Tiếp tục xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ và tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước

08:11, 20/05/2008

(HGĐT)- Nhân dịp Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2008 - 2013), phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Minh Nhất, ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh Hà Giang về vai trò, nhiệm vụ của CNVC - LĐ và tổ chức Công đoàn Hà Giang trong giai đoạn hiện nay


Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, được biết trong những năm qua phong trào CNVC - LĐ và hoạt động Công đoàn trên địa bàn tỉnh ta có bước phát triển khá vững chắc. Vậy xin đồng chí đánh giá khái quát về vai trò của CNVC - LĐ cũng như hoạt động của tổ chức Công đoàn Hà Giang trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?


Đồng chí Hoàng Minh Nhất: Phải khẳng định rằng, nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự năng động, sáng tạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp Công đoàn tỉnh Hà Giang đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, động viên đội ngũ CNVC-LĐ nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua lao động sáng tạo, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống cho nhân dân, củng cố vững chắc hệ thống chính trị, giữ vững an ninh biên giới, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.


Hiện nay, tổng số cán bộ, CNVC-LĐ đang làm việc ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 12% lực lượng lao động. Trong đó, số công nhân lao động có tay nghề được đào tạo chiếm 38,5%. Các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất từng bước được quan tâm thành lập và đi vào hoạt động. Đời sống, việc làm của công nhân từng bước được cải thiện, đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm của tỉnh (giai đoạn 2000 - 2005) luôn đạt trên 10%, riêng năm 2007 đạt 11,8%. Trong những năm qua, các cấp Công đoàn đã tập trung quán triệt Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và gắn với đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị xây dựng phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn chuyên môn, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, văn minh doanh nghiệp, xây dựng gia đình văn hóa. Thông qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao được nhận thức của giai cấp công nhân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức Công đoàn phát động đã gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” là phong trào trọng tâm do Công đoàn phát động, đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện, cụ thể hóa nội dung thi đua phù hợp với từng ngành nghề, đơn vị, doanh nghiệp. Thí dụ như: Ngành Giáo dục duy trì phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích”; trong ngành Y tế, phong trào thi đua thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch “Lương y phải như từ mẫu”, thi đua “Thực hiện 12 điều Y đức”; khối công chức, viên chức đã duy trì tốt phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu”; phong trào “Thi đua lao động giỏi với năng suất, chất lượng và hiệu quả”...


Tất cả các lĩnh vực như: Nông - lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, thể thao, khoa học, công nghệ... cũng đều tổ chức sôi nổi các phong trào thi đua, thu hút và động viên đông đảo CNVC-LĐ đóng góp trí tuệ, tâm huyết, sự nhiệt tình trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực.


Từ các phong trào thi đua đó, đã khơi dậy lòng yêu nước, sự nhiệt tình và ý thức trách nhiệm, tài năng sáng tạo của người lao động tham gia phục vụsản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Ghi nhận và biểu dương sự cống hiến to lớn đó, Nhà nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 9 tập thể và 3 cá nhân; tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 26 tập thể và 48 cá nhân; Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 10 tập thể, Bằng khen cho 25 tập thể, 49 cá nhân và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của UBND tỉnh. Đặc biệt, “Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang năm 2005” và “Hội nghị Biểu dương lao động giỏi điển hình trong CNVC-LĐ toàn tỉnh lần thứ 4, năm 2008” đã thực sự là diễn đàn biểu dương, tôn vinh trên 500 tập thể và cá nhân điển hình xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực công tác, khẳng định sự đóng góp to lớn của lực lượng CNVC-LĐ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.


Phóng viên: Để phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn tiếp tục phát triển, xin đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo của tỉnh và những định hướng trong thời gian tới ra sao ?


Đồng chí Hoàng Minh Nhất: Năm 2008 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết X của Đảng, trước những đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa từ nhận thức tới hành động về vị trí, vai trò tiên phong và vì sự phát triển của phong trào CNVC-LĐ toàn tỉnh.


Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, BCH T.Ư Đảng khóa X và Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; quan điểm và nhiệm vụ của tỉnh là phải tiếp tục thực hiện linh hoạt các chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển các khu kinh tế, khu cụm công nghiệp có quy mô lớn, phát triển các loại ngành nghề để thu hút và phát triển mạnh số lượng công nhân lao động, từng bước chuyển dần số lao động nông nghiệp thuần túy sang lao động công nghiệp, lao động có tính chất công nghiệp và ngành nghề khác; tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ về mọi mặt cho công nhân; xây dựng và hình thành lớp công nhân Hà Giang ngày càng đông về số lượng, có ý thức giai cấp và tinh thần dân tộc, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động để bắt nhịp và đáp ứng với quy trình sản xuất hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020 lực lượng công nhân của tỉnh có trình độ học vấn bậc trung học khoảng 80% và 60% - 80% được đào tạo nghề. Để đạt được mục tiêu trên, cần tập trung phát triển quy mô và hình thức đào tạo cả Trường dạy nghề tỉnh, mở rộng mạng lưới các Trung tâm dạy nghề theo vùng và tại 100% huyện, thị trong tỉnh vào năm 2010. Phát triển các hình thức hướng nghiệp, dạy nghề trong các trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Trung tâm Giáo dục thường xuyên; tăng cường các hình thức liên kết đào tạo nghề; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy nghề của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh.


Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động; quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động, bảo đảm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân. Quan tâm phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, nâng cao và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò đại diện của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân của tỉnh; đẩy mạnh phát triển đảng viên trong lực lượng công nhân nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân Hà Giang vững mạnh, phát huy vai trò tiên phong, đi đầu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, cần làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp, tích cực phát triển đoàn viên, thành lập mới tổ chức Công đoàn. Tổ chức Công đoàn phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, để tổ chức Công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của CNVC-LĐ.


Thường xuyên đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, kịp thời có các hình thức tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân, những đại diện ưu tú của giai cấp công nhân. Nâng cao và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia quản lý Nhà nước, quản lý đơn vị, doanh nghiệp, vừa thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ hợp pháp quyền,lợi ích hợp pháp của công nhân lao động; tham gia quản lý, giáo dục, động viên công nhân tích cực lao động sản xuất, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động.


Một yếu tố hết sức quan trọng cần đặc biệt quan tâm đó là, tổ chức Công đoàn các cấp cần đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động một cách hệ thống, đồng bộ và thiết thực; chủ động tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân; chăm lo đời sống, làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động...


   Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát động cuộc thi “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
(HGĐT)- Sáng 19.5, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, BCĐ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh tổ chức Lễ phát động cuộc thi “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm Văn học, Nghệ thuật và Báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
20/05/2008
Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 18-5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Thành ủy, HÐND, UBND và MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ mít-tinh kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2008).
19/05/2008
Thứ truởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thơ lên thăm và làm việc tại tỉnh ta
(HGĐT)- Từ 15 đến 16.5, đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã lên thăm và làm việc tại tỉnh ta. Cùng đi có các đồng chí ở Văn phòng, các Vụ của Bộ Ngoại giao.
16/05/2008
Nhiệm vụ thiêng liêng tạo môi trường ổn định để phát triển KT-XH
(HGĐT)- Công tác phân giới, cắm mốc (PGCM) được Đảng, Nhà nước và tỉnh ta xác định là một trong những công tác trọng tâm, có ý nghĩa to lớn cả về đối nội và đối ngoại, cả về an ninh - quốc phòng và KT-XH.
16/05/2008