Nông dân Hà Giang đoàn kết, sáng tạo XĐGN, làm giàu hiệu quả
(HGĐT)- Nông dân Hà Giang chiếm 84% dân số toàn tỉnh với trên 265.000 lao động. Đây là lực lượng đông đảo nhất trực tiếp sản xuất, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn.
Ly Mý Pó (Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)
|
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã lan rộng trong nông dân các vùng, các địa phương, các dân tộc, vì vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất tích cực được thực hiện. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành, như vùng cam, quýt ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, có diện tích trên 4.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn; vùng chè ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, diện tích trên 14.400 ha, hàng năm cho sản lượng đạt trên 34.400 tấn chè búp tươi; vùng đậu tương ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần góp phần đưa diện tích đậu tương toàn tỉnh lên trên 15.800 ha, cho sản lượng 13.800 tấn /năm; chăn nuôi bò hàng hóa tập trung ở các huyện vùng cao phía Bắc, chăn nuôi trâu tập trung ở các huyện vùng thấp đã đưa tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh phát triển đạt trên 22 vạn con... Phong trào đã xây dựng được nhiều mô hình hộ nông dân làm kinh tế giỏi ở các địa phương, điển hình như hộ ông Vừ Xé Cơ (dân tộc Mông, thôn Mí Xá B, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn) mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ chăm sóc rừng và trồng lúa; hộ ông Hầu Seo Pao (dân tộc Mông, thôn Tấn Xà Phìn, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì) có thu nhập một năm trên 200 triệu đồng từ trồng, chế biến chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm; hộ ông Lý Kim Tường (dân tộc Dao, thôn Thượng Cầu, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang) có thu nhập hàng năm trên 400 triệu đồng từ trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi cá, trồng cam, dịch vụ vận tải; hộ ông Lý Xuân Tiến (dân tộc Tày, thôn Hồng Minh, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên) có thu nhập trên 100 triệu đồng một năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm dịch vụ xay xát, dịch vụ vận tải, dịch vụ hàng hóa; hộ ông Vũ Văn Mạnh (dân tộc Kinh, thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang) có thu nhập một năm trên 600 triệu đồng từ trồng cam, quýt, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 13.500 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 109 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư, có gần 300 hộ đạt thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Từ phong trào trên, đã có hơn 35.700 lượt hộ nông dân nghèo được hộ khá giàu, hộ sản xuất giỏi giúp đỡ bằng nhiều hình thức như cho vay vốn không lãi, giúp ngày công lao động, giúp cây, con giống... qua đó đã có trên 7.000 hộ thoát nghèo.
Bên cạnh việc thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trong 5 năm (từ 2003 đến 2008), nông dân các dân tộc trong tỉnh cũng đã đóng góp trên 7 triệu ngày công lao động, trị giá 105 tỷ đồng để tham gia cùng nhà nước kéo điện về nông thôn, đảm bảo 100% số xã đều được sử dụng điện lưới Quốc gia; đồng thời làm hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn điểm trường, hàng trăm trụ sở thôn, bản, nhà lưu trú cho giáo viên. Hệ thống kênh mương thuỷ lợi, bể nước ăn vùng cao, giếng nước, nhà vệ sinh cũng đã được hàng nghìn nông dân chung sức xây dựng, phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống. Nông dân các dân tộc trong tỉnh còn tích cực tham gia các phong trào bảo đảm QP-AN, phát huy tinh thần đoàn kết giữ gìn vững chắc trật tự an ninh xã hội, chủ quyền biên giới Quốc gia; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ hủ tục. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 78.900 hộ nông dân được công nhận danh hiệu Gia đình Văn hóa các cấp; xây dựng được 1.673 Làng Văn hóa..., những việc làm này đã và đang góp phần làm cho bộ mặt nông thôn trong tỉnh ngày càng khởi sắc.
Phải khẳng định rằng, những kết quả nông dân tỉnh ta đạt được trong phát triển kinh tế, XĐGN, xây dựng nông thôn mới, có vai trò quan trọng của tổ chức Hội Nông dân các cấp. Trong nhiệm kỳ 2003 - 2008, với vai trò nòng cốt trong các hoạt động của nông dân, các cấp Hội Nông dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị, thực tiễn sản xuất và đời sống nông dân, tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, LLVT tuyên tuyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với hội viên nói riêng và nông dân nói chung. Dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân tỉnh, các cấp hội được củng cố chặt chẽ về mặt tổ chức, về trình độ, năng lực hoạt động, hội viên được phát triển mạnh mẽ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 91.613 hội viên, tăng 12.749 hội viên so với năm 2003; 90% số hộ nông dân có hội viên. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội được chú trọng, đến nay 91% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng; tỷ lệ này đối với cấp huyện, thị là 65% và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đạt 63% có trình độ văn hóa PTTH. Trình độ lý luận chính trị của cán bộ Hội các cấp được nâng lên. Một trong những yếu tố có tính quyết định đến kết quả thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong nông dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng, đó là việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội. Nhiệm kỳ qua, trọng tâm hoạt động của các cấp Hội đã gắn với sản xuất và đời sống của hội viên, tập trung vào các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau XĐGN, tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng Làng Văn hóa, Gia đình Văn hóa, tham gia giữ vững trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng. Các cấp Hội đã chú trọng xây dựng những mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, từ đó tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho hội viên học tập, áp dụng; đồng thời có các biện pháp phối hợp hiệu quả với các ngành liên quan để hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, công nghệ, vật tư để nông dân có điều kiện phát triển sản xuất. Những đổi mới hoạt động của các cấp Hội đã tăng cường sự gắn kết mật thiết giữa hội viên với tổ chức Hội, thu hút được đông đảo hội viên tham gia, không chỉ trong phát triển sản xuất mà còn trong các hoạt động khác, ví dụ như việc thành lập các tổ, nhóm, Câu lạc bộ Gia đình nông dân văn hóa, Câu lạc bộ Nông dân tìm hiểu pháp luật, thể thao...
Đánh giá lại hoạt động của các cấp Hội Nông dân và phong trào nông dân trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được cũng còn một số vấn đề cần khắc phục: Dân trí thấp; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ còn khá phổ biến; chất lượng sản phẩm thấp; phong trào hoạt động của tổ chức Hội chưa đều khắp, nhất là vùng sâu, vùng xa hoạt động chưa hiệu quả. Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, trong thời gian tới bài học kinh nghiệm của các cấp Hội là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nông dân; chú trọng xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh, có đủ năng lực giữ vững vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, tổ chức, hướng dẫn nông dân đoàn kết thi đua sản xuất, XĐGN phù hợp với thực tiễn cuộc sống; đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình điển hình, tạo nên nhiều hạt nhân để phát triển nhanh chóng, hiệu quả phong trào thi đua lao động sản xuất XĐGN và làm giàu trong nông dân, phát triển tổ chức Hội ngày càng đi lên.
Ý kiến bạn đọc