnh với Quốc hội, Chính phủ, như: Nhà nước tăng cường nguồn lực cho chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, đặc biệt ưu tiên các tỉnh miền núi và dân tộc khó khăn; có chính sách đối với các hộ cận nghèo để hỗ trợ vượt nghèo bền vững; có biên chế cán bộ làm công tác Lao động - TBXH ở xã, phường nói chung và cán bộ làm công tác giảm nghèo nói riêng; sửa đổi, bổ sung việc giám định lại thương tật cho thương binh có tình trạng vết thương vĩnh viễn và thương binh có tỷ lệ thương tật dưới 20% nay tái phát vết thương cũ; đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp nay do bệnh tái phát ngày càng nặng, cần được đi giám định để nâng nức trợ cấp; bổ sung trợ cấp đối với đời cháu của người nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật; hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động (quản lý Nhà nước, lồng ghép) bình đẳng giới, đồng thời bố trí biên chế cán bộ chuyên trách và ngân sách cho lĩnh vực công tác bình đẳng giới; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, hệ thống quản lý và chuyên môn cho địa phương phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS; bổ sung kinh phí cho việc nhân rộng mô hình lồng ghép Dân số với phát triển gia đình bền vững và tín dụng tiết kiệm; tăng số xã làm Chiến dịch lồng ghép truyền thông với cung cấp dịch vụ SKSS cho Hà Giang lên 185 xã, vì các xã vùng II, vùng III đều khó khăn như nhau; có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo làm rõ vấn đề phụ cấp khu vực đối với người nghỉ hưởng lương hưu từ ngày 1.1.2007 trở đi tại địa bàn có hệ số khu vực; hướng dẫn về trợ cấp tiền tuất một lần đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động bị chết; đề nghị xét cho 3 xã thuộc huyện Quang Bình là Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Nam được hưởng hệ số khu vực 0,7 (hiện đang hưởng hệ số 0,5). Vì 3 xã này trước khi tách, nhập về huyện Quang Bình là 3 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần đã hưởng hệ số khu vực 0,7; xem xét tính liên thông của thẻ BHYT và thời gian điều trị bệnh để giảm bớt khó khăn cho người bệnh...
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao việc thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua. Đặc biệt, là một tỉnh nghèo song Hà Giang đã có những chính sách hết sức hiệu quả như: Hỗ trợ nhân dân mái nhà, bể nước, con bò; hỗ trợ lãi suất cho vay, trợ cước, trợ giá... theo đó tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh, trung bình 7%/năm; thực hiện rất tốt chính sách đối với người có công và công tác phòng, chống tội phạm, cai nghiện ma túy; đảm bảo tỷ lệ tăng dân số hàng năm 1,1%; là tỉnh có nhiều dân tộc, nhưng công tác bình đẳng giới được thực hiện tốt... Tuy nhiên, cũng còn một số mặt hạn chế như: Giảm nghèo còn chưa bền vững, nếu tăng chuẩn nghèo, nguy cơ nghèo sẽ tăng rất cao; đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là ngành Y tế còn thiếu; một số chủ trương, chính sách của Nhà nước triển khai còn chậm; tỷ lệ sử dụng người lao động đã qua đào tạo nghề còn thấp (khoảng 20%)... Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đoàn sẽ báo cáo với Chính phủ và làm việc với các bộ, ngành liên quan, đồng thời sẽ trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 8 tới.
Nhân dịp này, cá nhân đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - Quốc hội khóa XII đã ủng hộ Bếp ăn Tình thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh 20 triệu đồng.
Ý kiến bạn đọc