Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

07:45, 15/05/2008

Sáng 14-5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội khai mạc Ðại lễ Phật đản LHQ 2008 với chủ đề "Phật giáo và việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".


Tới dự có các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn 3.000 đại biểu  Phật giáo của hơn 70 nước và vùng lãnh thổ, chức sắc lãnh đạo một số tôn giáo, đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, các đoàn ngoại giao có mặt tại Việt Nam, hơn 300 phóng viên thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Mở đầu cho lễ khai mạc là lễ Tam bảo, múa lục cúng và bài ca “Vesak thiêng liêng”.

Các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân của cơn bão Nargis tại Myanmar và nạn động đất tại Trung Quốc.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008, Phó Viện trưởng Học viện Phát giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc chào mừng các đại biểu, quan khách cùng toàn thể Phật tử xa gần. Thiền sư nêu rõ, Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú. Trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa nét tân và nét cổ, giữa tâm linh và vật thể, đã hình thành nên những nếp sống rất riêng của mảnh đất Việt. Và trên bước đường hội nhập với thế giới, nền văn hóa Việt mang đậm chất Phật giáo đã mang đến cho kho tàng nhận thức nhân loại nhiều mẫu mực văn hóa có giá trị tham khảo cao.

Chính vì ý thức được điều đó, nên năm 2008 này, Việt Nam đã được cộng đồng Phật giáo thế giới chọn là điểm hội tụ, quy ngưỡng và tôn vinh những giá trị đạo đức cao quý của một bậc vĩ nhân trong lịch sử tư tưởng, văn hóa nhân loại. Đại lễ Phật đản 2008 được tổ chức tại Hà Nội là một vinh dự cho Phật giáo Việt Nam, là một biểu tượng điển hình về tầm vóc quan trọng có tính văn hóa quốc tế của ngày kỷ niệm Đản sanh Đức Phật. Thiền sư đặc biệt tri ân Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại lễ được thành công tốt đẹp.

Tiếp đó, Hòa thượng Thích Từ Nhơn tuyên đọc phát biểu của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hồi đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông điệp nêu: Kỷ niệm ngày Vesak của các quốc gia, các truyền thống hệ phái dù có khác nhau, nhưng tất cả đều đồng thuận tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ V tại Việt Nam đã nói lên ý nghĩa của sự tập hợp đoàn kết, hòa bình, thống nhất và hữu nghị trong tinh thần cao cả của ngày lễ Vesak.

Bằng tinh thần từ bi, trí tuệ và đạo đức nhân bản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như tất cả các đại biểu, những nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, những nhà làm công tác tôn giáo, xã hội, học giả, trí thức, khoa học v.v. nguyện sẽ nỗ lực làm tỏa sáng ý nghĩa Vesak của Đạo Phật trong khắp cõi nhân gian...

 
 
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ niềm vui và hoan nghênh sự có mặt của đông đảo quý vị chư tôn đức Giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên khắp thế giới, các vị đại diện Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, đại diện các nước cùng tăng ni, phật tử trong nước và nước ngoài.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam là sự khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên hợp quốc chọn ngày Tam hợp Đức Phật là ngày văn hóa tôn giáo thế giới, đồng thời khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo.

Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý tìm đến nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.

Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ... Những việc làm cao cả ấy ngày càng rõ nét và đạt thành quả lớn lao, khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn gắn đạo với đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.

Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đọc thông điệp nêu rõ, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ V được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội cho các tăng ni cư sĩ phật tử trong và ngoài nước chia sẻ những kinh nghiệm tu tập và học thuật uyên thâm của các học giả đến từ khắp các châu lục.

Các đại biểu cũng nghe thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, của nguyên thủ các quốc gia, các đại sứ và của lãnh tụ các giáo hội Phật giáo thế giới.

Trong thời gian diễn ra Đại lễ, các đại biểu sẽ tham gia các nghi thức, lễ hội, hội thảo và đi du lịch chiêm bái thắng tích Phật giáo, danh lam thắng cảnh ở một số địa phương.

* Trong khuôn khổ Ðại lễ Phật đản 2008 của tỉnh Thừa Thiên - Huế và chào mừng đại lễ Phật Ðản của Liên hợp quốc lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, trên sông Hương vừa diễn ra lễ thắp sáng tác phẩm sắp đặt "Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh".

Mỗi đóa sen cao 2,5m tính từ đài sen lên đến đỉnh, có ba lớp, đường kính của vòng cánh sen ngoài cùng là 7m, trọng lượng mỗi hoa khoảng 250kg. Bảy đóa sen được thiết kế đặt trên bệ phao, thả nổi giữa sông Hương, đoạn phía trước Phu Văn Lâu.

* Tại Trung tâm văn hóa lễ hội tỉnh Lâm Ðồng, trong những ngày Ðại lễ Phật đản 2008 tại Việt Nam, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa Phật giáo sôi nổi và phong phú như Liên hoan ẩm thực chay với 100 món chè Việt, hội thi các món bánh Việt Nam, hội thi các món ăn được chế biến từ rau, củ quả Ðà Lạt, hội thi cắm hóa.

Bên cạnh đó là Ðại lễ cầu nguyện hòa bình, triển lãm văn hóa Phật giáo với nhiều bộ sưu tập hiện vật quý giá của nhà Phật, đêm đại nhạc hội Phật giáo lần đầu được thực hiện tại TP Ðà Lạt với nhiều tiết mục đặc sắc cùng lễ diễu hành hơn 50 chiếc xe hoa dạo quanh các đường phố chính trong thành phố và đêm hội hoa đăng, phóng sinh mang chủ đề “Ðêm Sen Mừng Ðại Lễ”.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị Giao ban cụm các huyện, thị xã phía Nam, quý II
(HGĐT)- Ngày 12.5, tại huyện Quang Bình, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Giao ban cụm các huyện, thị xã phía Nam của tỉnh, quý II năm 2008.
14/05/2008
Thống nhất nội dung chương trình kỳ họp thứ 11- HĐND tỉnh (khóa XV)
(HGĐT)- Ngày 13.5, Thường trực HĐND tỉnh họp với UBND, các ban HĐND, ủy ban MTTQ và các ngành liên quan thống nhất chương trình, nội dung kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh (khóa XV).
14/05/2008
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Xín Mần
(HGĐT)- Trong 2 ngày 12 và 13.5, đồng chí Nguyễn Văn Trường, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh cùng tổ đại biểu HĐND tỉnh, huyện Xín Mần đến tiếp xúc cử tri tại xã Pà Vầy Sủ và xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần.
14/05/2008
Thành lập và bổ nhiệm lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh
(HGĐT)- Chiều 12.5, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Lễ Công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc tổ chức bộ máy mới và công tác cán bộ. Đồng chí Trịnh Duy Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu giao nhiệm vụ.
14/05/2008
tra cứu thần số học miễn phílàm tượng hộ pháp Sơn Đồng