Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 18-5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Thành ủy, HÐND, UBND và MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ mít-tinh kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2008).
Về phía Hà Nội, có ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch UBND thành phố, cùng hơn 1.000 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang Thủ đô.
Trước lễ mít-tinh, Ðoàn ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn chương trình văn nghệ đặc sắc với những bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ðọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Quang Nghị nêu rõ: Nhiều thập kỷ qua, ngày 19-5 hằng năm đã trở thành một ngày kỷ niệm đặc biệt thiêng liêng, trọng đại, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè thân thiết gần xa trên thế giới... Sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã trải qua hơn hai thập kỷ. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Di chúc để lại cho toàn Ðảng, toàn dân đến nay tròn 43 năm. Người đi xa đã 39 năm. Song mỗi chúng ta vẫn luôn cảm thấy Bác đang vẫn luôn ở trong mỗi suy nghĩ và việc làm, động viên, dẫn dắt chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Khẳng định những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Ðảng, toàn dân ta vô cùng đồ sộ, phong phú và quý giá, trong đó tư tưởng, lý luận cũng như tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của Người là một bộ phận vô cùng quý báu và thiêng liêng. Di sản đạo đức Hồ Chí Minh được kết tinh trong các tác phẩm, bài nói, bài viết và trong toàn bộ cuộc đời hoạt động vô cùng phong phú và mẫu mực của Người. Ðó cũng là những tinh hoa đạo đức của nhân loại và những giá trị đặc sắc, tiêu biểu nhất của đạo đức truyền thống Việt Nam, của đạo đức cách mạng được hội tụ và tỏa sáng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh... Những nội dung đạo đức cách mạng mà Người dạy và nêu gương đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên vô cùng phong phú, sâu sắc, nhưng hết sức cụ thể, thiết thực, ai cũng có thể hiểu, có thể học và có thể làm theo... Rèn luyện đạo đức cách mạng là phải rèn luyện, phấn đấu hằng ngày, hằng giờ. Người thấu hiểu điều đó nên luôn ân cần động viên chúng ta phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng...
Ðiều làm nên sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được toàn dân kính yêu, được bạn bè quốc tế quý trọng không chỉ bởi Người là một lãnh tụ có tầm nhìn xa trông rộng, có tài tổ chức và lãnh đạo Ðảng, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo nhân dân ta làm nên những chiến công vĩ đại và khả năng đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, đã có những cống hiến vô cùng to lớn đối với dân tộc ta và với nhân loại, mà còn bởi tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời mà Người đã suốt đời kiên trì nêu gương...
Về những tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, những nhiệm vụ của Thủ đô trong thời gian tới, ông Phạm Quang Nghị nêu rõ: Mỗi thời kỳ cách mạng, mỗi hoạt động lớn của Ðảng bộ, chính quyền, đoàn thể Thủ đô đều được Bác theo dõi và chỉ đạo, hướng dẫn ân cần. Bác luôn mong Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô XHCN, Ðảng bộ Hà Nội phải trở thành Ðảng bộ vững mạnh để các đảng bộ khác noi theo...
Ðể tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt kết quả tốt hơn, Ban chỉ đạo Cuộc vận động của Thành ủy đang tích cực chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị tiếp tục triển khai nghiêm túc, với tinh thần sáng tạo, cụ thể, thiết thực, tránh hình thức. Gắn việc triển khai cuộc vận động này với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi năm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2008 của thành phố và các chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa 14, với hai khâu đột phá là cải cách hành chính và công tác cán bộ, gắn với thực hiện Chương trình số 02/CT-TU về "Tạo bước chuyển biến mạnh về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng giai đoạn 2006-2010", gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, với việc tự rèn luyện, tự phấn đấu hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Những nhiệm vụ nói trên được thực hiện tốt chính là thước đo quan trọng đánh giá kết quả việc các cấp, các ngành đã làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo nên bước chuyển mạnh mẽ, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu.
Tại lễ mít-tinh, ông Phạm Thắng, đảng viên 50 năm tuổi đảng, thuộc Ðảng bộ phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy kể câu chuyện đã tham gia dự thi tại chung khảo hội thi cấp thành phố Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðồng chí Phạm Hồng Thụy, đảng viên 50 năm tuổi đảng, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư 12, phường Trần Hưng Ðạo, quận Hoàn Kiếm, phát biểu ý kiến nêu những kinh nghiệm trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðồng chí Nguyễn Kim Quý, cử nhân tâm lý đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, thí sinh đoạt giải nhất chung khảo hội thi cấp thành phố Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến bày tỏ tình cảm của thế hệ trẻ đối với Bác Hồ kính yêu và quyết tâm học tập, làm theo những lời dạy của Người.
Lễ mít-tinh kết thúc trong tiếng hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
* Tối 18-5, tại Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã diễn ra đêm chung kết và trao giải cuộc thi "Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng". Kết quả, giải đặc biệt thuộc về thí sinh Phùng Thị Lan Hương, Ðài PT-TH Hà Nội với câu chuyện: Bác Hồ đến với các cháu trẻ mồ côi. Ban giám khảo đã trao hai giải nhất, ba giải nhì, ba giải ba và bốn giải khuyến khích cho các thí sinh đoạt giải.
Phát biểu ý kiến tại lễ trao giải, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã biểu dương những cố gắng của ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi và chúc mừng các thí sinh là cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo, đài phát thanh và truyền hình đã dự thi và đoạt giải tại cuộc thi "Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng" do Ban Tuyên giáo T.Ư phát động. Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của những người làm báo trong cả nước.
* Thành phố Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động: Tổng kết và trao giải Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 36 thí sinh lọt vào chung khảo thể hiện các bài dự thi một cách phong phú và sinh động, qua đó khơi dậy những tình cảm tốt đẹp, lòng thành kính của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang đối với Bác Hồ kính yêu. Giải nhất hội thi thuộc về thí sinh Phạm Thị Phương Thảo, Trường đại học Cần Thơ với chuyện kể: "Như người Cha hiền". Tại buổi tổng kết cuộc thi, Thành ủy Cần Thơ đã trao 118 Huy hiệu Hồ Chí Minh tặng các cán bộ, đảng viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Cũng dịp này Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Cần Thơ và chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tại Cần Thơ tổ chức chương trình giao lưu với gần 250 cán bộ, đảng viên tiêu biểu với chủ đề "Miền Tây Nam Bộ làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Thành đoàn TP Cần Thơ có nhiều hoạt động thiết thực thu hút đoàn viên, thanh niên thành phố tham gia, nhất là ngày hội "Giọt máu hồng tình nguyện" thu hút gần 2.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia, qua đó có hơn 500 đoàn viên, thanh niên được chọn là tình nguyện viên hiến máu nhân đạo.
* Sáng 17-5, tại Cụm công nghiệp và dân cư Nhị Xuân (ấp 5, Xuân Thới Sơn, Hóc Môn) TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố tổ chức lễ phát động "Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng sáng 17-5, lãnh đạo Hội Nông dân cùng 300 hội viên nông dân thành phố đã đến viếng và trồng cây lưu niệm tại nghĩa trang liệt sĩ An Nhơn Tây, Củ Chi. Cùng ngày, tại Nhà văn hóa thanh niên thành phố, đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân đã dự ngày hội "Thanh niên làm theo lời Bác" lần thứ nhất năm 2008.
* Sáng 18-5, tại tượng đài Bác Hồ, hàng trăm thanh niên, thiếu nhi TP Hồ Chí Minh đã kính cẩn làm lễ dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; báo cáo với Bác những thành tích mà đoàn viên, thanh niên, đội viên, thiếu nhi thành phố đã đạt được sau một năm thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Trong năm qua, gần 310.000 lượt đoàn viên, thanh niên thành phố đã tham gia các lớp học tập, nghiên cứu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hơn 361 nghìn đội viên thiếu nhi đăng ký thực hiện chương trình rèn luyện đội viên, trong đó có 283 nghìn em đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ". Tổ chức sinh động việc học và làm theo Bác, ngoài các lớp học chuyên đề, nhiều cấp bộ đoàn còn lồng ghép nội dung học tập đạo đức của Người vào các buổi sinh hoạt chi đoàn chủ điểm, trong các đêm hội văn hóa hay các chương trình mang tên "Hành trình theo chân Bác".
* T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, tối 18-5, tại Cung văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội, tổ chức chung kết cuộc thi Giọng hát vàng sinh viên toàn quốc lần thứ hai. Những bạn trẻ tham dự vòng thi này là những thí sinh xuất sắc nhất tại các vòng thi sơ khảo diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng. Các sinh viên biểu diễn những ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tình yêu quê hương, đất nước và tình yêu tuổi trẻ... Ban Tổ chức đã trao nhiều giải thưởng khác nhau tặng các thí sinh có giọng hát xuất sắc.
* Kỷ niệm 39 năm ngày Bác Hồ gửi thư cuối cùng cho kiều bào (27-1-1969 - 27-1-2008), 118 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp Ủy ban Người Việt ở nước ngoài vừa tổ chức khai mạc triển lãm "Bác Hồ với kiều bào". Triển lãm trưng bày gần 200 hiện vật, tài liệu và tranh, ảnh, trong đó có nhiều tài liệu quý lần đầu được công bố.
* Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các địa phương: Sáu thí sinh dự thi vòng chung khảo của thành phố Hải Phòng đã mang về Hội thi những câu chuyện đời thường, gần gũi của Bác Hồ đối với nhân dân. Thí sinh Phạm Thị Thu Hương (Công ty Ðiện lực) đoạt giải nhất hội thi.
Tại Bắc Giang, có bảy thí sinh tham dự vòng chung khảo được lựa chọn từ hơn hai nghìn thí sinh tham gia hội thi các cấp. Giải nhất thuộc về thí sinh Phan Thị Thanh Nhàn, Ðảng bộ Quân sự tỉnh, với câu chuyện kể "Bác không đến thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai". Hội thi thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Các thí sinh dự thi đều chọn kể những câu chuyện xúc động, thể hiện tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ với những liên hệ thực tế hiện nay.
Tám thí sinh dự thi vòng chung khảo tỉnh Hà Tĩnh là những thí sinh được lựa chọn qua 3.326 cuộc thi ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở và qua ba cụm thi ở cấp huyện, đảng bộ trực thuộc. Các câu chuyện thí sinh kể là: "O Thanh ra Hà Nội gặp Bác Hồ", "Thời gian quý báu lắm", "Những đêm giao thừa Bác Hồ đến với người nghèo", "Giản dị và tiết kiệm trong sinh hoạt", "Từ đôi dép đến chiếc ô-tô",... Ban tổ chức đã trao giải nhất thí sinh Ðặng Thanh Nhàn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân).
Hội thi do tỉnh Yên Bái tổ chức có năm thí sinh xuất sắc nhất dự thi, là những người vượt qua 1.050 thí sinh tham gia từ cơ sở và 25 thí sinh dự thi vòng sơ khảo cấp tỉnh. Thông qua mỗi chuyện kể, các thí sinh đã thể hiện sâu sắc tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu, có thí sinh đã kể chuyện bằng hai thứ tiếng: tiếng của dân tộc mình và tiếng phổ thông, giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn nội dung chuyện kể. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh Sầm Thị Minh Khuyên, thuộc Ðảng bộ huyện Văn Chấn.
Hội thi do tỉnh Lạng Sơn tổ chức có tám thí sinh dự thi. Số thí sinh này đã vượt qua hàng nghìn thí sinh từ các hội thi cấp cơ sở, 11 huyện, thành phố, các đảng ủy trực thuộc và 29 thí sinh ở hội thi sơ khảo. Tại Hội thi này, các thí sinh đã thể hiện thành công những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu; qua đó liên hệ với bản thân và thực tiễn ở địa phương. Ban Tổ chức hội thi đã trao giải nhất và các giải khác cho các thí sinh.
* Từ ngày 1 đến 18-5 đã có 30 nghìn lượt khách tham quan và hành trình về nguồn tới Khu di tích Lịch sử Cách mạng Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang); dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lán Nà Lừa nâng tổng số khách thăm Khu di tích từ đầu năm đến nay lên hơn 130 nghìn lượt người. Kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ngày lễ lớn, Bảo tàng Tân Trào - ATK đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc triển lãm như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng.
* 19 giờ ngày 18-5, tại đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn sáu nghìn người tụ hội về thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ. Các hoạt động khác tại đền thờ Bác Hồ như trao giải cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giới thiệu Năm Du lịch Quốc gia sông nước miệt vườn Mê Công 2008 do Hậu Giang hưởng ứng.
Lập thành tích kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà máy Z 153, Tổng cục Kỹ thuật tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: tổ chức cho hơn 500 cán bộ, đảng viên, công nhân học tập các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Người; đồng thời tổ chức nghiên cứu nhiều chuyên đề với 572 sáng kiến, nhằm phát huy các nguồn lực của đơn vị, đẩy mạnh sản xuất. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của nhà máy được đưa vào ứng dụng, làm lợi hàng trăm triệu đồng.
* Công ty Nghe nhìn Thăng Long phát hành DVD, VCD mới Hồ Chí Minh - Hình ảnh của Người. Bộ phim được phát hành rộng rãi, khai thác bản quyền phát hành từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Ðạo diễn và kịch bản NSND Ðào Trọng Khánh.
* Thư viện quốc gia phối hợp Cục Văn hóa cơ sở tổ chức triển lãm sách và tranh cổ động có chủ đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Triển lãm giới thiệu 83 bức tranh cổ động và hơn 500 cuốn sách, trong đó có một số tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng Việt Nam các thời kỳ và các tác phẩm tiêu biểu của nhiều tác giả trong nước và nước ngoài viết về Người.
* Theo phóng viên TTXVN tại Lào, tối 17-5, gần một nghìn người Việt Nam sinh sống ở Thủ đô Viêng Chăn đã dự lễ kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Trường Nguyễn Du, ngôi trường của con em cộng đồng người Việt Nam ở Viêng Chăn.
Tại buổi lễ, Ðại sứ nước ta tại Lào Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh, bà con Việt kiều ở Lào luôn giữ tấm lòng nhớ ơn Bác, hướng về đất nước; kêu gọi bà con tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao đời sống, góp phần xây dựng hai nước Lào và Việt Nam, giữ gìn tình hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đã diễn ra bày tỏ lòng nhớ thương Bác và tình yêu đất nước. Hội Người Việt Nam ở Thủ đô Viêng Chăn đã giới thiệu những món ăn của quê hương.
* Sáng 18-5, Ðại sứ quán nước ta tại Cam-pu-chia tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chương trình báo cáo kết quả Cuộc thi tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được phát động từ tháng 2-2008. Tham dự có đông đảo cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán, Tổng lãnh sự, các cơ quan đại diện, lưu học sinh Việt Nam tại Cam-pu-chia và đại diện Việt kiều tại Thủ đô Phnôm Pênh.
Ý kiến bạn đọc