Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII
Thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong ba dự án luật
Ngày 12-5, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu QH đã nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo: Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong ba dự án luật nói trên.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. |
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày đã nêu rõ ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH về mười vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật này, trong đó có những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ như quy định của dự thảo Luật; có những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH xin được tiếp thu và đã chỉnh lý trong dự thảo luật trình QH xem xét thông qua. Tuy nhiên, trong thảo luận, vẫn còn những ý kiến phát biểu chưa đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật này.
Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (Thái Bình) nêu rõ quan điểm của mình là chưa đồng tình với quy định tại Điều 36 của dự thảo quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp.
Điều 36 quy định rằng: “Tài sản là trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất mà Nhà nước giao cho tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp quản lý, sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước; Việc quản lý, sử dụng tài sản này được thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước quy định tại Chương III của Luật này”. Như vậy nghĩa là: không được sử dụng tài sản Nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác.
Theo đại biểu Tạ Ngọc Tấn, chúng ta có những tiền lệ và một số sự việc, hiện tượng mà chúng ta chưa quản lý tốt thì chúng ta hay dùng biện pháp rất đơn giản là cấm, nhưng đôi khi cấm lại tạo hiệu quả ngược. Thí dụ việc cấm xe cơ giới ba bánh tự chế chẳng hạn, trong khi nó đang giúp cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là đời sống của nhân dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa mà chẳng ảnh hưởng gì đến tai nạn giao thông ở vùng nông thôn cả thì chúng ta lại cấm nó, tạo ra một loạt vấn đề hết sức phức tạp.
Chính vì thế đại biểu này đề nghị khi tính toán hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì đặc biệt phải tính đến hiệu quả một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, nhất là khía cạnh về mặt chính trị - xã hội, đặc biệt quan tâm đến vai trò các tổ chức chính trị - xã hội này trong việc giữ gìn ổn định chính trị - xã hội, chứ không nên tính toán đến tổ chức chính trị - xã hội này chỉ bằng phần thu lợi kinh tế.
Ông Tạ Ngọc Tấn cũng nhấn mạnh, các tổ chức chính trị - xã hội phải cố gắng một phần, nhưng không nên đặt vấn đề ngăn cấm toàn bộ việc cho thuê, mà phần cho thuê, đề nghị xử lý bằng giải pháp khác, tức là cho phép tiếp tục trong một thời gian nhất định nào đó để cho thuê một phần tài sản do Nhà nước hỗ trợ xây dựng và đầu tư. Nhưng phần này phải được quản lý một cách chặt chẽ để bảo đảm phần thu không rơi vào túi cá nhân, không dính đến tham nhũng và lãng phí.
Tương tự như Điều 36, Điều 37 quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, theo đại biểu Bùi Quang Bền (Kiên Giang) cũng không phù hợp thực tế. Nếu thực hiện Quy định này thì các tổ chức nói trên không thể nào hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhiều đại biểu QH nhất trí với Điều 16 của dự thảo quy định về sử dụng tài sản Nhà nước. Theo đó, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Cơ quan Nhà nước không được sử dụng tài sản Nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác.
Tuy nhiên, liên quan đến điều này, một số đại biểu đề nghị quy định rõ chế tài xử lý trách nhiệm khi có vi phạm. Điều 11 quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương, nhưng một số ý kiến đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, không quy định cho tất cả các cấp như dự thảo. Về hiệu lực thi hành, một số ý kiến đề nghị là từ 1-1-2009 (dự thảo là 1-7-2009).
Luật trưng mua, trưng dụng tài sản: Nhiều điều chưa thống nhất
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản đề cập ba vấn đề chung (gồm: điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản; loại tài sản trưng mua, trưng dụng; thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản) và 12 vấn đề cụ thể. Đó là: Tên gọi của luật; giải thích từ ngữ; hủy bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản trưng mua, trưng dụng; việc cưỡng chế thi hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản; giá trưng mua, trưng dụng; việc xử lý tài sản đã trưng mua; hình thức quyết định trưng dụng bằng lời nói; việc huy động người điều khiển, vận hành tài sản trưng dụng; bồi thường thiệt hại đối với người được huy động để vận hành, điều khiển phương tiện trưng dụng; khen thưởng, xử lý vi phạm và khiếu nại, tố cáo; điều khoản thi hành.
Trong thảo luận, các ý kiến phát biểu cũng rất phong phú, đề cập hầu hết các vấn đề nêu trên và vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất với dự thảo. Đáng chú ý là về trình tự, thủ tục quyết định trưng mua, trưng dụng bằng lời nói quy định tại Điều 25 đã thu hút nhiều đại biểu cho ý kiến.
Trong khoản 1 Điều này quy định: “Khi quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản phải viết giấy xác nhận việc trưng dụng tài sản ngay tại thời điểm trưng dụng. Nội dung giấy xác nhận phải ghi rõ họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ người có tài sản trưng dụng, loại tài sản trưng dụng, mục đích trưng dụng và thời hạn trưng dụng, tên tổ chức, cá nhân quản lý dử dụng tài sản trưng dụng. Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị bổ sung cụm từ: “Số lượng, hiện trạng của từng tài sản” vào sau cụm từ: “loại tài sản” ở khoản này, vì cho rằng, quy định như dự thảo là chưa đủ, chưa chặt chẽ.
Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho rằng, Điều 13 quy định thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản và Điều 23 quy định thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, thì nội dung, tính chất không phù hợp nhau. Nội dụng đúng là trưng mua, trưng dụng tài sản mang tính cấp bách trong tình hình an ninh, quốc phòng, thiên tai, nhưng quy định trong luật không mang tính chất đó.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) quan tâm vấn đề giải quyết mối quan hệ Nhà nước và người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và giá mua tài sản, cách tính bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị trưng mua, trưng dụng, đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 một nội dung mới là: “Người có tài sản được trưng mua, trưng dụng được quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính”.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Cần thiết phải thu gọn các loại văn bản
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) nêu rõ sự cần thiết phải thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật, tuy một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước ta có quá nhiều loại văn bản (hơn 20 loại) lại do nhiều chủ thể khác nhau ban hành, gây nhiều khó khăn cho công tác thi hành và áp dụng pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đề nghị cần thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề là việc thu gọn đến đâu và loại văn bản nào được thu gọn cần được cân nhắc kỹ và thực hiện từng bước, trước mắt chỉ nên thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện KSNDTC ban hành.
Ủy ban Thường vụ QH cũng nhận thấy, lập pháp là chức năng cơ bản của QH, cho nên các cơ quan của QH phải chịu trách nhiệm chính trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Theo dự thảo, Luật đã có sửa đổi quan trọng, theo đó QH sẽ quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm vào kỳ họp thứ nhất thay vì quyết định tại kỳ họp thứ hai hằng năm, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan soạn thảo có nhiều thời gian, nâng cao chất lượng xây dựng luật.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ các ý kiến của đại biểu QH về một số vấn đề nêu ra trong dự thảo luật, như việc Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến vào các dự án luật, dự thảo Nghị quyết của QH trước khi trình QH; về công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành và công bố, công khai văn bản quy phạm pháp luật; việc cải tiến quy trình thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật và bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; vấn đề giải trình của cơ quan, tổ chức, đại biểu QH trình dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Báo cáo giải trình cũng cho biết, một số đại biểu QH có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục sửa đổi Hiến pháp ngay trong luật này, nhưng Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có vị trí đặc biệt quan trọng, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi Hiến pháp cũng đã được quy định có tính nguyên tắc tại Điều 147 của Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ quy định như trong luật hiện hành, không nên quy định trong luật này.
Sau giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu QH tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện dự luật, đa số đều tán thành rút gọn hơn 20 loại văn bản quy phạm pháp luật hiện nay xuống còn 12 loại; xây dựng trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách khoa học, bảo đảm cho dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có chất lượng, mang tính khả thi cao.
Các đại biểu QH đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào các quy định của dự án luật về nội dung, loại văn bản; trình tự, thủ tục xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; việc thẩm tra; thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và một số vấn đề khác.
Ý kiến bạn đọc