Quyết liệt ngăn chặn dịch lợn "tai xanh"
Dịch lợn tai xanh lần này lại bùng phát dữ dội. Từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, dịch lan nhanh sang các tỉnh trọng điểm chăn nuôi phía bắc và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hầu hết các trang trại quy mô lớn đều không bị dịch lợn "tai xanh". |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch hiện nay được đẩy mạnh theo hướng: vừa dập dịch, vừa khẩn trương ngăn chặn dịch tới những vùng chưa có dịch...
Hơn 200 nghìn con lợn nhiễm bệnh
Xuất hiện lần đầu ở Hà Tĩnh (kể từ ngày 28-3), liên tiếp trong những ngày sau đó, dịch rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (dịch tai xanh) bùng phát mạnh ở Thanh Hóa, Nghệ An.
Chỉ vỏn vẹn gần một tháng, dịch lan nhanh ra gần 660 phường, xã, thuộc 50 huyện, thị xã của mười tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Lâm Ðồng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình và Thái Nguyên; làm hơn 230 nghìn con lợn mắc bệnh, ốm chết, buộc phải tiêu hủy.
* Ở Việt Nam, mặc dù có thể ghi nhận tất cả các loại lợn có thể mắc bệnh và chết nhưng chúng ta cũng chưa có một số liệu thống kê chính xác tỷ lệ các loại lợn mắc bệnh theo lứa tuổi là bao nhiêu.
Các nhà khoa học Trung Quốc đưa ra một con số, từ việc thống kê số liệu thực tế các ổ dịch:
Lợn con theo mẹ, chết 100%; lợn con cai sữa, chết 70%; lợn choai - lợn vỗ béo, chết 20%, và lợn nái chết 10%.
Trong thực nghiệm, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng virus thể độc lực cao gây chết 100% số lợn con theo mẹ, 100% số lợn con cai sữa; 80% số lợn vỗ béo, gây sảy thai 100% số nái và gây chết 30% số nái.
Nguồn: Cục Thú y
|
So với hai đợt dịch tai xanh (năm 2007), đợt dịch này bùng phát mạnh hơn, cả bề rộng (địa bàn) và bề sâu (số lượng lợn nhiễm bệnh).
Thanh Hóa là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất; theo số liệu thống kê, đến ngày 27-4, dịch đã lan ra 473 phường, xã của 26 huyện, thị xã của tỉnh, với số lượng lợn nhiễm bệnh lên tới hơn 185 nghìn con, chiếm hơn 13% tổng đàn lợn của tỉnh (1,4 triệu con).
Dịch lan rộng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của địa phương.
Nguyên do: Bệnh mới xuất hiện lần đầu ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Nghệ An, cho nên các tỉnh hầu như không chủ động kiểm soát ngay được tình hình dịch bệnh, không khoanh vùng, dập dịch, không xử lý kịp thời những ổ dịch vừa mới xuất hiện, hơn thế quan điểm giải quyết xử lý các ổ dịch chưa thống nhất; cơ chế chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập, nên chưa khuyến khích được người dân khai báo, chủ động cùng hợp tác phòng, chống dịch; vả lại công tác tuyên truyền về dịch bệnh chưa đầy đủ nên người chăn nuôi có tư tưởng chủ quan, lơ là, thậm chí còn bán tháo lợn bệnh.
Bên cạnh đó hệ thống thú y cơ sở vẫn chưa đủ mạnh, nên không giám sát phát hiện bệnh kịp thời. Theo các nhà khoa học, bệnh là do virus PRRS ở thể cường độc nên tốc độ lây lan rất nhanh.
Chỉ sau khi xác định chính xác sự xuất hiện của dịch tai xanh, các địa phương mới thật sự vào cuộc, huy động mọi lực lượng, kể cả hệ thống chính trị, bao vây, dập dịch.
Khi Chính phủ chưa quyết định nâng mức hỗ trợ tiêu hủy lên 25 nghìn đồng/kg lợn hơi, thì tại địa phương, Thanh Hóa và Nghệ An đã "mạnh tay" chi 20 nghìn đồng/kg lợn hơi (mức hỗ trợ trong đợt dịch năm 2007 là 10.000 đồng/kg). Hà Tĩnh cũng "cân đối lại ngân sách", bảo đảm 15 nghìn đồng/kg cho người chăn nuôi tiêu hủy gia súc nhiễm bệnh; thực hiện ngay biện pháp mạnh nhằm "bế quan tỏa cảng" vùng dịch như việc cấm các hoạt động giết mổ, buôn bán, tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh trong thời gian có dịch, đồng thời cấp ngay hóa chất dự phòng, vôi bột cho các địa phương khử trùng tiêu độc môi trường, tăng cường hệ thống chốt kiểm dịch, kiểm tra việc vận chuyển gia súc ra vào ở các cửa ngõ tỉnh...
Song, do dịch đã lan rộng ra nhiều địa bàn, nên việc tổ chức chống dịch ở cơ sở phần nào đã uể oải và hết sức lúng túng trong việc xử lý tiêu hủy gia súc nhiễm bệnh, kiểm soát việc buôn bán lợn bất hợp pháp từ vùng có dịch ra vùng chưa có dịch.
Một số nơi, các cấp chính quyền ở cơ sở còn chủ quan lơ là với dịch chưa quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, vì thế nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học còn yếu, đó là những nguyên nhân chủ yếu làm phát tán nhanh mầm bệnh trong thời gian vừa qua.
Tiêu hủy triệt để số lợn nhiễm bệnh tai xanh
Ngay khi dịch xuất hiện và có chiều hướng lây lan trên diện rộng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã liên tục gửi công điện (số 19, 20, 21) chỉ đạo nhằm đưa ra các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Trong đó, giải pháp chính "cần phát hiện sớm ổ dịch để bao vây xử lý nhanh, gọn", "tiêu hủy ngay, triệt để toàn bộ lợn bị bệnh, không giữ chữa trị", và "khi dịch xuất hiện ở quy mô nhỏ, thì tiêu hủy triệt để lợn bệnh và những con trong một chuồng,... không chờ kết quả xét nghiệm".
Dù đã có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ, nhưng đến nay, dịch tai xanh vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó việc tiêu hủy gia súc nhiễm bệnh lại đang nảy sinh những vấn đề bất cập mới trong khâu tổ chức thực hiện ở địa phương.
Thực tế, một số địa phương có tình trạng lạm dụng việc tiêu hủy, cứ thấy lợn có biểu hiện ốm là đem tiêu hủy một cách tràn lan, gây thiệt hại cho người dân. Số lượng lớn lợn nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy đã làm nảy sinh tình trạng quá tải từ đất chôn lấp, lực lượng, phương tiện tiêu hủy đến hóa chất dùng cho tiêu độc khử trùng môi trường... vì thế nhiều địa phương không tuân thủ đúng quy trình tiêu hủy theo hướng dẫn (số 561) của Cục Thú y; thậm chí có trường hợp bắt buộc phải làm sai hướng dẫn vì điều kiện địa phương không cho phép! (như ở xã vùng trũng thuộc huyện Quảng Ðiền, Thừa Thiên - Huế, không thể có khu đất cao để thực hiện đúng quy trình).
Còn người dân vì xót của nên vẫn có tư tưởng muốn bán chạy, để phần nào gỡ được chi phí, thương lái thì vì lợi nhuận trước mắt nên bất chấp pháp luật, sẵn sàng lùng sục trong vùng dịch để vận chuyển, mua bán kiếm lời, vô hình chung là tác nhân chủ yếu làm cho mầm bệnh phát tán rộng...
Ðể có thể vừa khống chế dịch nhanh chóng, vừa tiết kiệm chi phí, trong thời gian qua, rất nhiều nhà quản lý, khoa học, chủ trang trại chăn nuôi đã đưa ra các giải pháp phòng, chống mang tính chiến lược như hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, nhanh chóng tổ chức chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, thống nhất quy trình phòng, chống bệnh tai xanh và nghiên cứu cơ chế lây lan để chủ động phòng, chống dịch...
Song, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng: Thay vì tiêu hủy lợn mắc bệnh, có thể giết mổ, chế biến chín (vì bệnh tai xanh không lây sang người) để tránh lãng phí ? Giải pháp này có thể làm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi nhưng liệu có khả thi không? Hoặc nên hay không nên sử dụng vaccine phòng bệnh? Và vaccine nào phù hợp virus PRRS gây dịch tai xanh ở nước ta?
Ðó cũng là những giải pháp cơ bản trong tình hình hiện nay, nhưng tính khả thi của nó cần phải xem xét một cách bài bản, dựa trên nền nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch và hệ thống giám sát dịch, đồng thời liên quan vấn đề này là hệ thống giết mổ, chế biến tập trung cũng như hệ thống kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia súc liệu đã đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch?
Tất cả những vấn đề đó cần được tổng kết, rút kinh nghiệm ngay sau mỗi đợt chống dịch, nhằm thống nhất một quy trình phòng, chống bệnh lợn tai xanh. Từ đó tránh được tình trạng bị động, lúng túng và chủ động hơn trong việc ngăn chặn, dập dịch, ngay khi mới bùng phát trên diện hẹp.
* Tiêu hủy lợn mắc bệnh tai xanh là một trong những biện pháp tối ưu
Kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy, hơn 99% số virus gây bệnh tai xanh ở Việt Nam trùng với virus độc lực cao ở Trung Quốc.
Ðây là type virus mới, khác với virus chủng độc lực thấp ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu, nên dịch tai xanh ở nước ta là đặc biệt nguy hiểm và phương án tiêu hủy lợn bệnh được xác định là một trong những biện pháp tối ưu nhằm tiêu diệt triệt để mầm bệnh. Việc tiêu hủy triệt để chỉ được áp dụng đối với những ổ dịch đầu tiên xảy ra, có quy mô nhỏ.
Về giải pháp xử lý lợn bệnh bằng cách giết mổ và chế biến chín để tiêu thụ cho đỡ lãng phí, khi chúng tôi tiếp thu ý kiến và tham khảo tài liệu quốc tế thì họ không thực hiện cách làm này.
Phương án đó có nhược điểm là những phụ phẩm như tiết, lông... nếu không được xử lý kỹ sẽ lại là nguồn bệnh làm lây lan dịch nhanh hơn.
Nền chăn nuôi nước ta chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, nên chúng ta không thể kiểm soát được tất cả các khâu kể trên. Nếu để từng hộ chăn nuôi tự xử lý giết mổ, chế biến chín thì nguy cơ phát tán dịch rất cao.
Chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu phương pháp này, nhưng về tính khả thi thì cơ sở khó thực hiện, không hiệu quả do chúng ta không có một hệ thống giết mổ lợn bệnh bảo đảm. Trong hướng dẫn sắp tới cụ thể hơn, chúng tôi sẽ nghiên cứu khả năng cho phép những con mắc bệnh nhẹ có thể nuôi riêng, nhưng với điều kiện đó là cơ sở chăn nuôi tập trung để bảo đảm rằng, những con mắc bệnh nhẹ đó không được bán đi đâu, không được vận chuyển đi chỗ khác, được nuôi cách ly hoàn toàn và được giám sát bảo lưu virus trong đó để chúng ta giám sát sau này. Nhưng đó là biện pháp được thực hiện trong điều kiện chăn nuôi tập trung, còn nếu tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì không hiệu quả và không làm được.
Tiến sĩ BÙI BÁ BỔNG, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
* "Cấm trại" đề phòng dịch lây lan
Trại chăn nuôi của chúng tôi mới thành lập được vài năm nay tại xã Tam Phước, Phú Ninh, Quảng Nam, do mấy anh em trong nhà cùng góp vốn để làm. Nuôi lợn nái kết hợp lợn thịt thương phẩm, số đầu con trong trại lúc cao điểm khoảng trên dưới 100 con, tổng tiền đầu tư lên đến vài trăm triệu đồng.
Ðầu năm 2007, nghe tin về dịch bệnh tai xanh lây lan nhiều trên đàn nái ở các tỉnh phía bắc, chúng tôi đã cảnh giác đề phòng. Thế rồi dịch bệnh lan đến Quảng Nam thật. Ðầu tiên là Thăng Bình, Quế Sơn, rồi lan ra toàn tỉnh.
Ngày nào chúng tôi cũng theo dõi tin tức trên đài và ti-vi. Làm thế nào để phòng dịch lây lan vào trại? Không tìm mua được vaccine, dịch thì ngay liền kề.
Chúng tôi xác định chỉ có cách "cấm trại" may ra mới ngăn được dịch lây lan đến trại mình. Nói cho to tát, chứ thực tế nôm na là hạn chế ra vào trại, kể cả người nhà. Mua thêm chục đôi ủng để đi ra vào, không thăm viếng hàng xóm, nếu có việc cần cũng tuyệt đối không đi thăm nhà nào có lợn ốm. Rắc vôi quanh chuồng và cọ rửa hằng ngày.
Ðược xã cấp thuốc sát trùng, chúng tôi tận dụng tối đa và mua thêm nữa, cứ ba ngày một lần là phun xịt. Trước đây, xe nhập cám và thức ăn tận nơi, giờ có dịch, xe chỉ dừng ở chân đồi, chúng tôi tự mang cám vào, để khu riêng; Làm thêm chỗ để cọ rửa ủng và giày dép ngoài trại. Cấm trại chưa đủ, để an toàn, thịt lợn cũng bỏ ra ngoài danh mục thức ăn. Hôm nào thèm thịt lợn thì nhờ vợ mua, luộc ở nhà, chỉ về lấy thịt chín mang vào trại thôi. Ði đâu về cũng thay quần áo, giày dép mới vào trại. Ðược cán bộ thú y và khuyến nông tư vấn thêm, chúng tôi đã thực hiện nghiêm việc tiêm phòng các loại vaccine khác theo quy trình phòng bệnh, bổ sung thức ăn và vi-ta-min cho toàn đàn, nhưng phòng lây lan vẫn là chủ đạo.
Ngày 12-7-2007, tỉnh công bố dịch và sau đó là hơn hai tháng cấm vận chuyển, tiêu thụ lợn để chống dịch. Thật may mắn thay, trại chúng tôi không bị lây lan. Cả đàn lợn không hề gì. Tuy nhiên, chống dịch thì không lơ là được. Kể cả khi không có dịch, chúng ta vẫn phải đề cao cảnh giác.
VÕ PHƯỚC LONG, chủ trang trại chăn nuôi ở Quảng Nam
* Coi trọng công tác phòng bệnh
Mặc dù bệnh tai xanh ở lợn không lây sang người, nhưng về nguyên tắc, bất cứ loài vật nuôi nào khi đã xác định bị bệnh thì không nên giết thịt để ăn, hơn nữa nếu có chủ trương cho giết mổ lợn bệnh trong vùng dịch, thì nguy cơ phát tán bệnh rất cao, khó khống chế dịch.
Cần phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để người dân khai báo kịp thời khi dịch mới xảy ra trên diện hẹp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tại các địa phương đang có dịch, thì ưu tiên số một là dập dịch nhanh bằng mọi biện pháp. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ðể phòng bệnh có hiệu quả, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm các giải pháp sau đây:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để mọi người nhận biết nguy cơ và đặc điểm của bệnh tai xanh, từ đó sẽ chủ động hơn trong công tác phòng dịch. Người dân phải tự cứu lấy mình trước khi yêu cầu Nhà nước trợ giúp.
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh để phát hiện dịch sớm. Cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở khi để xảy ra dịch mà không phát hiện và khai báo kịp thời. Có cơ chế xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời khen thưởng kịp thời các trường hợp làm tốt.
- Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sau: Thực hiện an toàn sinh học để cách ly các nguồn lây nhiễm (cấm người lạ ra vào chuồng nuôi, đặc biệt là thương lái); thường xuyên vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, diệt ruồi, muỗi; không mua thịt lợn về ăn khi trong vùng đang có dịch, phương tiện đi lại không để gần chuồng lợn; phòng một số bệnh do vi trùng bằng cách bổ sung một số kháng sinh vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng cho lợn; sử dụng một số vaccine phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu..., kể cả sử dụng vaccine tai xanh cho đàn lợn, nhất là đàn lợn giống; xử lý lợn ốm, chết, cách ly lợn khỏe để theo dõi...
Tiến sĩ NGUYỄN THANH SƠN, Phó Cục trưởng Chăn nuôi
* Ðề nghị sớm công khai chính sách trợ giúp
Chúng tôi rất lo lắng nếu tái phát dịch tai xanh trên đàn lợn. Năm 2007, đàn lợn 33 con nhà tôi bị dịch tai xanh. Nhà tôi bị phát hiện có dịch là do gia đình đi mua thuốc tự chữa, cho nên chủ cửa hàng là cán bộ thú y xã đã báo cáo lên xã, huyện.
Ðàn lợn nhà tôi đang khỏe mạnh thì có một vài con bị ốm. Cơ quan thú y đến tiêu hủy, nhưng chưa cho gia đình biết mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu. Gần một tấn lợn hơi, trị giá mấy chục triệu đồng bỗng nhiên mất.
Ðể nuôi lợn, nhà tôi phải vay vốn ngân hàng, giờ biết lấy đâu mà trả gốc, lãi? Ðến giờ tôi cũng chưa biết bệnh tai xanh là gì.
Chưa bao giờ có cán bộ thú y đến tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh chuồng, trại; cách phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Không chỉ nhà tôi mà hầu hết các hộ chăn nuôi khác cũng chẳng bao giờ tiêm các loại vaccine cho đàn lợn. Chúng tôi băn khoăn, nếu không may xảy ra dịch tai xanh thì các cơ quan chức năng sẽ tiêu hủy số con bị bệnh hay tiêu hủy cả đàn? Nếu trong thôn, xã có hộ bị dịch tai xanh trên lợn thì có tiêu hủy hết cả đàn lợn trong thôn, xã đó hay không? Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có thông báo, giải thích, nhất là sớm công khai mức trợ giúp đối với đàn lợn bị tiêu hủy để người dân yên tâm sản xuất và tự giác khai báo khi xảy ra dịch.
NGUYỄN VĂN LUÂN, nông dân đội 6, thôn Thanh Lanh (Thanh Bính, Thanh Hà, Hải Dương)
|
Ý kiến bạn đọc