Đảng bộ huyện Mèo Vạc với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Cán bộ học và làm trước, làng nước theo sau
(HGĐT)- Đến huyện Mèo Vạc, tìm hiểu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở xã và thôn bản, tôi được các đồng chí lãnh đạo huyện cung cấp cho nhiều số liệu; và khi tiếp xúc, làm việc với cán bộ ở một số xã vùng còn nhiều khó khăn của huyện, tìm hiểu về những suy nghĩ và quan sát cách làm việc những cán bộ cơ sở này, cảm nhận của tôi là cán bộ xã và thôn bản nơi đây đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và phương pháp làm việc so với cách đây vài năm.
Năm 2008, Đảng bộ Mèo Vạc bước sang năm thứ hai thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc gắn nội dung của cuộc vận động với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và nhận thức chính trị cho cán bộ cơ sở đã được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định là một nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Đào tạo bồi dưỡng để nâng cao khả năng tư duy nhận thức và phương pháp làm việc cho cán bộ cấp xã và thôn bản có ý nghĩa quyết định để đưa các chủ trương, giải pháp của Đảng bộ, chính quyền huyện đến với nhân dân. Cán bộ xã, cán bộ thôn bản làm việc trực tiếp với dân, sống cùng dân; trực tiếp giải quyết, điều hành mối quan hệ Đảng - Nhà nước với nhân dân. Họ chính là đại diện trực tiếp của Đảng, Nhà nước trước nhân dân ở cơ sở; nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có đến được với nhân dân, được dân tin tưởng và quyết tâm làm theo hay không, phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ xã và thôn bản. Từ chỗ xác định rõ yêu cầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ cơ sở như vậy nên khi triển khai nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho các Đảng bộ xã, BTV Huyện ủy Mèo Vạc đã gắn nội dung của cuộc vận động với tiêu chí cụ thể về năng lực, trình độ và phương pháp giải quyết, điều hành công việc hàng ngày của cán bộ ở cơ sở. Xác định thế mạnh của họ là sống cùng với nhân dân, nắm và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con, hiểu biết sâu sắc về thực tế cuộc sống và yêu cầu sản xuất, làm ăn; về phong tục tập quán, về các mối quan hệ xen kẽ, ràng buộc giữa các gia đình, dòng họ; giữa các thôn bản trong một xã, nên họ sẽ là người giải quyết phù hợp, có lý có tình các vấn đề phức tạp, nhạy cảm nẩy sinh ở cơ sở.
Tại xã Nậm Ban, một xã cách xa trung tâm huyện lỵ gần 40 km, một trong vài xã hiếm hoi của Mèo Vạc, điều kiện tự nhiên có ruộng cấy lúa, đào ao thả cá xen lẫn cây ngô truyền thống. Được nghe Bí thư Đảng ủy xã Vàng A Rốm và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Huy trình bày về tình hình của xã, những việc đang làm và sẽ làm để phát triển KT-XH và đời sống nhân dân; chuyện trò tìm hiểu về cách vận động đoàn viên, hội viên gương mẫu sản xuất, mạnh dạn đầu tư nuôi cá, đưa giống lúa mới chất lượng cao vào mùa vụ với Bí thư Đoàn xã Nùng Xuân Vảy và Chủ tịch Hội Phụ nữ Vàng Thị Rắng, tôi đã bị cuốn hút bởi sự trăn trở tìm cách làm ăn để xóa đói thoát nghèo; sự năng nổ, trách nhiệm của họ trước công việc được giao. Tìm hiểu thêm tôi được biết, Bí thư Vàng A Rốm dân tộc Giấy, người địa phương, đã học văn hóa hết lớp 12, trưởng thành từ cán bộ xã, đã qua nhiều chức danh và gần 3 năm nay anh giữ trọng trách Bí thư Đảng ủy xã. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Huy, nguyên là sinh viên tăng cường, sinh năm 1980, chàng trai người Tày, quê Bắc Quang, tốt nghiệp Cao đẳng Nông nghiệp đã xung phong đi tăng cường xuống xã, từ cán bộ khuyến nông, Chủ tịch xã Tát Ngà, nay chuyển sang Chủ tịch xã Nậm Ban. Còn Bí thư Đoàn xã Nùng Xuân Vảy, quê xã Nậm Ban, văn hóa 11/12; đã qua Trung cấp Chính trị, tại trường Chính trị tỉnh. Nậm Ban là xã vùng sâu của huyện Mèo Vạc, đi từ huyện xuống xã, ngồi ô tô cũng mất nửa ngày, nếu gặp trời mưa, đường trơn có khi cả ngày còn chưa tới được, gian khó, thử thách sẽ còn rất nhiều, nhưng với đội ngũ cán bộ xã đã qua đào tạo, bồi dưỡng lại nhiệt tình, có trách nhiệm như vậy cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền huyện, Đảng bộ xã sẽ có những cách làm và bước đi đúng đưa xã vượt khó đi lên, tạo sự chuyển biến đồng bộ vững chắc trong năm 2008.
Còn tại xã biên giới Sơn Vĩ, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công Báo Hà Giang phụ trách giúp đỡ xã từ năm 2006, nên cán bộ phóng viên và lãnh đạo tòa soạn thường xuyên đến xã, xuống các thôn bản, để nắm tình hình, làm việc với cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng đứng chân tại xã để tìm ra cách làm tốt nhất cho phát triển KT-XH, đời sống nhân dân, giữ vững đường biên mốc giới. Là xã vùng biên, nhưng cả Bí thư và Chủ tịch xã đều là phụ nữ: Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thị Tương đã ngoài 40 tuổi, người dân tộc Xuồng, chị làm Bí thư xã đã nhiều năm, rất có uy tín với dân, học vấn lớp 9/12, đã qua Trung cấp Chính trị; Chủ tịch UBND xã Lù Thị Dâu, tuổi trên 30, rất trẻ trung, năng động, có tác phong làm việc và cách giao tiếp cuốn hút, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho người mới tiếp xúc, chị đã học hết lớp 12 và đang cùng mấy cán bộ nữa của xã theo học một lớp trung cấp nghiệp vụ tại huyện. Đến xã Sơn Vĩ trực tiếp làm việc với hai chị, rồi làm việc với cán bộ thôn bản, lắng nghe ý kiến người dân, tham khảo ý kiến của cán bộ đồn biên phòng, chúng tôi biết hai chị đã thực sự là hạt nhân đoàn kết để tạo nên một ê kíp lãnh đạo của xã khá năng động, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần trách nhiệm trong công việc chung. Đến thăm nhà riêng của các chị tại khu trung tâm xã, tôi được “ông xã” của các chị mời những chén rượu ngô thơm nồng và vui cùng gia đình, cả 3 thế hệ quây quần quanh mâm cơm vô cùng đầm ấm.
Trở về huyện lỵ, làm việc với Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Chí Thường, anh sôi nổi vào cuộc ngay: “Đối với Mèo Vạc, không làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở thì mọi việc của chúng tôi tắc tịt ngay, chìa khóa của vấn đề đấy nhà báo ạ”. Tìm hiểu sâu với anh, tôi biết: Huyện Mèo Vạc phân loại cán bộ cơ sở theo chức trách nhiệm vụ để giao việc, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả và thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách cán bộ. Tôi nhìn vào biểu tổng hợp chất lượng cán bộ cơ sở và thực sự bị cuốn hút bởi các con số thống kê sống động. Cán bộ cơ sở được theo dõi theo 5 loại hình: Cán bộ chuyên trách xã (cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể); cán bộ công chức xã; cán bộ không chuyên trách (cấp phó các ban, ngành, đoàn thể); Bí thư Chi bộ thôn bản, tổ khu phố; trưởng thôn bản, tổ trưởng dân phố. Trong năm 2007, 80 cán bộ xã được đi học bổ túc văn hóa cấp III, đạt 97% kế hoạch; 62 cán bộ xã được đi học chuyên môn trung cấp; 4 cán bộ đi học đại học tại chức, đạt 86% kế hoạch; 130 cán bộ xã và thôn bản đi học trung cấp và sơ cấp chính trị, đạt 98% kế hoạch. Và đến hết năm 2007, cán bộ cơ sở xã, thôn bản của Mèo Vạc đã có 309 người học vấn hết lớp 12; có 206 đồng chí học xong cao cấp và trung cấp chính trị; có 194 đồng chí học xong trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên môn; 51 người đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng. Anh Thường tâm sự với tôi: “Đảng bộ Mèo Vạc xác định rõ: Học tập và làm theo tấm gương của Bác ở cơ sở xã phải bắt đầu từ việc bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết và phương pháp làm việc cho đội ngũ cán bộ, vì đó là cái nền cho mọi việc tiếp theo”. Tôi hoàn toàn nhất trí với anh, vì đi đến cơ sở, làm việc với cán bộ, tiếp xúc với người dân, tìm hiểu thực tế đời sống, điều kiện sản xuất cùng với tâm tư, suy nghĩ của họ lại càng sáng tỏ rõ ràng là: Người dân sẽ nghe, tin và làm theo Đảng và chính quyền khi cán bộ ở cơ sở làm cho họ hiểu, tin và gương mẫu làm trước.
Cái lý, cái tình của người Mèo Vạc là như vậy, nên để toàn thể đảng viên và nhân dân học tập và làm theo gương Bác Hồ, thì bước đi đầu tiên phải là sự gương mẫu “học và làm trước” của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. “Cán bộ làm trước, làng nước theo sau” - Bác Hồ đã bảo như vậy và Đảng bộ Mèo Vạc đã và đang làm như vậy.
Ý kiến bạn đọc